ACB là ngân hàng duy nhất còn sở hữu chéo với doanh nghiệp

(Banker.vn) Ngân hàng Nhà nước cho rằng, thực tế, việc xử lý vấn đề sở hữu vượt mức quy định và sở hữu chéo vẫn rất khó khăn trong trường hợp cổ đông lớn cố tình che giấu, lách luật.

Dư nợ cho vay tiêu dùng đạt 145.000 tỷ đồng sau 9 tháng

Lãi suất liên ngân hàng giảm sâu, Ngân hàng Nhà nước đẩy mạnh hút tiền về

Lợi nhuận SaigonBank (SGB) “tụt lùi” trong quý III, nợ xấu tăng lên 2,13%

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng vừa có báo cáo thực hiện Nghị quyết số 62/2022/QH15 về hoạt động chất vấn, Nghị quyết số 63/2022/QH15 về Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV (lĩnh vực ngân hàng) gửi Quốc hội.

Chỉ còn duy nhất một cặp sở hữu trực tiếp lẫn nhau giữa ngân hàng - doanh nghiệp tại ACB
Chỉ còn duy nhất một cặp sở hữu trực tiếp lẫn nhau giữa ngân hàng - doanh nghiệp tại ACB

Theo đó, về vấn đề sở hữu chéo, Thống đốc NHNN cho biết bên cạnh việc hoàn thiện cơ sở pháp lý cho các tổ chức tín dụng (TCTD) thực hiện xử lý vấn đề sở hữu chéo, sở hữu vượt giới hạn quy định, NHNN tiếp tục quan tâm xem xét, nhận diện và có giải pháp kiểm soát, quyết liệt xử lý vấn đề sở hữu chéo, vi phạm sở hữu cổ phần gắn với quá trình cơ cấu lại TCTD.

Các TCTD đã tích cực đẩy nhanh tiến độ xử lý các vi phạm về giới hạn sở hữu cổ phần, sở hữu chéo thông qua chuyển nhượng, thoái vốn, sáp nhập, hợp nhất, mua lại... Theo đó, sở hữu chéo trong hệ thống các TCTD đã được xử lý có hiệu quả, tình trạng cổ đông/nhóm cổ đông lớn, thao túng, chi phối ngân hàng đã được hạn chế và từng bước được kiểm soát.

Đến nay, các TCTD đã cơ bản xử lý, khắc phục một số vi phạm sở hữu cổ phần, sở hữu chéo. Số cặp TCTD sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau đến nay đã được khắc phục. Sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa ngân hàng và doanh nghiệp giảm, đến nay còn tại một NHTM cổ phần với một cặp sở hữu cổ phần lẫn nhau (tại thời điểm tháng 6/2012 có 56 cặp).

Cụ thể là trường hợp của Ngân hàng TMCP Á Châu- Công ty CP Bất động sản Hòa Phát-Á Châu. Tỷ lệ sở hữu của ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) tại Công ty CP Bất động sản Hòa Phát-Á Châu là 2,86% và ngược lại là 0,05%.

Việc xử lý sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định phát sinh trước khi Luật các TCTD năm 2010 có hiệu lực chủ yếu còn tại các Tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước, phụ thuộc vào lộ trình xử lý theo đề án của các Tập đoàn và chỉ đạo của các Bộ, ngành chủ quản.

Thực tế việc xử lý vấn đề sở hữu vượt mức quy định và sở hữu chéo vẫn rất khó khăn trong trường hợp cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông lớn cố tình che giấu, nhờ cá nhân/tổ chức khác đứng tên hộ số cổ phần sở hữu để lách quy định của pháp luật về sở hữu chéo/sở hữu vượt mức quy định.

Việc này chỉ có thể được phát hiện và nhận diện thông qua điều tra, xác minh của cơ quan điều tra theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, chúng tôi cũng xin giới thiệu tới độc giả các thông tin mà nhiều người quan tâm trong lĩnh vực Kinh tế - Chứng khoán được liên tục cập nhật như: #Nhận định chứng khoán #Bản tin chứng khoán #chứng khoán phái sinh #Cổ phiếu tâm điểm #đại hội cổ đông #chia cổ tức #phát hành cổ phiếu #bản tin bất động sản #Bản tin tài chính ngân hàng. Kính mời độc giả đón đọc.

Thu Thủy

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán