Sau chuỗi ngày tăng giá ấn tượng, cổ phiếu KSV của Tổng công ty Khoáng sản TKV (Vimico) bất ngờ bị bán tháo mạnh trong phiên giao dịch ngày 18/2. Chốt phiên, KSV giảm hết biên độ, mất gần 30.000 đồng/cổ phiếu, kéo giá xuống 269.600 đồng/cổ phiếu. Đà lao dốc khiến vốn hóa thị trường của Vimico sụt giảm khoảng 6.000 tỷ đồng, chỉ còn 54.000 tỷ đồng.
![]() |
Diễn biến tiêu cực của cổ phiếu KSV xuất hiện sau thông tin các lãnh đạo doanh nghiệp đăng ký thoái toàn bộ vốn |
Diễn biến tiêu cực của cổ phiếu KSV xuất hiện trong bối cảnh hai Ủy viên HĐQT của Vimico, gồm ông Đặng Đức Hưng và ông Ngô Quốc Trung, đăng ký bán toàn bộ số cổ phiếu đang sở hữu. Cụ thể, ông Hưng sẽ bán 3.000 cổ phiếu, còn ông Trung bán 5.100 cổ phiếu. Thời gian giao dịch dự kiến diễn ra từ 19/2 đến 20/3.
Trước đó, KSV đã có đợt tăng giá mạnh kéo dài từ đầu tháng 12/2024 đến nay. Từ vùng giá 47.000 đồng/cổ phiếu, mã này đã tăng hơn 6 lần chỉ sau 2 tháng, trở thành một trong những cổ phiếu có thị giá cao nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tuy nhiên, thanh khoản của KSV vẫn ở mức thấp do cơ cấu cổ đông cô đặc. Mỗi phiên, chỉ có vài chục nghìn cổ phiếu được giao dịch, với giá trị dao động quanh 20 tỷ đồng. Hiện tại, Vimico niêm yết 200 triệu cổ phiếu KSV trên sàn HNX, trong đó Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) nắm giữ 98,06% vốn, tương ứng khoảng 3,89 triệu cổ phiếu do các nhà đầu tư nhỏ lẻ nắm giữ.
Vimico là doanh nghiệp khai thác khoáng sản hàng đầu Việt Nam, hoạt động trong các lĩnh vực vàng, bạc, kẽm, đồng và nhôm. Doanh nghiệp này đang nắm quyền khai thác mỏ đồng Sin Quyền, mỏ đồng lớn nhất Việt Nam.
Bên cạnh đó, Vimico cũng quản lý và khai thác mỏ đất hiếm Đông Pao, nằm tại xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Mỏ này có diện tích gần 133 ha, với tổng trữ lượng địa chất khô hơn 11,3 triệu tấn, chiếm hơn 50% tổng trữ lượng đất hiếm cả nước.
Từ năm 2014, mỏ Đông Pao được giao cho Công ty CP Đất hiếm Lai Châu - Vimico (Lavreco), công ty con mà Vimico nắm 56% cổ phần, với thời hạn khai thác 30 năm. Tuy nhiên, kể từ khi được cấp phép, Lavreco vẫn chưa triển khai khai thác mà mới chỉ dừng ở mức quản lý và bảo vệ mỏ.
Bất chấp việc Lavreco chưa khai thác đất hiếm, đà tăng giá của các kim loại quý như vàng, bạc, đồng trên thị trường quốc tế đã thúc đẩy đáng kể kết quả kinh doanh của Vimico. Đây cũng chính là yếu tố giúp cổ phiếu KSV lập đỉnh trong thời gian qua.
Năm 2024, Vimico ghi nhận doanh thu kỷ lục 13.250 tỷ đồng, tăng 11% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế cũng bứt phá mạnh, đạt 1.171 tỷ đồng, gấp hơn 7 lần so với năm 2023.
Theo giải trình của Vimico, kết quả kinh doanh khả quan năm 2024 đến từ việc giá bán bình quân các sản phẩm chính của công ty mẹ tăng cao so với năm 2023. Trong đó, giá bán đồng tấm là 230 triệu đồng/tấn, tăng 32 triệu đồng/tấn; giá bán vàng là 1,797 tỷ đồng/kg, tăng 449 triệu đồng/kg; giá bán bạc là 17,9 triệu đồng/kg, tăng 4 triệu đồng/kg...
![]() | Một cổ phiếu khoáng sản thăng hoa, vốn hóa giờ chung mâm hàng loạt ông lớn Thị giá tăng mạnh, áp sát mốc "3 chữ số" vốn hóa KSV lên hơn 19 nghìn tỷ đồng, tương đương các doanh nghiệp lớn ... |
![]() | Vimico (KSV) có lần đầu tiên lãi nghìn tỷ đồng nhờ giá khoáng sản tăng cao Sở hữu mỏ đất hiếm lớn nhất Việt Nam, Vimico có một năm kinh doanh ấn tượng khi lợi nhuận tăng đột biến, đạt hơn ... |
![]() | Khoáng sản TKV (KSV) hưởng lợi từ cơn sốt đất hiếm, cổ phiếu bùng nổ trên sàn chứng khoán Cổ phiếu KSV của Vimico tăng 570% chỉ sau 2,5 tháng, thiết lập đỉnh mới trên 310.000 đồng. Động lực đến từ cơn sốt khoáng ... |
Nguyên Nam