Xuất khẩu gạo tăng vọt gần 90%

(Banker.vn) Theo Bộ Công Thương, trong tháng 9, xuất khẩu gạo tăng 80%, ước đạt 495 triệu USD.
Xây dựng chuỗi sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững Gạo Lộc Trời và bí quyết đưa thương hiệu Cơm Vietnam Rice sang thị trường EU Hết quý III/2023, xuất khẩu gạo đạt 3,66 tỷ USD, tăng 40,4%

Tính chung 9 tháng, xuất khẩu gạo đạt 3,66 tỷ USD, tăng 40,4% so với cùng kỳ năm trước và vượt kim ngạch xuất khẩu của cả năm 2022 (3,45 tỷ USD).

Điều đáng chú ý là đạt được giá trị xuất khẩu 3,66 tỷ USD trong 9 tháng 2023 mà khối lượng gạo xuất khẩu chỉ 6,6 triệu tấn. Trong khi năm 2011, để đạt được 3,65 tỷ USD thì cần 7,1 triệu tấn gạo.

Xuất khẩu gạo tăng vọt gần 90%
Xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng cao trong tháng 9

Có được điều này là nhờ giá gạo xuất khẩu bình quân từ đầu năm đến nay luôn ở mức cao, đạt 553 USD/tấn, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Thậm chí, có thời điểm giá gạo Việt Nam xuất khẩu lên đến gần 650 USD/tấn.

Về thị trường, trong 8 tháng, Philippines vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 40,3% tổng lượng gạo xuất khẩu; tiếp đến là Trung Quốc chiếm 13,5%; Indonesia đứng thứ 3 chiếm 12,4%. Ngoài ra khu vực thị trường EU (Ba Lan, Hà Lan, Tây Ban Nha, Bỉ...), châu Phi (Ghana, Angola...) cũng ghi nhận sự tăng trưởng tích cực.

Thời gian gần đây, giá gạo xuất khẩu có xu hướng chững lại sau động thái của một số nước nhập khẩu nhằm kiềm chế lạm phát, tập trung vào chính sách phát triển sản xuất trong nước để tăng cường dự trữ, tồn kho và tìm kiếm các nguồn cung cấp lương thực thay thế cho gạo.

Nhưng giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn đứng đầu thế giới. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, ngày 4/10, giá gạo các loại của Việt Nam vẫn được giữ vững nhưng một số nước Thái Lan, Pakistan có sự giảm nhẹ.

Cụ thể, giá gạo 5% tấm của Việt Nam là 613 USD/tấn, trong khi của Thái Lan là 586 USD/tấn (giảm 4 USD/tấn), còn Pakistan là 558 USD tấn (giảm 30 USD/tấn).

Gạo 25% tấm của Việt Nam là 598 USD/tấn, của Thái Lan là 538 USD/tấn (giảm 3 USD/tấn) và Pakistan là 498 USD/tấn (giảm 20 USD/tấn).

Để đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này, thực hiện Chương trình cấp quốc gia về Xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương tổ chức Đoàn giao dịch thương mại mặt hàng gạo tại Trung Quốc.

Mục tiêu của chương trình là giới thiệu trực tiếp về thương hiệu, sản phẩm gạo xuất khẩu của Việt Nam đến các nhà nhập khẩu và người tiêu dùng tại thị trường Trung Quốc; tạo cơ hội tiếp xúc trực tiếp cho doanh nghiệp hai bên để tiến tới ký kết các thoả thuận hợp tác kinh doanh. Việc đẩy mạnh xuất khẩu gạo sẽ được thực hiện thông qua các hoạt động như tổ chức Hội thảo B2B về thương mại gạo giữa các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam và doanh nghiệp nhập khẩu tại Trung Quốc; Làm việc tại một số hệ thống nhà xưởng, kho bãi, vận tải và một số doanh nghiệp nhập khẩu gạo lớn tại Trung Quốc; Tìm hiểu hệ thống và cách thức phân phối, bán lẻ và tiêu thụ của người tiêu dùng Trung Quốc, từ đó xây dựng phương thức thâm nhập trực tiếp, gia tăng thị phần tại thị trường trên.

Đoàn giao dịch thương mại cũng sẽ làm việc cơ quan quản lý phía Bạn và Hiệp hội doanh nghiệp có liên quan để tìm hiểu về định hướng chính sách, nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng, các quy định về xuất nhập khẩu gạo, từ đó hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt thông tin, chủ động có kế hoạch làm việc, đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Dự kiến, đoàn giao dịch thương mại có quy mô 10 - 18 doanh nghiệp, xúc tiến thương mại tại Trung Quốc từ ngày 30/10 đến ngày 05/11/2023 tại thành phố Bắc Kinh và Quảng Châu (tỉnh Quảng Đông).

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, năm nay Philippines sẽ cùng với Trung Quốc là hai nhà nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới với sản lượng khoảng 3,5 triệu tấn. Trung Quốc hiện cũng là thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam.

Bảo Ngọc

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục