Xuất khẩu thép nửa đầu năm 2021 tăng gần 85%

(Banker.vn) Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong tháng 6 sản xuất thép các loại đạt 2,5 triệu tấn, giảm 12% về lượng so với tháng 5 nhưng tăng 31% so với cùng kỳ 2020.

Bán hàng thép các loại đạt gần 2,1 triệu tấn, giảm 15% so với tháng 5 nhưng tăng 19% so với cùng kỳ 2020. Trong đó, xuất khẩu thép đạt gần 622 nghìn tấn, không biến động nhiều so với tháng trước nhưng tăng gấp đôi so với tháng 6/2020.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, sản xuất thép các loại đạt gần 16 triệu tấn, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2020. Bán hàng thép các loại đạt hơn 14 triệu tấn, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu thép đạt hơn 3,4 triệu tấn, tăng gần 85% so với cùng kỳ năm 2020.

Thống kê của VSA, trong tháng 5, xuất khẩu thép trong đạt gần 980 nghìn tấn tương đương 832 triệu USD giảm 4% về lượng nhưng tăng 8% về giá trị so với tháng 4. Tuy nhiên, xuất khẩu thép lại tăng 29% về lượng, tăng gần gấp 2,5 lần so với tháng 5/2020.

Lũy kế 5 tháng đầu năm, xuất khẩu thép đạt gần 4,9 triệu tấn tương đương 3,6 tỷ USD đến hơn 20 quốc gia và khu vực trên thế giới. Trong đó, các thị trường xuất khẩu chính là ASEAN, EU, Mỹ, Trung Quốc…

Xuất khẩu thép sang ASEAN, thị trường lớn nhất của Việt Nam đạt 1,8 triệu tấn, tương đương gần 1,3 tỷ USD, tăng 8% về lượng và tăng 43% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Sau ASEAN, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu thép lớn thứ hai với gần 1,1 triệu tấn, tương đương 603 triệu USD, tăng 89% về lượng và tăng 158,5% về giá trị so với cùng kỳ 2020, chiếm gần 17% tổng sản lượng xuất khẩu thép trong 5 tháng đầu năm của Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, trong tháng 5 nhập khẩu thép về Việt Nam đạt 951 nghìn tấn tương đương 900 triệu USD, giảm 29% về lượng và giảm 16,5% giá trị so với tháng 4 và giảm 9% về lượng, tăng 44% về giá trị so với tháng 5/2020.

Lũy kế 5 tháng đầu năm, nhập khẩu thép đạt 6 triệu tấn với giá trị 4,7 tỷ USD, tăng 8,5% về lượng và 38% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Trong 5 tháng năm, lượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc đạt hơn 3,1 triệu tấn, tương đương giá trị 2,3 tỷ USD, chiếm 52% tổng lượng thép nhập khẩu và 50% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước. Sau Trung Quốc, các thị trường cung cấp thép chính cho Việt Nam bao gồm Hàn Quốc chiếm 13%, Nhật Bản chiếm 13%, Đài Loan 8,5%...

Trước những biến động của thị trường thép trong nước, Bộ Tài chính vừa gửi văn bản kiến nghị Chính phủ giảm 5 - 10% thuế nhập khẩu một số sản phẩm thép nhằm hạ giá mặt bằng thép xây dựng.

Cơ quan này cũng dự báo mức ảnh hưởng không lớn do nhu cầu nhập khẩu thép hiện nay không cao. Ngoài ra, những loại thép này trong nước cũng đã sản xuất được và cơ bản đáp ứng được nhu cầu.

Trước đó, bán hàng thép xây dựng giảm tháng thứ 3 liên tiếp. Cụ thể, theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản lượng sản xuất và bán hàng thép xây dựng tháng 6 giảm tháng thứ 3 liên tiếp kể từ tháng 4.

Lượng bán hàng tháng 6 chỉ đạt hơn 655 nghìn tấn, giảm hơn 32% so với tháng 5. Đồng thời đây là mức bán hàng thấp nhất của tháng 6 trong 5 năm trở lại đây kể từ năm 2016. VSA cho hay làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 của Việt Nam từ cuối tháng 4 đã có những tác động đến tình hình kinh tế chung của Việt Nam, trong đó có ngành thép.

Sản lượng thép xây dựng sản xuất trong tháng 6 đạt hơn 847 nghìn tấn, giảm mạnh 21% so với tháng 5 nhưng vẫn tăng 5% so với cùng kỳ 2020.

Tính chung trong nửa đầu năm nay, sản xuất và bán hàng thép xây dựng đạt lần lượt 5,6 triệu tấn và 5,3 triệu tấn tăng 11,6% và 8,7% so với cùng kỳ năm 2020. Tồn kho thời điểm 30/6 hơn 822 nghìn tấn tấn. VSA cho rằng đây là mức tồn kho bình thường để gối đầu tiêu thụ các tháng tiếp theo. Giá bán thép trong nước ở mức bình quân khoảng 16.200- 16.500 đồng/kg tùy thuộc từng chủng loại sản phẩm và từng doanh nghiệp cụ thể.

VSA cho rằng bán hàng thép xây dựng tháng 7 sẽ có nhiều khó khăn khi bước vào mùa mưa, sự cạnh tranh rất lớn từ các nhà sản xuất thép xây dựng hàng đầu Việt Nam. Ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên nhiều công trình, và công trình dân dụng tạm thời hoãn lại.

Trước đó, Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá nhu cầu nội địa thép xây dựng có thể yếu hơn trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 9 do tính thời vụ.

Các nhà sản xuất thép sẽ giảm giá bán trong tháng 7 trước khi điều chỉnh cho các tháng tiếp theo do sự tăng lên của giá nguyên liệu. VDSC kỳ vọng các nhà sản xuất thép sẽ giảm giá bán trong tháng 7 trước khi điều chỉnh cho các tháng tiếp theo do sự tăng lên của giá nguyên liệu. VDSC cho rằng nhu cầu trong nước trong quý III có thể thấp hơn so với quý II do mùa mưa và tác động của COVID-19.

Trong nửa đầu năm 2021, Hòa Phát tiếp tục dẫn đầu về thị phần thép xây dựng trong nước với 34,6%, lượng bán hàng đạt 1,8 triệu tấn.

Minh Phương

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục