Xuất khẩu gạo sang Ukraine tăng gần 40 lần

(Banker.vn) 7 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã xuất sang Ukraine 10.656 tấn gạo với trị giá hơn 6,8 triệu USD, tăng 3.951% về lượng và tăng 3.420% về trị giá so với cùng kỳ.
Xuất khẩu gạo, hồ tiêu sang Trung Quốc giảm mạnh: Đâu là nguyên nhân? Giá lúa gạo hôm nay 15/8/2024: Giá gạo tăng nhẹ, giá lúa tăng từ 50-900 đồng

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 7 đạt hơn 751 nghìn tấn, trị giá hơn 451 triệu USD, tăng 46,3% về lượng và tăng 39,7% về kim ngạch.

Xuất khẩu gạo sang Ukraine tăng gần 40 lần
Xuất khẩu gạo sang Ukraine tăng gần 40 lần. Ảnh minh họa

Lũy kế 7 tháng đầu năm, gạo Việt đã thu về 3,3 tỷ USD với hơn 5,3 triệu tấn, tăng 27,7% về lượng và tăng 27,7% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023. Giá xuất khẩu đạt bình quân 601 USD/tấn, tăng 18% về giá so với 7 tháng năm 2023.

Xét trong số các thị trường, gạo của Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang Philippines với 2,3 triệu tấn, tương đương hơn 1,4 tỷ USD, tăng 19% về lượng và tăng 44% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.

Đứng thứ 2 là thị trường Indonesia với hơn 778 nghìn tấn, tương đương hơn 481 triệu USD, tăng 29% về lượng và tăng 61% về trị giá so với 7 tháng đầu năm 2023.

Malaysia là thị trường lớn thứ 3 của gạo Việt Nam với hơn 529 nghìn tấn, kim ngạch đạt hơn 314 triệu USD, tăng mạnh 129% về lượng và tăng 176% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023.

Đáng chú ý, bên cạnh 3 thị trường chủ đạo này, Ukraine đang tăng mạnh nhập khẩu gạo Việt Nam với mức tăng trưởng 4 chữ số liên tục kể từ đầu năm. Cụ thể, trong 7 tháng đầu năm, nước ta đã xuất sang Ukraine 10.656 tấn gạo với kim ngạch đạt hơn 6,8 triệu USD, tăng 3.951% về lượng và tăng 3.420% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Với nhiều tín hiệu tích cực, nhất là thị trường các nước nhập khẩu gạo tiềm năng trong vùng đang hướng sức mua vào nguồn gạo Việt Nam, hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam dự báo nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh.

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, các quốc gia như Philippines, Indonesia và một số quốc gia khác nhu cầu nhập khẩu gạo cho tiêu dùng trong nước ổn định ở mức cao. Hàng năm, riêng 2 quốc gia này có thể nhập khẩu 4 đến 5 triệu tấn. Đa số các nguồn nhập khẩu của họ là ở các quốc gia vùng Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Cơ hội tăng trưởng xuất khẩu gạo cho Việt Nam càng lớn khi tháng 8 này, chính sách giảm thuế nhập khẩu gạo từ 35% hiện hành xuống còn 15% của Philippines có hiệu lực. Nhiều doanh nghiệp cho biết, hiện nay, các khách hàng từ Philippines và Trung Quốc qua Việt Nam đàm phán rất nhiều để mua những hợp đồng lớn…

Với những tín hiệu tích cực từ tăng trưởng xuất khẩu gạo, theo các doanh nghiệp, để có thể phát huy hiệu quả xuất khẩu gạo bền vững, hoạt động liên kết sản xuất với nhà nông cần tiếp tục được quan tâm thực hiện tốt hơn.

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục