Yếu tố khiến xuất khẩu Trung Quốc bất ngờ tăng trưởng vượt mọi dự báo

(Banker.vn) Xuất khẩu của Trung Quốc tháng 11/2023 tăng nhẹ và như vậy chính thức “phá vỡ” chuỗi thời gian 6 tháng sụt giảm liên tiếp. Các nhà hoạch định chính sách kinh tế Trung Quốc đang nỗ lực hồi sinh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Theo số liệu công bố chính thức, xuất khẩu của Trung Quốc tháng 11/2023 tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng trưởng này trái ngược hoàn toàn với dự báo sụt giảm 1,1% của các chuyên gia phân tích. Trong tháng 10/2023, xuất khẩu của Trung Quốc giảm 6,4% so với cùng kỳ năm trước.

Nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 11/2023 tuy nhiên lại giảm 0,6%, trái ngược so với dự báo tăng 3,3% của chuyên gia cũng như mức tăng trưởng 3% của tháng 10/2023. Thực tế này không khỏi khiến nhiều người lo lắng về kịch bản nhu cầu nội địa vẫn còn ở ngưỡng yếu.

Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế tại Capital Economics, ông Julian Evans-Pritchard, khẳng định: “Tôi nghĩ xuất khẩu tăng trưởng khá ấn tượng. Trung Quốc dường như đang giành được thị phần trong một bối cảnh mà khối lượng thương mại toàn cầu sụt giảm”.

Trên thị trường chứng khoán Trung Quốc, thông tin xuất khẩu tăng trưởng vẫn không đủ khiến nhà đầu tư lạc quan sau khi họ đón nhận quyết định hạ triển vọng tín nhiệm Trung Quốc xuống mức tiêu cực của tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody.

Cổ phiếu trên sàn chứng khoán Trung Quốc đại lục và Hồng Kông chạm mức thấp nhất trong 5 năm bởi yếu tố triển vọng tín nhiệm Trung Quốc tiêu cực không khỏi gây tổn hại đến niềm tin của nhà đầu tư vào kịch bản kinh tế Trung Quốc tăng trưởng.

Thương mại Trung Quốc khó khăn là một trong những yếu tố chính gây ra sức ép với các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh. Giới chức Trung Quốc cũng đang rất “đau đầu” với cuộc khủng hoảng thanh khoản trong lĩnh vực bất động sản và tiêu dùng thấp dù rằng đã nới lỏng biện pháp kiểm soát COVID-19 từ cuối năm ngoái.

Tuy nhiên, theo khẳng định của các chuyên gia kinh tế, nếu tính theo khối lượng, xuất khẩu của Trung Quốc đã lập kỷ lục trong năm nay bởi nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Trung Quốc hạ giá bán sản phẩm.

“Trên toàn cầu hiện đang hình thành xu thế chuyển hướng sang sử dụng các phương tiện đi lại bằng điện và Trung Quốc là nước đi đầu về sản xuất mặt hàng này. Chính vì vậy xuất khẩu các sản phẩm nói trên của Trung Quốc tăng. Tuy nhiên bản thân các nhà xuất khẩu Trung Quốc hạ giá mạnh tay hơn so với nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đến từ các nước khác trong khu vực, chính vì vậy không ngạc nhiên các doanh nghiệp xuất khẩu Trung Quốc đang giành được thị phần”, ông Evans Pritchard phân tích.

Tuy nhiên, ông Pritchard thận trọng cảnh báo rằng khi mà biên lợi nhuận của doanh nghiệp xuất khẩu ở ngưỡng thấp nhất trong suốt nhiều thập kỷ, các doanh nghiệp sản xuất Trung Quốc chắc chắn không có nhiều dư địa để hạ giá vào năm sau, chính vì vậy tăng trưởng xuất khẩu năm 2024 có thể ở mức thấp.

Vừa qua, một số nhà lãnh đạo của EU bao gồm Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) – bà Ursula von der Leyen đã có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong những nỗ lực làm giảm đi những khác biệt quan điểm xung quanh vấn đề thặng dư thương mại rất cao mà Trung Quốc đang có với châu Âu cũng như một số vấn đề địa chính trị khác.

Số liệu xuất khẩu của Trung Quốc tốt vượt kỳ vọng diễn ra trong bối cảnh nhiều lĩnh vực khác tại Trung Quốc đón nhận tín hiệu trái chiều ví như ngành sản xuất trong tháng gần nhất sụt giảm. Cùng lúc đó, nhập khẩu giảm cho thấy nhu cầu nội địa yếu bởi kinh tế chịu ảnh hưởng từ sự suy giảm trên thị trường bất động sản.

Chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách Trung Quốc tại Nomura Holdings, ông Ting Lu, trong nghiên cứu gần đây nhấn mạnh năm tới sẽ là một năm sáng sủa hơn với xuất khẩu Trung Quốc, mức sụt giảm ghi nhận sẽ chỉ khoảng 1,5% so với con số 5% của năm nay.

Ngọc Diệp

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
    Bài cùng chuyên mục