Tấm gương rèn luyện sức khỏe
Đầu mùa hè năm 1910, khi mới 20 tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh dừng lại tại Phan Thiết (Bình Thuận) trên con đường xuất dương tìm đường cứu nước. Người xin dạy học ở trường Dục Thanh. Người đã dạy Quốc ngữ và Hán văn, đồng thời phụ trách dạy Thể dục và các hoạt động dã ngoại của nhà trường.
Sau khi về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng (27/1/1943), Chủ tịch Hồ Chí Minh ở hang Pác Bó, cửa hang hẹp, toàn đá tai mèo lởm chởm. Người lấy đất đắp một nền phẳng đủ rộng để ngày ngày ra tập thể dục. Người dùng dao đẽo gọt những cái chày gỗ to nhỏ làm tạ tay.
Tháng 9/1943, vừa ra khỏi nhà tù Quốc dân Đảng Trung Hoa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tập leo núi để hồi phục sức khỏe với mục đích nhanh chóng về nước phục vụ cách mạng. Điều này khiến Trương Phát Khuê, viên tướng Tư lệnh Đệ Tứ chiến khu của Tưởng Giới Thạch, phải trầm trồ: “Kính phục! Kính phục!”.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, để làm gương cho đồng bào tập thể dục, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói rõ: “Tự tôi ngày nào cũng tập”. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp ở chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tập luyện thể dục thể thao đều đặn. Năm 1958, trong dịp sang thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa Ấn Độ, Chủ tịch Hồ Chí Minh leo 379 bậc cầu thang khi đến thăm tháp Cutapmina cao 73 mét và vẫy hoa chào các bạn Ấn Độ khiến Nhân dân Thủ đô New Delhi thán phục.
Vì nhớ đồng bào miền Nam, dù đã ngoài 75 tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Bộ Chính trị bố trí Người đi thăm động viên đồng bào và chiến sĩ miền Nam. Người đã tập luyện để chuẩn bị thực hiện. Đồng chí Vũ Kỳ - Thư ký riêng của Người cho biết: “Hồi đó, mỗi ngày Bác tập hành quân từ 5 đến 10km, có hôm tăng lên 20km đường rừng, băng đèo, vượt sông. Bác cũng đeo ba lô nặng 25kg”.
Tháng 3/1968, Người gửi thư cho Tổng Bí thư Lê Duẩn: “Chú có ý khuyên Bác đi thăm đồng bào miền Nam sau ngày ta thắng lợi hoàn toàn. Bác rất tán thành. Nhưng nay chỉ đổi chữ “sau” thành chữ trước ngày thắng lợi hoàn toàn”. Tháng 3/1969, khi gặp các đồng chí Phạm Hùng và Hoàng Văn Thái từ miền Nam ra họp, Người vẫn nhắc tới việc vào thăm miền Nam. Trước khi hai đồng chí trở lại chiến trường, Người hỏi: “Các chú có thể chuẩn bị cho Bác sớm vào thăm đồng bào miền Nam được không?”. Đồng chí Phạm Hùng và đồng chí Hoàng Văn Thái đã xúc động thưa: “Chúng cháu nhất định hoàn thành nhiệm vụ để sớm rước Bác vào Nam”.
Nhà thơ Việt Phương đã xúc động viết bài thơ “Muôn vàn tình thân yêu trùm lên khắp quê hương” (9/1969) về quyết tâm này của Người: “Ngoài bảy nhăm, Bác vẫn thường ném bóng/ Cái gạt tàn thuốc lá đã từ lâu thôi không nóng trên bàn/ Mỗi ban mai Bác luyện chân như ngày xưa tập trèo sườn núi vắng/ Con biết lòng Người quyết đến với miền Nam”.
Dân cường thì nước thịnh
Vào ngày 30/1/1946, ngay sau khi nước nhà mới giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) ký Sắc lệnh số 14, thành lập Nhà Thể thao Trung ương trong Bộ Thanh niên. Với mục tiêu “xét vấn đề thể dục rất cần thiết để tăng bổ sức khoẻ quốc dân và cải tạo nòi giống Việt Nam”, Sắc lệnh nêu rõ: Nhà thể thao Trung ương có nhiệm vụ “liên lạc mật thiết với Bộ Y tế và Bộ Quốc gia giáo dục để nghiên cứu và thực hành thể dục trong toàn quốc”. Hai tháng sau, vào ngày 27/3/1946, Người lại ký Sắc lệnh số 33 thành lập Nha Thanh niên - Thể dục thuộc Bộ Quốc gia giáo dục, là cơ quan tham mưu của Chính phủ về thể dục thể thao.
Báo “Cứu quốc”, “Việt Nam khoẻ” và nhiều tờ báo khác đăng lời lời “Hồ Chủ tịch hô hào đồng bào tập thể dục: Sức khoẻ và thể dục” (ngày 27/3/1946). Người viết: “Hỡi đồng bào toàn quốc. Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới thành công. Mỗi một người dân yếu ớt, tức là làm cho cả nước yếu ớt một phần; mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là góp phần cho cả nước mạnh khỏe. Vậy nên tập luyện thể dục, bồi bổ sức khỏe, tức là góp phần cho cả nước mạnh khỏe. Vậy nên tập luyện thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi một người dân yêu nước. Việc đó không tốn kém, khó khăn gì, gái trai, già trẻ ai cũng nên làm và ai cũng làm được. Mỗi người lúc ngủ dậy, tập ít phút thể dục, ngày nào cũng tập thì khí khuyết lưu thông, tinh thần đầy đủ. Như vậy là sức khỏe. Dân cường thì nước thịnh. Tôi mong đồng bào ai cũng gắng tập thể dục. Tự tôi ngày nào cũng tập”.
Trong Thư gửi cho học sinh ngày 17/9/1946, Người luôn nhắc nhở các học sinh: “Cái quý nhất của con người là sức khỏe. Các em chịu khó tập thể dục là giữ gìn cái quý báu nhất của con người”.
Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp ở chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân cần gìn giữ sức khỏe, tăng cường thể lực phục vụ cho công tác và chiến đấu để giành độc lập tự do cho dân tộc. Một trong những bài tập sử dụng rộng rãi là bài tập quân sự gồm 32 động tác với súng gậy và một số môn như việt dã, chạy vũ trang, bóng chuyền, bơi...
Sau khi miền Bắc được giải phóng, ngày 24/10/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho học sinh nhân ngày khai trường. Người nêu lên nội dung giáo dục toàn diện, trong đó coi trọng tất cả các mặt đức, trí, thể, mỹ: Thể dục: Làm cho thân thể khỏe mạnh, đồng thời cần giữ gìn vệ sinh và vệ sinh chung; Trí dục: Ôn lại những điều đã học, học thêm những tri thức mới; Mỹ dục: Để phân biệt cái gì là đẹp, cái gì là không đẹp; Đức dục: Là yêu Tổ quốc, yêu Nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, yêu trọng của công.
Ngày 2/11/1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Đại hội toàn quốc lần thứ II Đoàn Thanh niên cứu quốc. Nói chuyện với Đại hội, Người căn dặn thanh niên phải luôn luôn rèn luyện thân thể cho khỏe mạnh. Theo Người, “Khỏe mạnh thì mới có đủ sức để tham gia một cách dẻo dai bền bỉ nhưng công việc ích nước lợi dân”. Đi thăm các địa phương trong nước, Người thường xuyên căn dặn công nhân, bộ đội, cán bộ và đồng bào cần đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao.
Ngày 18/9/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc họp Ban Bí thư Trung ương Đảng nghe báo cáo về vấn đề thể dục thể thao. Người lưu ý công tác tuyên truyền phải làm nổi bật được tầm quan trọng của thể dục thể thao đối với sản xuất, quốc phòng. Ngày 31/3/1960, gửi thư cho Hội nghị Cán bộ Thể dục thể thao toàn miền Bắc, Người chỉ rõ: “Muốn lao động sản xuất tốt, công tác và học tập tốt thì cần có sức khỏe. Muốn giữ sức khỏe thì nên thường xuyên tập thể dục thể thao”.
Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ III (tháng 9/1960) đã khẳng định: “Con người là vốn quý nhất của chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ và bồi dưỡng sức khỏe của con người là mục tiêu cao quý của các ngành Y tế và Thể dục thể thao dưới chế độ ta”.
Nguyễn Văn Toàn
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|