Xuất khẩu dệt may sang Italia: Doanh nghiệp không nên phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu

(Banker.vn) Để đáp ứng được nhu cầu sản xuất hàng dệt may xuất khẩu sang Italia các doanh nghiệp được khuyến nghị không phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
10 tháng, xuất khẩu dệt may tăng trưởng 17,2% Hiện thực hóa “giấc mơ xanh” cho ngành dệt may 3 giải pháp cốt lõi để hoá giải 5 thách thức của doanh nghiệp dệt may

Ngành thời trang và dệt may Italia phát triển từ lâu đời với nhiều thương hiệu nổi tiếng thế giới. Với lợi thế về khả năng thiết kế, sáng tạo những sản phẩm dệt may của Italia mang giá trị cao.

Xuất khẩu dệt may sang Italia: Doanh nghiệp không nên phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu

Thương vụ Việt Nam tại Italia cho biết, hiện nay, với xu hướng tiêu thụ mạnh mẽ, Italia đã tìm đến nhiều quốc gia làm phân xưởng sản xuất và gia công cho những thiết kế độc quyền của mình. Vì thế, Italia đã nhập khẩu sản phẩm dệt may lớn từ các nước trên thế giới.

Riêng với dòng sản phẩm quần áo hàng may mặc phụ trợ, Italia đã nhập khẩu khoảng 8 tỷ USD hàng năm. Các thị trường nhập khẩu chủ yếu mặt hàng dệt may là từ Trung Quốc, Bangladesh, Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Hà Lan, Bỉ.

Năm 2022, Italia nhập khẩu 11 tỷ USD hàng dệt may từ các quốc gia trên thế giới, trong đó nhập từ Việt Nam là 160 triệu USD, chỉ chiếm 1,5% thị phần. “Những mã hàng chủ yếu hiện nay Việt Nam xuất khẩu sang Italia gồm: Áo phông, áo ba lỗ, áo vest, bộ đồ thể thao, bộ đồ bơi, áo khoác, sơ mi, váy...” - Thương vụ Việt Nam tại Italia thông tin.

Thương vụ Việt Nam tại Italia cho biết, Chính phủ Italia mong muốn đa dạng hóa nguồn cung từ các nước trên thế giới, khuyến khích xuất khẩu, vì vậy ngoại thương Italia vẫn có nhiều khởi sắc, đối tác xuất khẩu chủ yếu vẫn là thị trường xuất khẩu chính gồm Đức, Pháp, Mỹ, Thụy Sỹ, Anh, Tây Ban Nha, Bỉ, Ba Lan và Trung Quốc.

Theo số liệu cơ quan thống kê quốc gia Italia Istat, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 4 tháng đầu năm 2023 đạt 408 tỷ euro, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó Italia xuất khẩu đạt 207 tỷ euro, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2022 và nhập khẩu đạt 201 tỷ euro, giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có dệt may, Thương vụ Việt Nam tại Italia đã kết nối tơ tằm trong hội chợ thủ công mỹ nghệ MIDA ở Firenze. Doanh nghiệp sản xuất tơ lụa của Việt Nam đã tìm được đối tác phù hợp và ký kết hợp đồng với doanh nghiệp Italia.

Ngoài ra, Thương vụ cũng đã kết nối sản phẩm tơ lụa của nhà thiết kế Minh Hạnh với đối tác ở vùng Como; đồng thời đã liên hệ tiếp xúc doanh nghiệp Chateau D’ax – một thương hiệu nội thất lâu đời tại Milan Italia, hỗ trợ hợp tác kết nối với doanh nghiệp nội thất Việt Nam.

Bên cạnh sự hỗ trợ của phía cơ quan chức năng, Thương vụ Việt Nam tại Italia khuyến nghị thêm, nhiều doanh nghiệp Italia là doanh nghiệp nhỏ, trung bình, quy mô hộ gia đình. Người Italia đã quen với các đối tác làm ăn gần khu vực địa lý, ít có thói quen thay đổi hoặc tìm hiểu một thị trường mới. Do vậy, để tìm đến một thị trường mới, ít nhất sản phẩm đó phải có giá cạnh tranh và chất lượng tương đương.

Để đáp ứng được nhu cầu sản xuất hàng dệt may xuất khẩu sang EU nói chung và Italia nói riêng, về lâu dài, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải có kế hoạch đầu tư máy móc thiết bị, công nghệ để nâng cao năng lực và kêu gọi đầu tư nước ngoài vào sản xuất vải nguyên liệu trong nước, không phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu” - Thương vụ Việt Nam tại Italia khuyến nghị.

Do những tháng đầu năm bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động, lãi suất ngân hàng tăng, chính sách thắt chặt tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Theo số liệu Hải quan Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2023 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Italia đạt 3,11 tỷ USD, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó xuất khẩu Việt Nam sang Italia 6 tháng đầu năm 2023 đạt 2,31 tỷ USD, giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu từ Italia 800 triệu USD, giảm 7% so với năm 2022.

Bảo Thoa

Theo: Báo Công Thương