Xuất khẩu hàng hóa sang Ấn Độ, doanh nghiệp cần lưu ý gì?

(Banker.vn) Không phải cứ ký được đơn hàng, giao hàng lên tàu thì tiền sẽ về tài khoản. Còn rất nhiều vấn đề doanh nghiệp khi xuất khẩu hàng hóa sang Ấn Độ cần phải lưu ý.
Thúc đẩy xuất khẩu 6 tháng cuối năm và 8 giải pháp trọng tâm của ngành Công Thương Ấn Độ, Hoa Kỳ và Bangladesh là 3 thị trường xuất khẩu chính của quế Việt Nam

Ấn Độ là đối tác xuất nhập khẩu đứng thứ 8 của Việt Nam

Theo Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ, 4 tháng đầu năm 2023, thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ đạt 4,88 tỷ USD, giảm 11,27% so với 5,1 tỷ USD cùng kỳ năm trước, trong đó, Việt Nam xuất khẩu 2,69 tỷ USD, giảm 5,1%; nhập khẩu 2,19 tỷ USD, giảm 17,8% so với 4 tháng đầu năm 2022.

xuất khẩu hàng hóa
Doanh nghiệp cần lưu ý gì khi xuất khẩu hàng hóa sang Ấn Độ

Các mặt hàng xuất khẩu có tốc độ tăng trưởng dương trong tháng 4 so với tháng 3 gồm: xơ sợi dệt các loại (tăng 72,6%); hàng dệt, may (tăng 27,6%); giày dép các loại (tăng 119,8%); điện thoại và linh kiện (tăng 16%); máy tính và sản phẩm điện tử (tăng 55,2%).

Các mặt hàng nhập khẩu có tốc độ tăng trưởng dương trong tháng 4 so với tháng 3 gồm: dầu mỡ thực vật (tăng 124,5%), quặng và khoáng sản (tăng 42,1%); sản phẩm khác từ dầu mỏ (45,5%); phân bón (118,4%); xơ sợi; các mặt hàng từ sắt thép.

Ấn Độ vừa là đối tác xuất nhập khẩu đứng thứ 8 của Việt Nam, thị trường tiềm năng còn nhiều dư địa để khai thác, vừa là đối thủ cạnh tranh của Việt Nam đối với một số mặt hàng trên thị trường xuất khẩu toàn cầu (dệt may, thủy sản, giày da, nông sản…). Vì vậy, chính sách ngoại thương của Ấn Độ không chỉ tác động tới xuất nhập khẩu của Ấn Độ mà còn ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Làm ăn với đối tác Ấn Độ - "Muốn nhanh cũng phải từ từ"

Một số lưu ý trong đàm phán, ký kết và thực hiện hợp đồng với đối tác Ấn Độ, ông Bùi Trung Thướng - Tham tán Thương mại - Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ - thông tin, làm ăn với các đối tác Ấn Độ “muốn nhanh cũng phải từ từ”. Các doanh nghiệp cần làm cẩn trọng từng bước một, không nên làm tắt.

Việc thẩm tra, xác minh doanh nghiệp có chính xác hay không là hết sức quan trọng. Bởi hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đang trao đổi qua các đối tác, trung gian mua hàng Ấn Độ, khi mọi thứ thuận lợi thì sẽ rất dễ dàng, nhưng khi có vấn đề gì thì việc tìm kiếm họ là rất khó khăn. Bởi đa phần họ thành lập hộ kinh doanh cá thể và lấy địa chỉ ở một nơi nào đấy, khi chúng ta liên hệ lại địa chỉ này thì không có doanh nghiệp nào ở đấy cả.

Khi nhận được đơn hàng, doanh nghiệp phải gửi email xác nhận xem có đúng là đơn hàng thuộc thẩm quyền của công ty không và yêu cầu ký xác nhận. Tránh trường hợp người đặt hàng sau một thời gian họ nghỉ, người khác tiếp quản cho rằng họ không đặt đơn hàng này.

Hiện, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ đang hỗ trợ giải quyết một số vụ tranh chấp thương mại, doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Ấn Độ, khi hàng hóa đã cập cảng Ấn Độ nhà nhập khẩu không thanh toán, không nhận hàng hoặc yêu cầu giảm giá với số tiền lớn. Doanh nghiệp Việt Nam cần thẩm định kỹ đối tác hoặc thông tin cho Thương vụ trước khi ký kết các hợp đồng thương mại.

“Trong thời gian vừa qua, khi nhận được các tranh chấp từ doanh nghiệp gửi tới, chúng tôi thấy rằng, các doanh nghiệp đã bỏ qua những khâu rất cơ bản trong hoạt động ngoại thương. Khi chúng tôi hỏi doanh nghiệp có ký hợp đồng không? Câu trả lời chúng tôi nhận được là không ký mà trao đổi qua Viber. Các điều kiện trao đổi cũng không thể hiện qua email. Việc này làm thiếu cơ sở và bằng chứng để hỗ trợ cho doanh nghiệp khi giải quyết các tranh chấp xảy ra”, ông Bùi Trung Thướng thông tin.

Hầu hết các tranh chấp xảy ra đều liên quan đến vấn đề về chất lượng, thâm hụt hàng hóa. Doanh nghiệp cũng cần kiểm tra hàng hóa trước khi giao hàng và thông báo bằng hình ảnh cho đối tác.

Bên cạnh đó, cần thường xuyên giữ liên lạc với đối tác, khách hàng. “Hàng ngày đều phải trao đổi, cần cập nhật thông tin với đối tác. Nếu 3 - 4 ngày mà không thấy họ trả lời lại thì sẽ có vấn đề”, ông Bùi Trung Thướng thông tin.

Vấn đề kiểm tra trước khi giao hàng, theo ông Bùi Trung Thướng, đây tưởng chừng là vấn đề đơn giản nhưng hầu hết các tranh chấp xảy ra đều do vấn đề chất lượng hàng hóa. Nhất là khi hàng hóa đã cập cảng, đôi khi hàng hóa không có vấn đề gì thì đối tác vẫn kêu để “ép” đối tác xuất khẩu giảm giá, chiết khấu hàng hóa nếu không họ sẽ không nhận hàng.

Điều này đồng nghĩa tất cả các rủi ro đều bị đẩy về phía doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam không có cách nào khác là phải chấp nhập yêu cầu từ phía đối tác dẫn đến thiệt hại sẽ rất lớn.

“Trước khi giao hàng thì doanh nghiệp cần kiểm tra hàng hóa; chấp nhận thuê cơ quan, đơn vị thứ 3 kiểm định độc lập; mua bảo hiểm hàng hóa. Việc này giúp giảm thiểu tổn thất khi rủi ro xảy ra”, ông Bùi Trung Thướng khuyến nghị.

Giao hàng lên tàu không có nghĩa yên tâm tiền sẽ về tài khoản

Một vấn đề nữa được ông Bùi Trung Thướng nhắc đến đó là thông lệ quốc tế. Những điều khoản chuyển đổi rủi ro, doanh nghiệp cần nắm thật kỹ, tránh trường hợp nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam cho rằng, xuất khẩu giá FOB, giao hàng tại nhà kho cho yên tâm. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn không yên tâm khi chúng ta chưa nhận được tiền. Việc doanh nghiệp đưa điều kiện thanh toán mà họ nhận hàng xong mới trả tiền thì rủi ro sẽ thuộc doanh nghiệp xuất khẩu.

Theo ông Bùi Trung Thướng, các thương nhân Ấn Độ, các nhà đầu tư, nhiều người kinh doanh nhiều kinh nghiệm họ sẽ tìm ra các điểm hạn chế. Đôi khi họ không thực hiện hoạt động lừa đảo nhưng họ thấy việc lợi thế nghiêng về họ thì họ cứ chiếm dụng vốn và khi có hành động can thiệp từ các cơ quan chức năng thì họ hoàn trả.

“Việc chúng ta bán ở mức giá như thế nào thì điều kiện chuyển tiền cũng cần được thể hiện rất rõ trong các điều khoản thanh toán tại hợp đồng FOB, CIF,…”, ông Bùi Trung Thướng khuyến nghị.

Giao hàng lên tàu không có nghĩa là doanh nghiệp yên tâm tiền sẽ về tài khoản. Còn rất nhiều vấn đề khác chúng ta không lường trước được. Cần liên tục cập nhật thông tin hàng hóa đang trong quá trình nào. Từng khâu một cần gửi thông tin cho đối tác, yêu cầu xác nhận, đúng điều khoản thanh toán và không nên nhân nhượng. “Có trường hợp đối tác làm ăn 10 năm rồi vẫn lừa nhau. Rất khó để nói đơn hàng có suôn sẻ hay không”, ông Bùi Trung Thướng cho biết.

Hóa đơn chứng từ rõ ràng, tài khoản ngân hàng phải được đề cập trên đấy để biết hàng bán cho ai. Cần thể hiện rõ đơn vị nào là đơn vị nhận hàng, đơn vị nào chịu trách nhiệm thanh toán.

Bộ hồ sơ thanh toán phải ghi rõ trên hợp đồng. Bất cứ thay đổi nào so với thoả thuận trước đây cũng cần thể hiện bằng văn bản. Phải ký lại phụ lục hợp đồng và chuyển qua email chứ không sử dụng mạng xã hội - đây không phải là chứng cứ khi có các phát sinh tranh chấp.

Doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa cần tham khảo thông tin chính sách trên trang web của Tổng cục Ngoại thương Ấn Độ. Họ công khai thông tin trên trang web, nhưng điều cần lưu ý đó là họ hay ban hành các văn bản một cách bất ngờ và có hiệu lực ngay lập tức. Đây cũng là rủi ro trong kinh doanh với đối tác Ấn Độ.

“Ấn Độ từ năm 2020 đã có thay đổi rất lớn liên quan đến chứng nhận xuất xứ. Mới đây chúng tôi nhận được thông tin, các lô hàng xuất khẩu từ năm 2020, 2021, họ yêu cầu xác nhận giấy chứng nhận xuất xứ cấp thời điểm đó. Do đó, tất cả các tài liệu, doanh nghiệp cần phải lưu trữ lại”, ông Bùi Trung Thướng khuyến nghị.

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương