3 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thực hiện tốt Thông tư 12/2022/TT-NHNN, hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với việc vay trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp

(Banker.vn) Những điểm mới của thông tư, tập trung vào những điều chỉnh, bổ sung và sửa đổi về thủ tục hành chính; về chế độ báo cáo; về trách nhiệm của các bên có liên quan, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp; công khai minh bạch hơn, song vẫn đảm bảo hiệu quả công tác quản lý; hiệu quả tổ chức tín dụng được phép cung ứng dịch vụ tài khoản, cũng như trách nhiệm của chính doanh nghiệp trong vay và trả nợ nước ngoài...

Thông tư 12/2022/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với việc vay trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp sẽ có hiệu lực vào ngày 15/11/2022 tới đây với các quy định cụ thể về nội dung chuyển tiếp và hiệu lực thi hành, thay thế các thông tư 03 và các thông tư liên quan, sửa đổi bổ sung một số điều thông tư 03.

Về cơ bản, mục tiêu, nguyên tắc và sự cần thiết của thông tư quy định về hoạt động vay trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp không có nhiều thay đổi, cũng với ý nghĩa và nội hàm lớn nhất đó là nhằm quản lý ngoại hối đối với việc vay trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp hiệu quả, thu hút và tập trung nguồn lực cho tăng trưởng và phát triển kinh tế đất nước, kiểm soát tốt dòng vốn ngoại tệ và hoạt động vay trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Những điểm mới của thông tư, tập trung vào những điều chỉnh, bổ sung và sửa đổi về thủ tục hành chính; về chế độ báo cáo; về trách nhiệm của các bên có liên quan, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp; công khai minh bạch hơn, song vẫn đảm bảo hiệu quả công tác quản lý; hiệu quả tổ chức tín dụng được phép cung ứng dịch vụ tài khoản, cũng như trách nhiệm của chính doanh nghiệp trong vay và trả nợ nước ngoài, đảm bảo tuân thủ quy định và sử dụng vốn vay hiệu quả.

Địa bàn TP. Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế lớn, hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh phát triển, vì vậy nhu nhu cầu vay trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp cao và ngày càng tăng. Số lượng hồ sơ xin xác nhận đăng ký vay trả nợ nước ngoài rất lớn. Vì vậy, để thông tư 12 đi vào thực tiễn cuộc sống có hiệu quả, phát huy được những điểm mới và vai trò, ý nghĩa của thông tư, các đối tượng liên quan: cơ quan quản lý; tổ chức tín dụng được phép và cả doanh nghiệp, ngoài việc tuân thủ nghiêm các quy định về hoạt động quản lý ngoại hối đối với việc vay trả nợ nước ngoài, cần thực hiện trách nhiệm nhiệm vụ của  mỗi bên. Trong đó cùng tập trung làm tốt và phối hợp làm tốt 3 nhiệm vụ, giải pháp sau:

Thứ nhất, thực hiện trách nhiệm nhiệm vụ theo quy định. Trong đó, đối với doanh nghiệp được quy định cụ thể tại điều 43; đối với TCTD cung ứng dịch vụ (tài khoản; phục vụ giao dịch bảo đảm) được quy định tại điều 44, 45 và đối với NHNN Tỉnh thành phố, tại điều 48. Ngoài trách nhiệm tuân thủ; trách nhiệm thực thi và bảo đảm phát huy hiệu quả chính sách, hiệu quả hoạt động vay trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp. Việc thực hiện trách các nhiệm vụ của các bên liên quan, sẽ hỗ trợ tốt cho công tác cải cách hành chính, hỗ trợ cho chính các đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Thứ hai, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong công tác báo cáo, công tác trao đổi thông tin. Trong đó doanh nghiệp vay vốn cần phải sử dụng trang điện tử, không chỉ để thực hiện chế độ báo cáo hàng tháng, trực tuyến (điểm mới của Thông tư 12) mà còn để sử dụng phổ biến hơn trong việc khai báo thông tin đăng ký, đăng ký thay đổi khoản vay, nhằm khai thác tối đa lợi ích từ cải cách thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công từ NHNN, cũng như thuận lợi trong trao đổi, nắm bắt thông tin, nắm bắt quy định để thực hiện tốt trách nhiệm của doanh nghiệp vay, hạn chế sai phạm phát sinh trong lĩnh vực này. Với ý nghĩa thiết thực này, các doanh nghiệp vay trả nợ nước ngoài cần đặc biệt quan tâm, tổ chức thực hiện việc sử dụng trang điện tử của NHNN.

Thứ ba, phối hợp làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền về thông tư. Đặc biệt những điểm mới và những quy định về trách nhiệm, nhiệm vụ các bên; quy trình, thủ tục hồ sơ; thời hạn nộp hồ sở; các quy định về giao dịch với TCTD được phép; cũng như về sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả… giải pháp này có ý nghĩa hỗ trợ, song hiệu quả và thiết thực, bởi lẽ nếu doanh nghiệp và kể cả TCTD nắm bắt thông tin đầy đủ, nắm chắc nhiệm vụ và trách nhiệm, sẽ hạn chế sai phạm phát sinh có liên quan, đồng thời góp phần thực hiện hiệu quả chính sách quản lý ngoại hối đối với việc vay trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp, phát huy hiệu quả dòng vốn ngoại tệ phục vụ tăng trưởng và phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đây là 3 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm và chung nhất. Trong đó giải pháp thực thi trách nhiệm nhiệm vụ theo quy định là giải pháp pháp định và đòi hỏi thực hiện thường xuyên, thực hiện nghiêm và tuân thủ. Trong khi đó,  giải pháp về truyền thông và giải pháp về công nghệ  gắn với việc sử dụng và khai thác trang điện tử, nếu được thực hiện tốt chắc chắn sẽ tạo ra những đột phá và mang lại hiệu quả to lớn trên nhiều mặt: công khai minh bạch và nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý vay trả nợ nước ngoài; tiết giảm chi phí và hạn chế sai phạm phát sinh cho doanh nghiệp vay, cũng như  TCTD cung ứng dịch vụ tài khoản; mang lại giá trị thiết thực trong cải cách hành chính và cung cấp dịch vụ công của NHNN.

Nguyễn Đức Lệnh

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ