Yêu cầu giảm phí tin nhắn dịch vụ ngân hàng là hoàn toàn chính đáng

(Banker.vn) Theo PGS,TS. Đỗ Hoài Linh, Đại học Kinh tế Quốc dân, việc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam kêu gọi các doanh nghiệp viễn thông giảm cước cho các dịch vụ ngân hàng, để cùng đồng hành, chia lửa khó khăn, cùng chung tay giúp đỡ người dân và doanh nghiệp là hoàn toàn chính đáng. Ngành viễn thông nên sớm có gói hỗ trợ cước viễn thông với doanh nghiệp, trong đó có các ngân hàng.

Phóng viên: Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã nhiều lần gửi công văn đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các công ty viễn thông giảm cước tin nhắn SMS đối với các dịch vụ tài chính – ngân hàng. Tuy nhiên, đến nay, các công ty viễn thông vẫn “ngó lơ” chưa có động thái giải quyết cụ thể và thiết thực. Có thể nhìn vấn đề này ra sao? Theo bà cần làm gì để có thể có được sự hợp tác, cùng chia sẻ giữa 2 bên?

PGS.TS Đỗ Hoài Linh: Trước hết, chúng ta thấy rằng đại dịch COVID-19 đã và đang gây ảnh hưởng toàn diện và sâu rộng đến tất cả các quốc gia trên thế giới. Nằm chung trong bối cảnh đó, Việt Nam cũng phải chịu tác động rất lớn từ đại dịch. Ngay tại thời điểm này, dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, mọi thành phần trong xã hội đều gặp phải những khó khăn nghiêm trọng từ kinh tế đến những hoạt động đời sống thường nhật. Trước tình hình đó, không chỉ Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã có những nghị quyết và hành động cụ thể đối phó với đại dịch, mà các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tàu như ngân hàng, viễn thông… có nhiều giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn để cùng chung sức, chung lực kịp thời, cụ thể:

Với ngành viễn thông, các doanh nghiệp viễn thông nước nhà đã có gói hỗ trợ, khuyến mại tới 10.000 tỷ đồng trong 3 tháng, để hỗ trợ mọi người dân dùng dịch vụ viễn thông nhiều hơn trước 50% mà chi phí vẫn như cũ, còn với những người khó khăn, thu nhập thấp thì giảm giá gói cước, tiếp tục duy trì miễn phí truy nhập tốc độ cao đến các trang thông tin điện tử của Bộ Y tế, ứng dụng Bluezone; miễn phí cước thoại đến các đường dây nóng phòng, chống COVID-19.

Với ngành Ngân hàng, ngay từ đầu năm 2020 khi dịch COVID-19 bắt đầu những đợt bùng phát đầu tiên ở Việt Nam, ngành ngân hàng đã có những hành động cụ thể như miễn giảm lãi, giãn nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ… để hỗ trợ không chỉ người dân mà cả doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Kể từ khi dịch bùng phát năm 2020 đến nay, tổng số chi phí giảm lãi cho doanh nghiệp, nền kinh tế của các ngân hàng là khoảng 18.830 tỷ đồng. Đặc biệt là vào 7/2021, 16 ngân hàng là hội viên của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam thực hiện việc giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện hữu của người dân và doanh nghiệp trong 5 tháng cuối năm 2021 với mức giảm từ 0,5 -2,5% cho từng khoản vay với tổng mức giảm lãi khoảng 20.300 tỷ đồng. Ngoài ra, các ngân hàng còn tiến hành miễn giảm phí dịch vụ cho khách hàng đến cuối năm 2021, thậm chí miễn phí chuyển tiền trực tuyến, giảm phí rút tiền qua ATM.

Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng cả hai ngành đều đã có những hành động cụ thể để chung sức với cộng đồng trong thời kỳ dịch bệnh. Tuy nhiên, bối cảnh dịch bệnh hạn chế di chuyển cùng với xu hướng số hóa của toàn xã hội thì ngân hàng số - hoạt động ngân hàng thông qua internet, mạng viễn thông di động lên ngôi. Các sản phẩm ngân hàng cần hỗ trợ của viễn thông như: SMS banking, internet banking, mobile banking… hoạt động nhiều hơn, khiến cho ngân hàng là khách hàng lớn của viễn thông và phải trả phí viễn thông cho những sản phẩm này là tất yếu.

Điều đáng nói ở đây là, trong bối cảnh khó khăn nghiêm trọng mà đại dịch gây ra, dù cả hai ngành đều có những hỗ trợ kịp thời cho người dân nhưng khi Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã nhiều lần gửi công văn đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các công ty viễn thông giảm cước tin nhắn SMS đối với các dịch vụ tài chính – ngân hàng, để chung sức, chia sẻ khó khăn cùng ngành Ngân hàng thì đến nay, các công ty viễn thông vẫn “ngó lơ” chưa có động thái giải quyết cụ thể và thiết thực.

Đặc biệt, mức giá cước tin nhắn mà các nhà mạng đang thu với các ngân hàng cao gấp 2,5-3 lần cho tin nhắn thu từ cá nhân. Lý do mà các nhà mạng đưa ra là độ bảo mật của các tin nhắn từ ngân hàng cao hơn cá nhân nên thu phí phải nhiều hơn là chưa thuyết phục, vì thực tế vẫn có nhiều kẻ gian đã lợi dụng lỗ hổng bảo mật của doanh nghiệp viễn thông gửi tin nhắn brandname tới khách hàng nhiều ngân hàng để lừa đảo, chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng. Hơn nữa, hầu hết ngân hàng đang miễn, giảm phí thanh toán cho khách hàng và đang phải bù lỗ bởi cước phí tin nhắn viễn thông này.

Do vậy, theo cá nhân tôi, việc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam kêu gọi các doanh nghiệp viễn thông giảm cước cho các dịch vụ ngân hàng, để cùng đồng hành, chia lửa khó khăn, cùng chung tay giúp đỡ người dân và doanh nghiệp là hoàn toàn chính đáng. Hành động "ngó lơ", không phản hồi yêu cầu của ngành viễn thông là không phù hợp. Bên cạnh gói hỗ trợ 10.000 tỷ đồng với người dân, các doanh nghiệp viễn thông cũng nên sớm có gói hỗ trợ cước viễn thông với doanh nghiệp, trong đó có các ngân hàng.

Vừa qua, qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi được biết, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã gửi yêu cầu lần thứ 4 và trước đó Cục Viễn thông thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông đã có văn bản gửi các doanh nghiệp viễn thông di động đề nghị các doanh nghiệp nghiên cứu, xem xét giảm giá cước tin nhắn đối với dịch vụ tài chính - ngân hàng, nhưng các doanh nghiệp viễn thông vẫn không có phản hồi. Vì thế, Bộ Thông tin và Truyền thông nên có những chỉ đạo mạnh mẽ hơn nữa, ví dụ như ban hành Chỉ thị để các doanh nghiệp viễn thông sớm có những hành động giảm cước cụ thể nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nói chung và ngành Ngân hàng nói riêng trong mùa dịch bệnh.

Phóng viên: Thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông giảm giá cước để hỗ trợ khách hàng, chia sẻ khó khăn bởi đại dịch COVID-19. Mới đây, các doanh nghiệp viễn thông đã đồng loạt công bố nhiều chính sách giảm cước cho khách hàng sử dụng dịch vụ viễn thông. Các tổ chức tín dụng (khách hàng của các công ty viễn thông) cũng đang rất “nóng lòng” nhận được tín hiệu hỗ trợ giảm giá dịch vụ từ phía các mong nhận được sự hỗ trợ chia sẻ từ các công ty viễn thông. Việc giảm giá dịch vụ tin nhắn cho tổ chức tín dụng thời điểm này theo bà sẽ mang lại những ý nghĩa gì?

PGS.TS Đỗ Hoài Linh: Như đã đề cập ở trên, cùng trong xu thế của số hóa toàn xã hội thì dịch bệnh COVID -19 cũng mang lại cơ hội cho quá trình số hóa này, việc hạn chế di chuyển sẽ giúp đẩy nhanh tiến trình số hóa ở tất cả ngành, các lĩnh vực của đời sống. Do đó, giảm giá dịch vụ tin nhắn cho tổ chức tín dụng thời điểm này sẽ mang lại lợi ích cho cả 4 bên: Nhà nước, khách hàng (người dân và doanh nghiệp), ngân hàng và doanh nghiệp viễn thông.

Với ngân hàng, khi khách hàng tăng tần suất sử dụng internet banking  mobile banking dẫn đến gánh nặng chi phí tin nhắn phải trả của các tổ chức tín dụng ngày càng cao, nên việc giảm giá cước sẽ giúp các ngân hàng có thêm kinh phí nâng cấp hệ thống hạ tầng số, gia tăng được sản phẩm và tiện ích, bảo mật và an toàn của các sản phẩm ngân hàng số hiện tại từ đó mở rộng sự tham gia của người dân và doanh nghiệp.

Với khách hàng, họ sẽ được hưởng lợi ích kép vì khi các ngân hàng giảm được chi phí từ cước viễn thông họ sẽ có cơ hội tiếp tục nhận được thêm nhiều ưu đãi giảm lãi, phí khác của ngân hàng, đồng thời, khi hệ thống hạ tầng số được gia tăng tiện ích và bảo mật thì sự thỏa mãn và hài lòng khi sử dụng ngân hàng số cũng tăng theo

Với doanh nghiệp viễn thông thì trong quá trình số hóa toàn xã hội việc giảm cước viễn thông cho ngân hàng có thể thiệt về tài chính trước mắt nhưng khi ngân hàng gia tăng số lượng sản phẩm số, gia tăng khách hàng sử dụng thì lợi ích tài chính tổng thể của các doanh nghiệp viễn thông cũng tăng theo.

Với Nhà nước, việc làm này sẽ góp phần thúc đẩy người dân sử dụng ngân hàng số, gia tăng sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần thực hiện các mục tiêu về tài chính toàn diện tại Việt Nam. 

Phóng viên: Trước đây các doanh nghiệp viễn thông vẫn đưa lý do khách hàng phải trả phí ngân hàng hàng tháng để không giảm giá dịch vụ tin nhắn, nhưng thời gian qua rất nhiều ngân hàng đã giảm hoặc miễn hoàn toàn phí dịch vụ nhắn tin. Vậy nhưng các nhà mạng vẫn chưa giảm phí tin nhắn sms cho các doanh nghiệp, trong đó có ngân hàng - cũng là doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 – ý kiến của bà về vấn đề này như thế nào?

PGS.TS Đỗ Hoài Linh: Theo tìm hiểu của tôi, sở dĩ trước đây các doanh nghiệp viễn thông chưa giảm phí tin nhắn cho các doanh nghiệp trong đó có ngân hàng vì theo họ ngân hàng thu phí SMS của khách hàng từ 8.800-11.000 đồng/tháng/khách hàng. Nếu khách hàng giao dịch nhiều, phát sinh 25-30 tin nhắn thì ngân hàng phải trả nhà mạng số tiền 25.000-30.000 đồng/tháng, thì ngân hàng sẽ phải bù lỗ. Ngược lại, nếu khách hàng giao dịch ít 1-2 tin nhắn/tháng, ngân hàng vẫn hưởng lợi.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại nhiều ngân hàng đã giảm hoặc miễn hoàn toàn phí dịch vụ SMS, do đó, theo cá nhân tôi, hai ngành nên ngồi lại với nhau để trực tiếp xây dựng các phương án thu phí cước viễn thông phù hợp, không nên cào bằng một mức phí duy nhất để bảo đảm hài hòa lợi ích của cả ngân hàng và doanh nghiệp viễn thông, cùng hướng đến đích cuối cùng là phục vụ khách hàng và xã hội tốt nhất. Đặc biệt, khi dịch bệnh COVID-19 đang gây khó khăn nghiêm trọng với toàn xã hội thì việc ngành viễn thông chung sức, chia lửa kịp thời với ngành Ngân hàng ngay lúc này mới càng có giá trị.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn bà đã dành thời gian trao đổi!

PV

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
    Bài cùng chuyên mục