An toàn thực phẩm: Đến Tết lại lo

(Banker.vn) Nỗi lo về an toàn thực phẩm luôn thường trực trong mỗi người dân. Đặc biệt trong những ngày tháng cuối năm, vấn đề này lại càng được quan tâm nhiều hơn.
Yên Bái: Thu giữ 10 tấn nầm lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ Ngăn chặn thực phẩm bẩn dịp Tết - câu chuyện không hề cũ Xử lý nghiêm vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm; hàng giả kém chất lượng

Liên tiếp phát hiện, thu giữ thực phẩm “bẩn”

Càng gần đến Tết Nguyên đán, số vụ việc thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc bị cơ quan chức năng bắt giữ càng nhiều, khiến người tiêu dùng bất an.

Những mặt hàng được gian thương nhắm tới nhiều nhất thời gian này là thịt, nội tạng động vật bởi nhu cầu tiêu thụ của người dân tăng cao. Theo tổng kết của Tổng cục Quản lý thị trường, ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh liên tục phát hiện những vụ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm với mặt hàng này.

Mới đây, ngày 7/1, Công an xã Xuân Canh (huyện Đông Anh, TP. Hà Nội) phát hiện và tạm giữ 1,2 tấn nội tại động vật (tràng lợn) không rõ nguồn gốc xuất xứ, được đựng trong các thùng xốp có chữ nước ngoài. Số hàng hóa này đều không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, với tổng khối lượng cả trên xe và trong kho là 1.246kg.

Hay tại TP. Hồ Chí Minh, chiều 25/12, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TP Hồ Chí Minh cho biết vừa phát hiện số lượng lớn nội tạng động vật đông lạnh không rõ nguồn gốc ở 1 công ty trên địa bàn TP Thủ Đức. Tổng số lượng nội tạng lưu kho là 24.915kg, toàn bộ số lượng nội tạng trên không có nguồn gốc xuất xứ, không ngày sản xuất, không hạn sử dụng.

An toàn thực phẩm: Đến Tết lại lo
Liên tiếp bắt giữ thực phẩm kém chất lượng

Bánh kẹo là một phần không thể thiếu trong ngày Tết Việt Nam. Cũng bởi vậy mà nhiều đối tượng sẵn sàng đánh đổi sức khỏe người tiêu dùng để trục lợi từ mặt hàng này. Ngày 4/12/2023, Đội Quản lý thị trường số 9 - Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế, Công an xã Uy Nỗ - Công an huyện Đông Anh kiểm tra Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại thôn Ấp Tó, xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội. Thu giữ gần 1 tấn hàng hóa thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, trong đó có những sản phẩm "kẹo hình mắt người" mà dư luận quan tâm. Hiện vụ việc đang được xác minh và xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo Cục Quản lý thị trường Hà Nội, thời gian qua, lực lượng liên ngành thực hiện kiểm tra khá chặt và liên tiếp bắt giữ các vụ tập kết, vận chuyển, sản xuất, kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng…Trong 11 tháng của năm 2023, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra và phát hiện hơn 700 vụ vi phạm về an toàn thực phẩm, thu giữ nhiều tấn hàng hóa, đặc biệt là vụ thu giữ 53 tấn thịt hết hạn sử dụng…

Thống kê mới nhất của Tổng cục Quản lý thị trường cho thấy, năm 2023, trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, lực lượng đã kiểm tra 8.306 vụ, xử lý 6.773 vụ vi phạm; thu phạt trên 36,3 tỷ đồng; trị giá hàng hoá tịch thu 31,6 tỷ đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, vi phạm về sở hữu trí tuệ và thực phẩm không bảo đảm chất lượng.

Những vụ việc kể trên chỉ là một vài trong số rất nhiều vụ việc kiểm tra, phát hiện về thực phẩm mà lực lượng Quản lý thị trường cả nước phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý trong năm 2023. Con số này rất đáng báo động bởi vi phạm về an toàn thực phẩm ảnh hưởng trực tiếp và nghiêm trọng đến sức khỏe người dùng.

An toàn thực phẩm: Đến Tết lại lo
Hàng tấn thực phẩm đông lạnh chờ bán tết

Nâng cao đẩy lùi thực phẩm “bẩn”

Chỉ ra nguyên nhân gia tăng các vụ việc liên quan đến thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng, ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường cho hay, trước đây, các tổ chức, cá nhân sử dụng đường mòn, lối mở trên biên giới phía Bắc để vận chuyển thực phẩm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng hoặc là chưa được phép lưu hành để đưa vào tiêu thụ trong lãnh thổ Việt Nam. Hiện nay, đường mòn, lối mở bị ngăn chặn, các đối tượng chuyển hàng hóa nhập lậu qua biên giới phía Nam, đặc biệt là phía Tây Nam và một số cửa khẩu ở miền Trung sau đó đưa ngược ra phía Bắc tiêu thụ.

Theo ông Nguyễn Đức Lê, Quản lý thị trường xác định việc đấu tranh, ngăn chặn thực phẩm bẩn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Do vậy, trong cao điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán lực lượng sẽ tăng cường quản lý địa bàn, nắm tình hình nhanh chóng, kịp thời phát hiện các tổ chức, cá nhân có hành vi sản xuất, kinh doanh, vận chuyển thực phẩm bẩn. Đồng thời, kết hợp với lực lượng khác trên địa bàn để tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm minh các hành vi phạm pháp, đảm bảo cho người dân được sử dụng sản phẩm an toàn.

An toàn thực phẩm: Đến Tết lại lo
Lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, đẩy lùi thực phẩm bẩn

Trước vấn nạn về thực phẩm "bẩn" có chiều hướng gia tăng, Hà Nội đang ráo riết thực hiện nhiều giải pháp để đẩy lùi thực phẩm "bẩn", quyết tâm "làm sạch" thị trường thực phẩm Thủ đô.

Đại diện lãnh đạo Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, xác định công tác đấu tranh, ngăn chặn thực phẩm bẩn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Do vậy, trong cao điểm cuối năm, lực lượng Quản lý thị trường sẽ tăng cường công tác quản lý địa bàn, nắm tình hình nhanh chóng, kịp thời phát hiện các tổ chức, cá nhân có hành vi sản xuất, kinh doanh, vận chuyển thực phẩm bẩn.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán 2024, Sở An toàn thực phẩm đã thành lập 11 đoàn công tác cùng lực lượng liên ngành của địa phương cũng như chợ đầu mối, tập trung vào khâu phân phối hàng hóa, bảo đảm an toàn thực phẩm. Qua đó đảm bảo để người dân Thành phố được sử dụng thực phẩm một cách an toàn và an tâm.

Ngoài ra, Sở An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cũng sẽ áp dụng công nghệ thông tin vào các đề án truy xuất nguồn gốc, đề án về thực phẩm an toàn, giúp người dân có thể xác định được thực phẩm sạch, từ đó chung tay đẩy lùi thực phẩm bẩn; không để xảy ra ngộ độc thực phẩm hàng loạt và các trường hợp ngộ độc có tính ngẫu nhiên như ngộ độc rượu, việc sử dụng các chất phụ gia.

Minh Trang

Theo: Báo Công Thương