Xử phạt và tước giấy phép đối với 16 thương nhân phân phối xăng dầu

(Banker.vn) Trong 6 tháng đầu năm 2023, Tổng cục Quản lý thị trường đã xử phạt và tước Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu đối với 16 doanh nghiệp
Bộ Công Thương đã xử lý khẩn trương, chính xác vấn đề giá xăng dầu vùng 2 của thương nhân phân phối Thanh tra quản lý Nhà nước về xăng dầu tại 3 bộ, 17 doanh nghiệp và các địa phương Đóng cửa từ đầu năm 2022 đến nay, Công ty DV&TM Hải Hà bị đề nghị thu hồi giấy phép thương nhân phân phối xăng dầu

Thực hiện kiểm tra 1.200 cuộc và xử lý 300 vụ việc

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công Thương về đánh giá tổng thể, bảo đảm sự ổn định thị trường kinh doanh xăng dầu, ngay từ cuối năm 2022 đầu năm 2023, Tổng cục Quản lý thị trường đã chủ động đề xuất nội dung xây dựng định hướng thanh tra chuyên ngành tập trung chủ yếu vào hoạt động kinh doanh xăng dầu của thương nhân phân phối xăng dầu. Ngày 25/11/2022, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 2528/QĐ-BCT về việc phê duyệt kế hoạch thanh tra năm 2023. Theo đó, lực lượng Quản lý thị trường đã được giao thực hiện thanh tra đối với 86 thương nhân phân phối xăng dầu.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường đã phối hợp với các lực lượng chức năng khác như Công an, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công Thương trên cả nước tiến hành xử lý vi phạm đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn quản lý; Đồng thời, thực hiện giám sát việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu, không để xảy ra tình trạng đứt gãy, thiếu hụt xăng dầu cục bộ cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trực thuộc và hệ thống phân phối của các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, tổng đại lý kinh doanh xăng dầu.

Xử phạt và tước giấy phép đối với 16 thương nhân phân phối xăng dầu
Lực lượng liên ngành gồm Công an, Quản lý thị trường chủ trì kiểm tra một cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Bến Tre - Ảnh DMS

Cụ thể, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng có liên quan thực hiện hoạt động kiểm tra theo kế hoạch định kỳ, kế hoạch chuyên đề được phê duyệt, kiểm tra đột xuất, cụ thể đã tiến hành thực hiện trên 1.200 vụ kiểm tra, xử lý trên 300 vụ đối với các loại hình thương nhân kinh doanh xăng dầu (thương nhân phân phối, tổng đại lý, thương nhân nhận quyền bán lẻ, đại lý bán lẻ xăng dầu), tổng số tiền phạt vi phạm hành chính trên 11,5 tỷ đồng (bao gồm cả số tiền buộc nộp lại bất hợp pháp có được do thực hiện các hành vi vi phạm hành chính).

Một số Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố có số thu nộp ngân sách nhà nước về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh xăng dầu điển hình trong 06 tháng đầu năm 2023 như: Bình Dương, Tây Ninh, Lâm Đồng, Nam Định, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Kiên Giang, Tiền Giang.

16 thương nhân phân phối nào bị tước giấy phép?

Trong 6 tháng đầu năm, lực lượng Quản lý thị trường đã thực hiện thanh tra chuyên ngành về xăng dầu 83/86 cuộc, đạt 96,5% theo kế hoạch. Số cuộc thanh tra đã ban hành kết luận: 75/83, đạt 90,3%. Qua thanh tra, lực lượng Quản lý thị trường đã xử phạt vi phạm hành chính: 6.729.175.000 đồng đối với 64 đối tượng thanh tra. Số tiền thu được từ số lợi bất hợp pháp: 1.540.145.712 đồng. Tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước khoảng 8,8 tỷ đồng

Qua công tác thanh tra chuyên ngành, Tổng cục Quản lý thị trường phát hiện nhiều thương nhân phân phối xăng dầu vi phạm trong quá trình kinh doanh, các hành vi vi phạm phổ biến gồm: Mua hoặc bán xăng dầu với đối tượng ngoài hệ thống phân phối theo quy định; Ký hợp đồng đại lý xăng dầu với thương nhân kinh doanh xăng dầu trong thời gian thương nhân đó đang là đại lý của thương nhân đầu mối khác hoặc thương nhân phân phối xăng dầu khác hoặc tổng đại lý kinh doanh xăng dầu khác: 23/64 đối tượng bị xử phạt, chiếm 36%.

Xử phạt và tước giấy phép đối với 16 thương nhân phân phối xăng dầu
Lực lượng Quản lý thị trường Bình Định tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh xăng dầu trên biển - Ảnh DMS

Không đăng ký hệ thống phân phối với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định và gian lận trong kê khai đăng ký hệ thống phân phối (đối với loại hình thương nhân phân phối xăng dầu): 31/64 đối tượng bị xử phạt, chiếm 51,7%.

Sử dụng người quản lý hoặc nhân viên trực tiếp kinh doanh tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu không được đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường theo quy định; sử dụng người quản lý hoặc nhân viên trực tiếp kinh doanh không được đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường theo quy định (đối với các loại hình thương nhân khác): 25/64 đối tượng bị xử phạt, chiếm 41,7%.

Đáng chú ý, qua thanh tra, lực lượng Quản lý thị trường phát hiện nhiều doanh nghiệp không đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối (cửa hàng bán lẻ xăng dầu trực thuộc, cửa hàng bán lẻ xăng dầu của đại lý không đủ theo quy định): 17/64 đối tượng bị xử phạt, chiếm 26,5%.

Đặc biệt, Quản lý thị trường đã xử phạt hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành vi phạm hành chính và thực hiện hình thức xử phạt bổ sung “Tước Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu từ 01 tháng đến 03 tháng” đối với 16 thương nhân phân phối xăng dầu, cụ thể: (1) Công ty TNHH Một thành viên Điện Hiền (Cần Thơ); (2) Công ty TNHH Southern Energy (Cần Thơ); (3) Công ty TNHH Xăng dầu - Khí hóa lỏng Hậu Giang (Trà Vinh); (4) Công ty cổ phẩn xăng dầu HFC (Hà Nội); (5) Công ty TNHH Xăng dầu Xanh (TP. HCM); (6) Công ty TNHH Dũng Đại Dương (Phú Thọ); (7) Công ty TNHH Thương mại xăng dầu Bình Minh Phát (Nam Định); (8) Công ty cổ phần đầu tư thương mại Minh Hiếu (Nam Định); (9) Công ty Công ty cổ phần Phát triển Thương mại Thái Nguyên.; (10) Công ty TNHH Xăng dầu Lan Phượng (Đồng Nai); (11) Công ty TNHH Vận tải Sông biển Diệp Dũng (Quảng Ninh); (12) Công ty cổ phần Vân Đồn Đ&T (Quảng Ninh); (13) Công ty TNHH một thành viên du lịch, thương mại xăng dầu Châu Loan (Đồng Nai); (14) Công ty Cổ phần Halo Mobil (Quảng Ninh); (15) Công ty TNHH DK Hoàng Dương; (16) Công ty Cổ phần thương mại Gia Trang (Hải Phòng).

Đồng thời, qua thanh tra cũng phát hiện 16/64 đơn vị kinh doanh xăng dầu mà không có Giấy phép kinh doanh xăng dầu theo quy định; Kinh doanh xăng dầu khi Giấy phép kinh doanh xăng dầu được cấp đã hết hiệu lực (chủ yếu với cửa hàng bán lẻ xăng dầu); Sử dụng người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hoá nguy hiểm chưa được tập huấn và được cấp Giấy chứng nhận đã hoàn thành chương trình tập huấn theo quy định; Người thủ kho, người áp tải, người xếp, dỡ hàng hoá nguy hiểm chưa được tập huấn và cấp Giấy chứng nhận đã hoàn thành chương trình tập huấn về loại hàng hoá nguy hiểm do mình áp tải, xếp, dỡ hoặc lưu kho bãi theo quy định: 7/64 đối tượng bị xử phạt, chiếm 11%.

Xử phạt và tước giấy phép đối với 16 thương nhân phân phối xăng dầu
Lực lượng Quản lý thị trường Cao Bằng tăng cường giám sát việc điều chỉnh giá xăng dầu tại địa bàn thành phố Cao Bằng - Ảnh DMS

Qua kiểm tra, Quản lý thị trường còn phát hiện trường hợp không đăng ký thời gian bán hàng của cửa hàng bán lẻ xăng dầu với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định; giảm thời gian bán hàng so với thời gian niêm yết hoặc so với thời gian bán hàng trước đó mà không có lý do chính đáng hoặc không thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định. Không xây dựng, áp dụng, duy trì có hiệu lực hệ thống quản lý chất lượng: 12/64 đối tượng bị xử phạt, chiếm 18,75%.

Theo đánh giá, trong 6 tháng đầu năm 2023, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu, lực lượng Quản lý thị trường đã chủ động triển khai đồng loạt, có hiệu quả các kế hoạch thanh tra, kiểm tra. Nhiều vụ việc vi phạm đã được lực lượng Quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý, góp phần đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng, an ninh trật tự, bình ổn thị trường, phát triển kinh tế - xã hội (trong đó, số lượng vụ việc kiểm tra tăng 200 vụ, đạt 120% so với cùng kỳ năm 2022; số lượng vụ việc xử lý tăng hơn 110 vụ, đạt 158% so với cùng kỳ năm 2022; số tiền xử phạt vi phạt hành chính tăng hơn 5,6 tỷ đồng, đạt hơn 195% so với cùng kỳ năm 2022).

Lực lượng Quản lý thị trường cho rằng, một trong những nguyên nhân để xảy ra tình trạng nhiều nhiều thương nhân kinh doanh xăng dầu vẫn vi phạm là do chưa có ý thức chấp hành nghiêm túc các quy định về việc xây dựng, duy trì điều kiện về hệ thống phân phối; Thực hiện đăng ký, đăng ký điều chỉnh hệ thống phân phối với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng trong kinh doanh xăng dầu còn chưa chấp hành nghiêm. Tại nhiều thời điểm, bất cập liên quan đến chiết khấu, hoa hồng đại lý còn thấp trong khi chi phí vận chuyển, nhân công, vận hành cao dẫn đến các vi phạm về thời gian bán hàng.

Tại một số thời điểm, ở một số nơi, công tác phối hợp, trao đổi, chia sẻ thông tin về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, về các dấu hiệu thực hiện hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu giữa các cấp, ngành, giữa các lực lượng còn nhiều hạn chế do chưa có sự liên thông về dữ liệu điện tử, nhiều khi mang tính hình thức, chưa được quan tâm đúng mức, thiếu hiệu quả trong phối hợp.

Thụy Anh

Theo: Báo Công Thương