Xây dựng chuỗi sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững

(Banker.vn) Xuất khẩu gạo vẫn đang rất thuận lợi về giá. Để duy trì được kết quả này, cần thiết phải xây dựng được chuỗi sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững.
Giá gạo xuất khẩu Việt Nam tiếp tục xu hướng hạ nhiệt Hạ nhiệt, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn neo ở mức rất cao Giá gạo xuất khẩu tăng nhẹ, nhiều doanh nghiệp đàm phán hợp đồng lớn

Xuất khẩu gạo duy trì kết quả khả quan

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, đến hết tháng 8/2023, Việt Nam xuất khẩu 5,81 triệu tấn gạo, trị giá 3,16 tỷ USD, tăng 21,4% về lượng và tăng 35,7% về trị giá so với cùng kỳ. Giá xuất khẩu bình quân đạt 543,9 USD/tấn, tăng 11,8%.

Xuất khẩu gạo đang là điểm sáng của nền kinh tế
Xuất khẩu gạo đang là điểm sáng của nền kinh tế

Philippines vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 40,3% trong tổng lượng xuất khẩu gạo của cả nước; tiếp đến là thị trường Trung Quốc chiếm 13,5%; Indonesia đứng thứ 3 chiếm 12,4%. Ngoài ra khu vực thị trường EU (Ba Lan, Hà Lan, Tây Ban Nha, Bỉ,..), châu Phi (Ghana, Angola, ...) cũng ghi nhận sự tăng trưởng tích cực.

Bước sang quý III năm 2023, tình hình thương mại gạo thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp (các yếu tố địa chính trị, hiện tượng El Nino, lệnh cấm xuất khẩu gạo tại một số nước...) nhu cầu dự trữ lương thực của các nước tăng, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng cao, nhiều thời điểm vượt qua giá gạo Thái Lan cùng chủng loại, thiết lập mức đỉnh trong 11 năm qua.

Tính đến ngày 18 tháng 9 năm 2023, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đạt trung bình 615 USD/tấn, cao hơn giá gạo cùng chủng loại của Thái Lan khoảng 5 USD/tấn. Đối với các dòng gạo thơm, giá xuất khẩu trung bình gạo Jasmine của Việt Nam ghi nhận ở mức 710 USD/tấn.

Những ngày gần đây, giá gạo hiện nay đang có xu hướng chững lại sau động thái của một số nước nhập khẩu nhằm kiềm chế lạm phát (như Philippines áp giá trần gạo nội địa, mặc dù chính sách này sau đó đã được dỡ bỏ), tập trung vào chính sách phát triển sản xuất trong nước để tăng cường dự trữ, tồn kho và tìm kiếm các nguồn cung cấp lương thực thay thế cho gạo (ngô, lúa mỳ).

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam giá gạo xuất khẩu 5% tấm ngày 22/9 ở mức 613 - 617 USD/tấn, giảm 1 USD/ tấn so với phiên hôm 21/9, gạo 25% tấm dao động quanh mốc 598 - 602 USD/tấn, giảm 6 USD/tấn.

“Tuy nhiên nhìn chung, giá gạo xuất khẩu từ nay đến cuối năm vẫn sẽ duy trì ở mức cao do nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường tiêu thụ lớn vẫn còn (Philipines, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và châu Phi) trong khi nguồn cung gạo từ các quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới như Ấn Độ, Pakistan còn hạn chế” – ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương lưu ý.

Ngoài ra, mức độ biến động của giá gạo xuất khẩu sẽ còn phụ thuộc vào các biến số như thời tiết (ảnh hưởng đến mùa vụ), chính trị (phản ứng chính sách) của các nước xuất khẩu lớn như Ấn Độ, Thái Lan… trong thời gian tới.

Hợp tác xây dựng chuỗi sản xuất tiêu thụ lúa gạo bền vững

Để duy trì việc xuất khẩu gạo bền vững, các doanh nghiệp được khuyến cáo cần nghiêm túc thực hiện duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu và chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất theo yêu cầu của các cơ quan chức năng theo quy định. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đề nghị doanh nghiệp chủ động theo dõi chặt chẽ tình hình thương mại gạo toàn cầu và tìm hiểu kỹ các đối tác trước khi ký hợp đồng, đặc biệt phải thận trọng trong giao, nhận và thanh toán các lô hàng (để tránh bị lừa đảo).

Đặc biệt, trong bối cảnh giá gạo xuất khẩu vẫn neo ở mức cao, doanh nghiệp phải tuyệt đối tôn trọng những hợp đồng đã ký (để giữ uy tín với các đối tác). Bên cạnh đó, tập trung khai thác nguồn hàng, xây dựng, quảng bá thương hiệu và đàm phán, ký kết các hợp đồng mới với đối tác truyền thống theo cơ chế giá phù hợp với tình hình thị trường; chú trọng phát triển các thị trường mới, có nhu cầu và còn nhiều tiềm năng. Chú trọng duy trì chất lượng từ vùng nguyên liệu.

Theo số liệu thống kê của Bộ NN&PTNT, xuất khẩu gạo 3 tháng đầu năm 2023 tuy giảm 19,3% về khối lượng nhưng tăng 30,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022
Tập trung xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn

Để hỗ trợ xây dựng chuỗi sản xuất, tiêu thụ lúa gạo một cách bền vững, mới đây “Dự án Chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (TRVC)” cho các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị lúa gạo đã được triển khai trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Dự án có tổng vốn hơn 22 tỷ đồng, do Tổ chức Phát triển Hà Lan SNV viện trợ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp là chủ dự án.

Thời gian thực hiện dự án từ năm 2023-2027, với mục tiêu cải thiện sinh kế cho hộ nông dân sản xuất lúa nhỏ lẻ ở khu vực dự án; xây dựng các chuỗi giá trị lúa gạo bao trùm; giảm phát thải khí nhà kính từ sản xuất lúa gạo; hỗ trợ phát triển thương hiệu gạo các-bon thấp trên địa bàn tỉnh.

Kết quả mong đợi của dự án là tiếp cận 50-60 hợp tác xã và hỗ trợ sinh kế cho khoảng 75.000 nông dân sản xuất nhỏ lẻ trên quy mô sản xuất 75.000 ha.

Cùng với đó, xúc tác thành lập 10-20 chuỗi giá trị lúa gạo bao trùm và hỗ trợ ít nhất 10 nhà sản xuất/chế biến/kinh doanh/xuất khẩu gạo chủ lực, tăng hiệu quả kinh doanh thông qua cung cấp dịch vụ, sản xuất và chế biến.

Dự án dự kiến giảm phát thải 75.000 tấn CO2 từ hoạt động canh tác lúa; giảm 30% - 40% lượng giống; giảm lượng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học trong sản xuất lúa từ 30% trở lên; đảm bảo 40%-50% lợi nhuận cho các nông hộ từ sản xuất lúa.

Bà Trần Thu Hà - Giám đốc Dự án TRVC cho biết: “Thông qua sự vào cuộc của các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị lúa gạo, Dự án TRVC tạo ra các chất xúc tác hữu hiệu, mang tính tiên phong để thúc đẩy doanh nghiệp tổ chức các vùng nguyên liệu liên kết theo hướng bền vững, đa giá trị, mang lại các lợi ích và đồng lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường”.

Bảo Ngọc

Theo: Báo Công Thương