Yếu tố nào thúc đẩy thị trường gạo thế giới “nóng” trở lại?

(Banker.vn) Sau chuỗi ngày trầm lắng, tuần này giao dịch gạo thế giới đã sôi động lại khi giá xuất khẩu của các nguồn cung như Thái Lan, Việt Nam, Pakistan điều chỉnh tăng.
Dứt đà giảm, giá gạo thế giới bật tăng 15 USD/tấn Tháng 9/2023, Việt Nam bán gạo cho thị trường nào nhiều nhất?

Giá gạo của các nguồn cung trên thế giới hôm nay đã có điều chỉnh tăng 10 USD/tấn so với phiên giao dịch ngày 16/10.

Yếu tố nào thúc đẩy thị trường gạo thế giới “nóng” trở lại?
Giá gạo tăng trở lại sau thời gian trầm lắng.

Cụ thể, theo cập nhật từ Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) ngày 18/10, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã điều chỉnh tăng 10 USD lên mức 633-637 USD/tấn, tương tự gạo 25% tấm cũng điều chỉnh tương ứng 10 USD lên 618-622 USD/tấn.

Cùng tăng 10 USD như Việt Nam nhưng gạo 5% tấm của Pakistan mới chỉ đạt 573 USD/tấn và gạo 25% tấm là 493 USD/tấn.

Trong khi đó, gạo 5% tấm của Thái Lan chỉ tăng 1 USD lên mức 582 USD/tấn, còn gạo 25% tấm lại giảm 1 USD và ở mức 532 USD/tấn.

Với mức điều chỉnh này, giá gạo Việt Nam tiếp tục cao nhất thế giới khi hơn gạo cùng phẩm cấp của Thái Lan đến 51 USD/tấn và hơn gạo Pakistan 60 USD/tấn.

Việc giá gạo của Việt Nam liên tục duy trì ngôi đầu thế giới được các nhà xuất khẩu gạo cho biết, do lượng gạo còn lại để xuất khẩu không còn nhiều. Thêm vào đó, giá gạo nội địa hiện đang ở mức cao và liên tục có điều chỉnh tăng trong tuần này. Cụ thể, giá gạo nguyên liệu IR 504 ở An Giang hiện dao động quanh mốc 12.650 - 12.700 đồng/kg; gạo nguyên liệu OM 5451 ở mức 12.950 - 13.000 đồng/kg; gạo nguyên liệu OM 18, Đài thơm 8 cũng dao động quanh mức 13.200 - 13.250 đồng/kg.

Liên quan đến những yếu tố giúp thị trường gạo thế giới sôi động trở lại, các nhà xuất khẩu cho biết, hiện đang vào giai đoạn cuối năm, các nước tiêu thụ chính tăng cường nhập khẩu để đảm bảo an ninh lương thực cho năm 2023 và chuẩn bị cho mùa khô hạn năm 2024. Một nguyên nhân khác là do hiện tượng El Nino dự báo sẽ kéo dài đến quý 1/2024, gây khô hạn nhiều nơi và ảnh hưởng lớn đến an ninh lương thực của nhiều nước.

Ngoài ra, ở thời điểm hiện tại- nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới là Ấn Độ vẫn chưa đưa ra quyết định chính thức nào sau khi lệnh áp thuế xuất khẩu 20% với gạo đồ hết hiệu lực vào ngày 15/10/2023.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong tháng 9 xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng đến 80% so với cùng kỳ năm trước và đạt giá trị đến 495 triệu USD. Tính chung 9 tháng, xuất khẩu gạo đạt kim ngạch 3,66 tỉ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước và vượt kim ngạch xuất khẩu của cả năm 2022.

Mai Ca

Theo: Báo Công Thương