Xây dựng Lào Cai thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế quốc tế

(Banker.vn) Hội thảo “Xây dựng Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc" diễn ra ngày 12/7.
Kết nối giao thương nông lâm thủy sản Việt Nam – Trung Quốc qua tỉnh Vân Nam Bộ Công Thương đồng hành kết nối giao thương xuất khẩu cho doanh nghiệp phía Nam

Hội thảo nhằm xây dựng Đề án “Xây dựng Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc” để trình Chính phủ.

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo được tổ chức tại Hà Nội chiều 12/7/2023, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nêu rõ, Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định “Xây dựng Lào Cai trở thành một trong những cực tăng trưởng, hạt nhân quan trọng trong phát triển kinh tế vùng. Đồng thời, đưa Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc”.

Xây dựng Lào Cai thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế quốc tế
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại Hội thảo

Thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị, ngày 1/8/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 96/NQ-CP ban hành Chương trình hành động, và một trong những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu liên quan đến hoàn thiện thể chế phát triển và liên kết vùng là: “Hình thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc tại Lào Cai” và trình Chính phủ trong năm 2023.

Với uy tín và kinh nghiệm nhiều năm thực hiện các chiến lược, chính sách, đề án cấp quốc gia, vùng, và địa phương, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương đã được UBND tỉnh Lào Cai tin tưởng và nhất trí giao làm cơ quan tư vấn thực hiện Đề án “Xây dựng Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc”.

Đề án chứa đựng nhiều nội dung mới về phát triển và liên kết vùng, đặc biệt là kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc, do vậy, cần có sự đóng góp ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý và các bên có liên quan để làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn xác định Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc”, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nói.

Cùng đó đánh giá những khó khăn, hạn chế trong xây dựng Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế; lựa chọn một số ngành mũi nhọn để làm nổi bật tính chất “trung tâm kết nối giao thương kinh tế của vùng Trung du và miền núi phía Bắc” của Lào Cai; đề xuất cơ chế quản lý, chính sách ưu đãi cho Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc.

Xây dựng Lào Cai thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế quốc tế
Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường phát biểu

Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường trong phát biểu tại hội thảo cho biết, Đề án đã được xây dựng dự thảo lần 1 vào tháng 5/2023, UBND tỉnh đã tổ chức họp, cho ý kiến để tiếp tục hoàn thiện và đến nay tổ chức hội thảo về Đề án, như vậy về cơ bản các bước triển khai xây dựng đang theo đúng tiến độ kế hoạch đã ban hành.

Việc sớm trình và được Chính phủ phê duyệt và cho triển khai Đề án “Xây dựng Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc” sẽ thúc đẩy việc hoàn thiện thể chế, chính sách đặc thù tạo ra nguồn lực phát triển mới cho vùng Trung du và miền núi Bắc bộ nói chung và tỉnh Lào Cai nói riêng”, ông Trịnh Xuân Trường nói.

Xây dựng Lào Cai thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế quốc tế
Quang cảnh hội thảo

Hội thảo đã dành thời gian nghe lãnh đạo Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương trình bày những nội dung cơ bản của Đề án. Theo đó Đề án xác định mục tiêu đến năm 2030, hình thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc về thương mại, dịch vụ, du lịch và công nghiệp của vùng Trung du miền núi phía Bắc và có khả năng gắn kết với các địa phương trên hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng.

Hộ thảo cũng nghe ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà quản lý và các nhà khoa học. Các ý kiến đều nhấn mạnh tầm quan trọng của Đề án, do đó giải pháp cần cụ thể hơn theo hướng Trung ương làm gì, các bộ, ngành và tỉnh cần làm gì. Bên cạnh đó cần cập nhật những quy hoạch vùng, tỉnh để bổ sung luận cứ xây dựng Lào Cai thành trung tâm kết nối giao thương.

Các ý kiến cũng cho rằng vai trò kết nối với các nước ASEAN và vùng Tây Nam Trung Quốc của Lào Cai cần được nhấn mạnh hơn trong Đề án. Việc lập việc quy hoạch các phương thức giao thông cần được tính toán cụ thể. Trong quá trình xây dựng Đề án cũng cần tham khảo mô hình tương tự của các nước khác.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường, trên cơ sở các ý kiến tại Hội thảo, lãnh đạo tỉnh Lào Cai sẽ chỉ đạo các sở, ngành tiếp thu đầy đủ và hoàn thiện các nội dung của Đề án để triển khai các bước tiếp theo để sớm trình Chính phủ.

Quang Lộc - Cấn Dũng

Theo: Báo Công Thương