Xây dựng Hòa Bình (HBC) có lãi trở lại trong quý IV

(Banker.vn) Nhờ hoàn nhập trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Xây dựng Hoà Bình đã “đảo chiều”, chấm dứt chuỗi lỗ thuần 4 quý liên tiếp. Sau cùng, doanh nghiệp lãi sau thuế 101 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính quý IV/2023 của Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HOSE: HBC) ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.190 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán giảm mạnh, ở mức 41%, xuống còn 2.137 tỷ đồng. Không còn kinh doanh dưới giá vốn, doanh nghiệp lãi gộp 53 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 462 tỷ đồng.

Một tín hiệu khả quan khác đó là doanh thu tài chính quý này đã dương trở lại, đạt 20 tỷ đồng, cải thiện hoàn toàn so với mức âm 113 tỷ đồng ghi nhận cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, nhờ chi phí lãi vay giảm, chi phí tài chính của doanh nghiệp cũng “nhẹ đi” khoảng 18%. Tuy nhiên, khoản chi phí này vẫn “neo” cao ở mức 135 tỷ đồng, “nuốt trọn” cả doanh thu thuần và doanh thu tài chính. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn ghi nhận khoản lỗ 32 tỷ đồng từ công ty liên doanh, liên kết và khoản chi phí bán hàng gần 17 tỷ đồng.

Những tưởng Xây dựng Hoà Bình sẽ phải “ngậm ngùi” báo lỗ thuần quý thứ năm liên tiếp, nhưng doanh nghiệp này lại được hoàn nhập 223 tỷ đồng chi phí quản lý doanh nghiệp, bù đắp toàn bộ các khoản chi phí nói trên, từ đó chuyển lãi 112 tỷ đồng, cải thiện hoàn toàn so với khoản lỗ thuần kỷ lục 1.214 tỷ đồng ghi nhận hồi quý IV/2022. Theo thuyết minh báo cáo tài chính của Xây dựng Hoà Bình, động lực cho sự chuyển biến tích cực này là việc hoàn nhập trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi ở mức 310 tỷ đồng.

Xây dựng Hòa Bình (HBC) có lãi trở lại trong quý IV
Chi phí lập dự phòng phải thu khó đòi đã "cứu" Xây dựng Hoà Bình một "bàn thua trông thấy"

Sau cùng, Xây dựng Hoà Bình báo lãi sau thuế 101 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ kỷ lục 1.202 tỷ đồng.

Lũy kế năm 2023, ông lớn ngành xây dựng ghi nhận doanh thu hơn 7.546 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với năm 2022. Trong khi đó, khoản lợi nhuận trong quý II và quý IV vẫn là chưa đủ để “gồng gánh” các khoản thua lỗ trong quý I và quý III. Kết quả, Xây dựng Hoà Bình lỗ 777 tỷ đồng cả năm. Dù vậy, so với khoản lỗ 2.600 tỷ đồng năm 2022, đây đã là một kết quả khởi sắc của doanh nghiệp này.

Cần biết, trong năm 2023, Xây dựng Hoà Bình đặt mục tiêu thu về 12.500 tỷ đồng doanh thu và 125 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Trước đó, tại ĐHĐCĐ bất thường diễn ra hồi tháng 10, sau kỳ kinh doanh quý III không khả quan, ông Lê Viết Hiếu - Phó Chủ tịch HĐQT Xây dựng Hoà Bình cũng đã lường trước khả năng Tập đoàn sẽ không đạt được kế hoạch kinh doanh năm nay. Ông Hiếu cũng chỉ rõ, nguyên nhân là do thị trường “thật sự khó khăn” và cùng lúc có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến doanh thu mảng xây dựng, trong đó có việc các chủ đầu tư vẫn chưa xử lý được vấn đề pháp lý cũng như xúc tiến việc bán hàng.

Với việc tiếp tục thua lỗ trong năm 2023, tính đến thời điểm 31/12/2023, lỗ luỹ kế của Xây dựng Hoà Bình đã tăng lên mức 2.878 tỷ đồng, kéo vốn chủ sở hữu giảm gần 63% so với đầu năm, xuống còn gần 454 tỷ đồng.

Kết thúc năm 2023, tổng tài sản của Xây dựng Hoà Bình ghi nhận ở mức 13.055 tỷ đồng, giảm 16% so với đầu năm. Đáng chú ý, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản của doanh nghiệp là các khoản phải thu với 8.820 tỷ đồng, bao gồm 8.492 tỷ đồng ghi nhận tại khoản mục phải thu ngắn hạn và 328 tỷ đồng ghi nhận tại khoản mục phải thu dài hạn. So với đầu năm, giá trị các khoản phải thu đã giảm 20%, chủ yếu giảm do hoạt động thu hồi công nợ từ khách hàng trong năm qua. Trong khi đó, tiền và các khoản tương đương tiền giảm 21%, đạt xấp xỉ 391 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, hàng tồn kho tăng nhẹ lên mức 2.285 tỷ đồng. Trong đó, doanh nghiệp trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho hơn 53 tỷ đồng.

Xây dựng Hòa Bình (HBC) có lãi trở lại trong quý IV
Chi tiết hàng tồn kho của Xây dựng Hoà Bình

Phía bên kia bảng cân đối kế toán, tổng nợ phải trả của Xây dựng Hoà Bình ghi nhận ở mức 12.601 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ. Trong đó, nợ vay ghi nhận ở mức 4.719 tỷ đồng, giảm 23% so với thời điểm đầu năm 2023. Tuy nhiên, con số này cao gấp 10 lần vốn chủ sở hữu, trong khi đầu năm chỉ cao gấp 5 lần.

Về kế hoạch kinh doanh năm 2024, Xây dựng Hoà Bình đặt kỳ vọng sẽ phục hồi mạnh mẽ với mục tiêu doanh thu 10.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 433 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận tương đương với năm 2019, trước khi các doanh nghiệp xây dựng bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 và sự suy giảm của thị trường bất động sản.

Trên thị trường chứng khoán, sau khi tăng kịch trần lên mức giá 9.180 đồng/cp trong phiên giao dịch ngày 30/1, bước sang phiên giao dịch hôm nay ngày 31/1, cổ phiếu HBC bất ngờ quay đầu giảm điểm và đang giao dịch ở mức 9.120 đồng/cp.

Xây dựng Hòa Bình (HBC) đổi phương án chào bán cổ phiếu

Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) thông qua kế hoạch tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường lần 2 năm 2023 vào ...

Xây dựng Hòa Bình (HBC) huỷ họp ĐHĐCĐ bất thường, đặt mục tiêu đưa lợi nhuận trở về mức trước dịch

Vừa thông qua kế hoạch tổ chức ĐHĐCĐ bất thường năm 2024 được 7 ngày, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình bất ngờ huỷ kế ...

Trúng gói thầu 4.000 tỷ, cổ phiếu Xây dựng Hòa Bình (HBC) có cơ hội “trở mình”?

Đại diện TP. Hải Phòng cho biết, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HOSE: HBC) vừa cho biết đã nhận được hợp đồng thiết kế ...

Hà Lê

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục