Năm 2021 là năm cực kỳ khó khăn của ngành dệt may Việt Nam. Theo ông Trương Văn Cẩm, tiền đề tăng trưởng âm 9,8% của năm 2020 khiến dệt may Việt Nam bước vào năm 2021 với nhiều nỗi lo. Quả thực, các doanh nghiệp (DN) trong ngành đã phải trải qua nhiều trạng thái cảm xúc.
Nếu quý I/2021, DN phấn khởi bởi ngay từ đầu năm đã ký được hợp đồng đến hết quý III, thậm chí hết năm. Sang quý II/2021, dịch bùng phát ở khu vực phía Bắc khiến DN rơi vào trạng thái lo lắng. Quý III/2021, dịch bắt đầu bùng phát ở TP. Hồ Chí Minh và lan rộng ra các tỉnh khu vực phía Nam khiến sản xuất của các DN khu vực này gần như đóng băng. Xuất khẩu (XK) dệt may tháng 7, 8, 9 liên tục giảm. Chỉ khi sang tháng 10, Nghị quyết 128/NQ-CP ban hành quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu qủa dịch Covid-19 được thực thi, sản xuất của DN bắt đầu hồi phục, XK khả quan hơn.
Theo đại diện VITAS, cũng chính bởi sản xuất của DN được khôi phục trở lại vào những tháng cuối năm 2021 đã giúp ngành đạt 39 tỷ USD kim ngạch XK, tương đương với năm 2019. Trong đó, hàng may mặc đạt 28,9 tỷ USD, tăng 4% so với năm 2020; xơ, sợi dự kiến đạt 5,5 tỷ, tăng trên 49%, trong đó chủ yếu XK sang Trung Quốc... Bên cạnh đó, ngành cũng nhập khẩu (NK) khoảng 21,7 tỷ USD.
Mỹ vẫn là thị trường XK lớn nhất của dệt may Việt Nam với 15,9 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2020; EU đạt 3,7 tỷ USD, tăng 14%; Hàn Quốc đạt 3,6 tỷ USD và Trung Quốc 4,4 tỷ USD - chủ yếu là sợi. Riêng thị trường khối Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), XK giảm nhẹ, đạt 5,1 tỷ USD, so với 5,3 tỷ USD của năm trước.
Tỷ lệ đóng góp của khối DN có vốn đầu tư nước ngoài trong tổng kim ngạch XK của ngành, theo ông Trương Văn Cẩm, dao động từ 59-61%. Nếu so với tỷ lệ 70% chung của cả nền kinh tế, vai trò của DN nội địa trong ngành dệt may vẫn khả quan, chiếm khoảng 40% tỷ trọng XK. Tổng vốn đầu tư của DN có vốn đầu tư nước ngoài vào dệt may Việt Nam đến thời điểm hiện tại khoảng 32,9 tỷ USD.
Về tình hình thị trường dệt may năm 2022, đại diện VITAS dự báo, tình hình dịch bệnh trên thế giới và Việt Nam vẫn diến biến rất phức tạp, khó lường. Song tín hiệu tích cực là các thị trường lớn như Mỹ, EU… đã mở cửa trở lại và nhất là Việt Nam đã thay đổi chính sách từ zero Covid-19 sang vừa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 vừa phục hồi và phát triển kinh tế theo Nghị quyết 128/NQ-CP.
Trên cơ sở đó, VITAS cũng xây dựng mục tiêu cho năm 2022 theo 3 kịch bản: Kịch bản tích cực nhất, phấn đấu đạt kim ngạch XK 42,5 - 43,5 tỷ USD, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát cơ bản vào quý I/2022; kịch bản trung bình đạt 40 - 41 tỷ USD, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát giữa năm; kịch bản thấp nhất đạt 38 - 39 tỷ USD, trường hợp dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, kéo dài đến cuối năm 2022.
Ông Trương Văn Cẩm cũnh nhấn mạnh: Hiệp hội tiếp tục đồng hành cùng DN dệt may vượt qua trở ngại không hề nhỏ đã được dự báo cho năm 2022. Hiệp hội đã và sẽ thực hiện tốt vai trò kết nối giữa các DN trong nước với nhau và với các DN đầu tư nước ngoài hình thành chuỗi cung ứng; mở rộng thị trường XK; tham gia và hoạt động tích cực tại nhiều tổ chức quốc tế lớn chuyên ngành dệt may, kết nối các DN với nhiều tổ chức và hiệp hội dệt may quốc tế, tranh thủ chuyên gia, kinh nghiệm, kinh phí để mở các lớp đào tạo về kỹ thuật, thiết kế, bán hàng, xây dựng thương hiệu… Đặc biệt, hiệp hội tiếp tục làm tốt vai trò cầu nối giữa các DN dệt may với Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước để phán ánh những vướng mắc về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành, thuế, hải quan, lao động tiền lương, bảo hiểm…, đồng thời tham gia xây dựng chính sách hỗ trợ, tạo thuận lợi thương mại cho DN, tham gia các đoàn đàm phán của Chính phủ về các hiệp định thương mại tự do.
Riêng về chiến lược phát triển cho ngành, ông Trương Văn Cẩm thông tin, hiệp hội đã tham gia đóng góp ý kiến, đề xuất các nội dung quan trọng để xây dựng định hướng phát triển phù hợp cho ngành. Nhất là trong việc phát triển cho được nguồn nguyên phụ liệu. “Kỳ vọng cuối năm 2021 chiến lược này sẽ được Chính phủ phê duyệt”, đại diện VITAS cho hay.
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|