32 tỉnh, thành phố tham gia “Festival Nông sản Việt Nam - Vĩnh Long năm 2023’’

(Banker.vn) Theo kế hoạch, “Festival Nông sản Việt Nam - Vĩnh Long năm 2023” sẽ được tổ chức tại TP. Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long, từ ngày 11 - 17/9/2023.
Khai mạc Festival nông sản, sản phẩm OCOP gắn kết du lịch Hà Nội Khai mạc Festival Nông sản, sản phẩm OCOP gắn kết du lịch Hà Nội

Có 32 tỉnh, thành phố trên cả nước, với khoảng 400 đơn vị, doanh nghiệp… sẽ tham gia “Festival Nông sản Việt Nam - Vĩnh Long năm 2023” .

32 tỉnh, thành phố tham gia “Festival Nông sản Việt Nam - Vĩnh Long năm 2023’’
Vĩnh Long được coi là vùng đất nông sản trù phú của Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh minh họa

Các hoạt động chính tại festival năm nay như: Trưng bày sản phẩm nông sản đặc trưng của tỉnh Vĩnh Long và nhiều tỉnh/thành phố trong cả nước, sản phẩm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, sản phẩm thủ công mỹ nghệ - gốm đỏ; triển lãm tranh ảnh gốm đỏ - nông sản Đồng bằng sông Cửu Long; quảng bá sản phẩm du lịch, máy móc, thiết bị ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp; triển lãm sinh vật cảnh, phân bón…

Cùng với đó là các hoạt động xác lập kỷ lục Việt Nam cho "Ngôi nhà có kiến trúc 3 gian 2 chái truyền thống, hoàn toàn bằng gốm đỏ Vĩnh Long lớn nhất Việt Nam"; hội thảo “Nâng tầm giá trị nông sản Việt Nam’’; hội thi “mâm cơm ngon chế biến từ sản phẩm vườn nhà”; hội thi “món ăn ngon chế biến từ nông sản đặc trưng tỉnh Vĩnh Long’’...

Theo Ban tổ chức, “Festival Nông sản Việt Nam - Vĩnh Long năm 2023” là nhịp cầu kết nối, hỗ trợ tích cực cho tỉnh Vĩnh Long giới thiệu, quảng bá những thành tựu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, hình ảnh quê hương, con người Vĩnh Long nói riêng và Việt Nam nói chung đến bạn bè quốc tế.

Đây cũng là dịp đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá các mặt hàng nông sản, thực phẩm chế biến, sản phẩm OCOP, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, làng nghề truyền thống tiêu biểu của Vĩnh Long và các tỉnh, thành phố; đẩy mạnh kết nối giao thương giữa Vĩnh Long và các địa phương…

Cùng với đó là cơ hội cho các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân gặp gỡ, trao đổi để tăng cường liên kết, xúc tiến thương mại nhằm nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả và sức cạnh tranh cho nông sản của địa phương…

Vĩnh Long là tỉnh nằm ở trung tâm châu thổ Đồng bằng sông Cửu Long, giữa sông Tiền và sông Hậu; có điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý và khí hậu nên tiềm năng phát triển kinh tế rất lớn. Với vị trí thuận lợi nằm giữa sông Tiền và sông Hậu nên đất đai ở đây màu mỡ, đảm bảo đủ nước ngọt quanh năm phục vụ phát triển ngành nông nghiệp theo hướng toàn diện. Khai thác những lợi thế đó, tỉnh Vĩnh Long đã phân bổ sản xuất nông nghiệp theo hướng khu vực đất liền sẽ tập trung trồng lúa, cây ăn quả, cây màu, cây công nghiệp ngắn ngày, chăn nuôi bò, lợn, gà và nuôi trồng thuỷ sản; các cù lao trên sông là nơi có điều kiện thổ nhưỡng thích hợp trồng các loại cây ăn quả đặc sản, nuôi cá trong các mương vườn, vùng bãi bồi ven sông, ven cù lao.

Từ sự phân bổ này, ngành nông nghiệp Vĩnh Long đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm hướng tới mục tiêu đưa kinh tế vườn thành thế mạnh thứ hai trong sản xuất nông nghiệp, qua đó góp phần xây dựng nền nông nghiệp tăng trưởng liên tục và bền vững theo vùng sinh thái, tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng và giá trị cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường, mang lại giá trị ngày càng tăng trên một đơn vị diện tích.

Những năm qua, người dân Vĩnh Long tích cực cải tạo vườn tạp, vườn kém hiệu quả, tận dụng diện tích ngoài đê bao để lập vườn và trồng các lọai cây có giá trị kinh tế. Đặc biệt, tỉnh đã hình thành nhiều vùng chuyên canh cây đặc sản như cam sành ở Tam Bình, bưởi Năm Roi ở Bình Minh, nhãn, chôm chôm ở Long Hồ…

Tâm An

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục