Xuất khẩu tổ yến thêm đối thủ cạnh tranh tại Trung Quốc

(Banker.vn) Bên cạnh Malaysia, Thái Lan, Indonesia, tới đây, tổ yến Việt Nam còn phải cạnh tranh với tổ yến Campuchia tại thị trường Trung Quốc.
Xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc: Cần gỡ ''nút thắt'' từ nội tại Ớt, chanh leo, tổ yến và ‘giấc mơ lớn’ ở thị trường tỷ dân Xuất khẩu yến thô: Thêm cơ hội từ thị trường Trung Quốc Lý do tổ yến 'made in Việt Nam' vào Trung Quốc còn khiêm tốn

Tăng yêu cầu có làm khó doanh nghiệp?

Sau 3 năm mở cửa thị trường với tổ yến sạch, ngày 15/4 vừa qua, Việt Nam và Trung Quốc đã ký Nghị định thư chấp thuận cả tổ yến thô. Việc này mở ra cơ hội rất lớn cho ngành hàng yến Việt Nam tại thị trường tỷ đô này.

Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ tổ yến lớn nhất, chiếm đến 80% lượng tiêu thụ trên toàn thế giới
Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ tổ yến lớn nhất, chiếm đến 80% lượng tiêu thụ trên toàn thế giới. Ảnh minh họa

Theo bà Trần Thị Thu Phương - Trưởng Phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông, Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), so với phiên bản năm 2022, Nghị định thư năm 2025 đã bổ sung thêm cả hai chỉ tiêu virus là cúm gia cầm và Newcastle.

Theo đó, tổ yến xuất khẩu sang Trung Quốc phải được xử lý để đạt nhiệt độ tâm sản phẩm không thấp hơn 70 độ C và duy trì trong ít nhất 3,6 giây để đảm bảo diệt virus cúm gia cầm và Newcastle hiệu quả. Ngoài ra, thị trường còn yêu cầu chỉ tiêu nhôm phải dưới 100 mg/kg mẫu thô.

Việc Trung Quốc đưa chỉ tiêu này vào là do có hiện tượng doanh nghiệp sử dụng chất tẩy trắng và nhôm là thành phần có trong chất tẩy trắng này. Việc áp dụng chỉ tiêu này không chỉ Việt Nam mà cả Indonesia, Malaysia.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Hồng Đình Khoa, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Việt Nam Quốc Yến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Yến sào Việt Nam - cho biết, nghị định mới với những yêu cầu được nâng cao hơn. Cùng với đó là việc nới mở trách nhiệm của doanh nghiệp đã giúp các doanh nghiệp xuất khẩu yến sang thị trường Trung Quốc dễ chịu hơn.

“Phía Trung Quốc đã bỏ yêu cầu về giấy chứng nhận xuất xứ mà chỉ đòi hỏi duy nhất giấy kiểm dịch động vật. Điều này giảm một bước thủ tục, từ đó, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp nhưng cũng đồng nghĩa rằng, Việt Nam phải chịu trách nhiệm lớn hơn trong truy xuất nguồn gốc và giám sát dịch bệnh ngay từ khâu đầu vào”, ông Hồng Đình Khoa nhấn mạnh.

Nói về chỉ tiêu nhôm, ông Hồng Đình Khoa thông tin, 2 năm vừa qua, dù phía thị trường xuất khẩu không yêu cầu nhưng doanh nghiêp vẫn chủ động xét nghiệm chỉ tiêu này.

“Trước đây, khi không bổ sung chỉ tiêu nhôm, doanh nghiệp xuất khẩu cũng lo ngại rủi ro. Bởi khi hàng sang đã xuất khẩu, nếu họ xét nghiệm mà thấy có hàm lượng nhôm cao, hàng vẫn bị trả về. Do đó, việc quy định ngay từ đầu để doanh nghiệp chủ động, việc này sẽ tạo sự yên tâm trong xuất khẩu”, ông Hồng Đình Khoa chia sẻ và cho hay, chỉ cần cải thiện thêm một tông trắng cho tổ yến, giá trị có thể tăng thêm cả triệu đồng mỗi tổ. Điều này đòi hỏi sự nâng cấp công nghệ, tinh tế trong sơ chế và hiểu rõ thị hiếu thị trường.

Thêm đối thủ cạnh tranh tại thị trường Trung Quốc

Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ tổ yến lớn nhất, chiếm đến 80% lượng tiêu thụ trên toàn thế giới. Trong bối cảnh thị trường đã mở, việc tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện kỹ thuật là không thể thương lượng. Do đó, vấn đề còn lại là phụ thuộc rất lớn vào các doanh nghiệp trong việc chủ động rà soát lại toàn bộ chuỗi sản xuất và xuất khẩu.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Thế Hòa - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV thương mại Hải Yến Nha Trang - cho hay, việc ký Nghị định thư xuất khẩu yến thô sẽ mang lại cả cơ hội và thách thức cho ngành yến Việt Nam. Doanh nghiệp Trung Quốc có thể nhập khẩu các sản phẩm yến thô, sau đó chế biến thành sản phẩm yến làm sạch và cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm yến sạch của Việt Nam tại thị trường này.

Dù vậy, hiện mới có Malaysia được xuất khẩu yến thô sang thị trường Trung Quốc, còn Indonesia và Thái Lan không được xuất khẩu yến thô. Lượng yến Indonesia xuất khẩu cũng có giới hạn. Do đó, việc mở cửa thị trường xuất khẩu yến thô cũng sẽ tạo lợi thế cho các doanh nghiệp Việt Nam.

“Hiện tại, sản phẩm yến làm sạch được phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc nhưng sức cạnh tranh thấp so với sản phẩm của Indonesia và Malaysia. Do đó, việc xuất khẩu yến thô sang thị trường Trung Quốc cũng sẽ là một lợi thế góp phần cho ngành yến xuất khẩu được nhiều hơn”, ông Nguyễn Thế Hòa thông tin.

Theo ông Hồng Đinh Khoa, mặc dù thị trường xuất khẩu tổ yến thô rất tốt nhưng hiện nay, trên toàn bộ đất nước Trung Quốc rộng lớn, chỉ có một số doanh nghiệp có nhu cầu mua tổ yến thô. Như vậy, 3 quốc gia (Việt Nam, Malaysia, Indonesia) nhưng chỉ bán cho vài doanh nghiệp Trung Quốc.

Trong khi đó, để được xuất khẩu chính ngạch tổ yến thô sang thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe từ thị trường này. Doanh nghiệp cũng sẽ phải xây dựng mã code xuất khẩu tổ yến thô riêng chứ không sử dụng được mã code cũ của yến sạch để xuất khẩu. Doanh nghiệp cũng sẽ phải làm lại quy trình phân loại, bao gói, xử lý nhiệt, lưu trữ hàng hóa trước khi xuất khẩu đi nhằm đáp ứng các yêu cầu từ thị trường Trung Quốc.

Tuy nhiên, điều mà doanh nghiệp đang băn khoăn đó là, hiện chỉ có một vài doanh nghiệp Trung Quốc có nhu cầu mua tổ yến thô. Quen với làm tổ yến sạch. Do đó, doanh nghiệp cũng đang cân nhắc bài toán lựa chọn phân khúc tổ yến thô hay làm tổ yến sạch.

Thị trường Trung Quốc đã có thói quen sử dụng tổ yến từ các nước: Malaysia, Thái Lan, Indonesia… trong suốt thời gian vừa qua. Trong đó, Indonesia và Malaysia là hai quốc gia chính xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc áp đảo. Các doanh nghiệp nước bạn có độ nhận diện cao và có sự cạnh tranh lớn về mặt giá thành trong câu chuyện xuất khẩu tổ yến sang thị trường Trung Quốc.

Đáng chú ý, mới đây, Campuchia đạt thoả thuận xuất khẩu tổ yến dạng thô và qua chế biến sang Trung Quốc. Thỏa thuận được ký kết trong chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Campuchia vào ngày 17 - 18/4. Hiện nay, ước tính Campuchia có khoảng 3.000 - 3.500 nhà yến đang hoạt động tại nhiều khu vực. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 700 trong số đó được đăng ký chính thức với Bộ Nông lâm thủy sản Campuchia.

Như vậy, cùng với Malaysia, Thái Lan, Indonesia, tổ yến của Việt Nam còn phải cạnh tranh với tổ yến Campuchia. Tuy nhiên, với tiềm năng lớn từ thị trường Trung Quốc và nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao đối với các sản phẩm từ tổ yến, Việt Nam đang đứng trước cơ hội bứt phá mạnh mẽ nếu biết nắm bắt thời cơ và tổ chức sản xuất theo hướng bài bản, chuẩn hóa và truy xuất được.

Về phía các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tổ yến cần gia tăng năng lực chế biến và mở rộng mối liên kết với các đối tác chiến lược từ các chương trình, hoạt động liên quan. Đồng thời, cần tạo ra nhiều phân khúc sản phẩm khác nhau để đáp ứng nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, cần hình thành sự gắn kết giữa sản phẩm mang thương hiệu ‘yến sào Việt’ đối với khách hàng nước sở tại. Cùng nhau nỗ lực để có thể xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp Việt liên kết bền vững sẽ góp phần vào sự phát triển của ngành hàng yến Việt Nam tại thị trường tỷ dân này.

Để khai thác hiệu quả cơ hội từ Nghị định thư xuất khẩu tổ yến năm 2025, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp cần tập trung chuẩn hóa kỹ thuật, đảm bảo quy trình nuôi, thu hoạch, chế biến đạt chuẩn an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục