Xuất khẩu sang khu vực Á - Phi: Khai thác tốt cơ hội từ thị trường ngách

(Banker.vn) Hoạt động xuất nhập khẩu với khu vực Á-Phi ngày càng thể hiện được sự đa dạng hóa. Bên cạnh thị trường truyền thống, các thị trường ngách được khai thác tối đa.
Xuất khẩu cà phê sang Đức tăng mạnh Xuất khẩu cao su sang Hoa Kỳ đang chịu cạnh tranh từ nhiều thị trường Xuất nhập khẩu chạm mốc 650 tỷ USD, xuất siêu hơn 25 tỷ USD

Khai thác tốt các thị trường mới, thị trường ngách

Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, trong năm 2023, kinh tế thế giới đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và hoạt động thương mại của Việt Nam với thế giới cũng chịu tác động không nhỏ.

Không nằm ngoài xu hướng, năm 2023 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với khu vực châu Á - châu Phi ước đạt 458 tỷ USD, giảm 6,7% so với năm 2022. Kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam với các đối tác chính trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước ASEAN đều có sự suy giảm.

Xuất nhập khẩu sang khu vực Á - Phi: Khai thác tốt cơ hội từ thị các trường ngách
Các hoạt động xúc tiến xuất khẩu, kết nối giao thương đang giúp sản phẩm hàng hóa, doanh nghiệp Việt Nam khai thác tốt hơn các thị trường trong khu vực Á - Phi (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, trong bức tranh thương mại tương đối ảm đạm, thương mại giữa Việt Nam với khu vực Á - Phi vẫn có những điểm sáng đáng ghi nhận.

Thứ nhất, khu vực Á - Phi luôn là thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, chiếm hơn 67% tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 183 tỷ USD, tương đương năm 2022, chiếm hơn 51% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới.

Một số thị trường có kim ngạch xuất khẩu tăng như Trung Quốc (6,2%), Ấn Độ (7,8%), Indonesia (13,8%), Trung Đông (13,5), Châu Phi (4,)%)...

Trong khi xuất khẩu của Việt Nam ra các khu vực khác bị sụt giảm, thì xuất khẩu sang khu vực Á - Phi được giữ vững là cơ sở để hạn chế bớt sự sụt giảm xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới” - Vụ Thị trường châu Á - châu Phi nhận định.

Thứ hai, trong xu thế giảm chung của xuất khẩu, xuất khẩu các mặt hàng truyền thống và quan trọng của Việt Nam sang khu vực Á - Phi vẫn duy trì được tăng trưởng tốt. Đơn cử như phương tiện vận tải và phụ tùng (đạt 6,5 tỷ USD, tăng 23%), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (đạt 28,3 tỷ USD, tăng 6,4%); giày dép các loại (đạt 5,1 tỷ USD, tăng 2,5%); gạo (đạt 3,8 tỷ USD, tăng 38,3%), hàng rau quả (đạt 4,4 tỷ USD, tăng 86%); hạt điều (đạt 1,7 tỷ USD, tăng 26%); cà phê (đạt 1,2 tỷ USD, tăng 19%)...

Thứ ba, nhập siêu của Việt Nam từ khu vực Á - Phi giảm mạnh, việc nhập khẩu chủ yếu tập trung vào nguyên nhiên liệu đầu vào như máy móc, xăng dầu, nguyên phụ liệu dệt may, da giày... từ các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), ASEAN nhằm phục vụ nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước và đặc biệt là xuất khẩu ra thế giới, góp phần duy trì cán cân thương mại thặng dư chung của cả nước.

Thứ tư, hoạt động xuất nhập khẩu với khu vực Á - Phi ngày càng thể hiện được sự đa dạng hóa. Bên cạnh các thị trường truyền thống như ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... các thị trường mới, thị trường ngách cũng được đẩy mạnh khai thác và khai thác tốt, có mức tăng trưởng xuất nhập khẩu tốt trong bối cảnh hầu hết các khu vực thị trường đều suy giảm như khu vực châu Phi (tăng 5,7%), khu vực Trung Đông (tăng 1,7%).

Thứ năm, tốc độ suy giảm trong xuất nhập khẩu chậm dần theo các tháng cuối năm đã thể hiện sự phục hồi của hoạt động xuất nhập khẩu.

Những kết quả này có sự nỗ lực đồng hành của các Bộ, ngành với doanh nghiệp, mà nổi bật là Bộ Công Thương và đầu mối là Vụ Thị trường châu Á - châu Phi. Trong năm 2023, Vụ đã nỗ lực, triển khai thành công nhiều hoạt động, nhiệm vụ theo chỉ đạo nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại giữa Việt Nam với các nước trong khu vực Á - Phi.

Đẩy mạnh đàm phán các FTA, thúc đẩy hợp tác kinh tế

Trong năm 2023, nhằm thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và các nước đối tác trong khu vực, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi đã chú trọng công tác đàm phán, hoàn thiện các văn bản pháp lý về thương mại với các đối tác để tạo thuận lợi cho các hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại của Việt Nam.

Xuất nhập khẩu sang khu vực Á - Phi: Khai thác tốt cơ hội từ thị các trường ngách
Lễ trao danh mục các nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Chính quyền Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây diễn ra vào tháng 3/2023
Xuất nhập khẩu sang khu vực Á - Phi: Khai thác tốt cơ hội từ thị các trường ngách
Hội nghị kết nối hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam – Trung Quốc (Quảng Tây) trong thời kỳ mới cũng được diễn ra hồi tháng 3/2023

Theo đó, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi đã tham gia, đàm phán, ký kết 15 cơ chế/thỏa thuận hợp tác với các nước đối tác trong khu vực như: Bản ghi nhớ về hợp tác thương mại gạo với Bangladesh; Bản Thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương với Campuchia; Các thỏa thuận về thúc đẩy hợp tác thương mại với Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc; Phối hợp thúc đẩy việc ký kết FTA với Israel và đàm phán CEPA với UAE...

Cùng đó, trong bối cảnh suy giảm cầu nhập khẩu từ các thị trường lớn, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi đã phối hợp với cơ quan Thương vụ để hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội giao thương, mở rộng hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu sang các thị trường mới để hạn chế sự phụ thuộc vào các thị trường truyền thống.

Đặc biệt, trong năm 2023, nhờ liên tục nắm bắt tình hình thông quan tại các khu vực cửa khẩu biên giới, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi đã chủ động làm việc với các cơ quan đối tác Trung Quốc, các địa phương liên quan của Trung Quốc và Việt Nam để có các biện pháp phân luồng, tăng thời gian làm việc của cửa khẩu, giảm thời gian thông quan của xe hàng. Do đó, tình trạng ùn tắc đã nhanh chóng được giải quyết.

Cập nhật, truyền tải kịp thời thông tin về thị trường xuất khẩu

Mặc dù thương mại hàng hóa có những tín hiệu tích cực hơn ở các tháng cuối năm 2023, tuy nhiên, tình hình kinh tế thế giới và khu vực châu Á - châu Phi dự báo vẫn còn phải đối mặt với khó khăn, trong bối cảnh đó, năm 2024 Vụ Thị trường châu Á - châu Phi cho rằng cần tiếp tục triển khai hiệu quả các chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao, lãnh đạo Bộ Công Thương trong công tác phát triển thị trường. Trong đó đặc biệt tập trung triển khai kết quả của các chuyến thăm cấp cao, các Kỳ họp, các văn kiện mà Bộ Công Thương đã ký với các cơ quan đối tác các nước để khơi thông thị trường, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc hiện tại trong hợp tác thương mại, thúc đẩy xuất nhập khẩu với các nước.

Cùng đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác khai thông thị trường. Bên cạnh việc cố gắng duy trì các thị trường truyền thống, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi sẽ tập trung hỗ trợ các địa phương thúc đẩy các sản phẩm thế mạnh của địa phương sang các khu vực thị trường còn nhiều dư địa và tiềm năng như châu Phi, Trung Đông, Nam Á...

Trong năm 2024, bên cạnh công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tháo gỡ rào cản đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi sẽ tích cực theo dõi, cập nhật và cung cấp thông tin về thị trường của các đối tác có ảnh hưởng tới hoạt động thương mại của Việt Nam tới các doanh nghiệp, hiệp hội, địa phương; bám sát diễn biến thị trường và tình hình thông quan tại các cửa khẩu biên giới để thông tin kịp thời đến doanh nghiệp cũng như đưa ra các khuyến nghị liên quan” - Vụ Thị trường châu Á - châu Phi thông tin.

Khánh An

Theo: Báo Công Thương