Xây dựng C47 nói gì khi bị kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ?

(Banker.vn) Tại BCTC năm 2023, Kiểm toán TTP đã có ý kiến ngoại trừ liên quan đến khoản công nợ phải thu đối với bên đang phát sinh tranh chấp với Xây dựng C47 là Công ty CP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh.

Công ty CP Xây dựng 47 (HOSE: C47) vừa công bố Báo báo tài chính (BCTC) đã kiểm toán 2023. Theo đó, gây chú ý khi xuất hiện ý kiến ngoại trừ của kiểm toán, đồng thời lãi sau thuế giảm hơn 5% so với BCTC tự lập. Ngày 29/03, Xây dựng C47 đã nhanh chóng đưa ra giải trình về các vấn đề này.

Sau kiểm toán, Công ty TNHH Kiểm toán TTP đã có ý kiến ngoại trừ liên quan đến khoản công nợ phải thu đối với bên đang phát sinh tranh chấp với Xây dựng C47 là Công ty CP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (HOSE: VSH).

Cụ thể: Như đã trình bày ở thuyết minh số 5. Khoản phải thu khách hàng, trong năm 2023, Công ty CP Xây dựng 47 đang trong quá trình giải quyết tranh chấp công nợ với Công Ty CP Thuỷ điện Vĩnh Sơn- Sông Hinh. Số dư công nợ phải thu tại thời điểm 31/12/2023 là hơn 51 tỷ đồng.

Đến thời điểm phát hành Báo cáo kiểm toán này, kiểm toán chưa nhận được thư xác nhận số số dư công nợ phải thi tại thời điểm cuối năm 2023 của Công Ty CP Thuỷ điện Vĩnh Sơn- Sông Hinh. Do ảnh hưởng bởi tình trạng tranh chấp, Xây dựng C47 chưa có đủ cơ sở để xác minh khả năng có thể thu hồi, giá trị dự phòng (nếu có) tới các chỉ tiêu liên quan trên BCTC năm 2023 của Xây dựng C47,

Trước ý kiến trên, Xây dựng C47 cho biết Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh đang thu xếp nguồn để trả các khoản nợ cho Công ty trong năm 2024, trên cơ sở xác nhận công nợ giữa 2 bên ngày 31/12/2021.

Bên cạnh đó, điểm gây chú ý khác là kết quả lãi sau thuế có sự chênh lệch giữa báo cáo kiểm toán và báo cáo tự lập.

Theo Xây dựng C47, sự chênh lệch bắt nguồn từ BCTC Công ty mẹ đã được kiểm toán có lãi sau thuế giảm 1,3%, dẫn đến lãi sau thuế trên BCTC hợp nhất sau kiểm toán giảm 5,22%, do hạch toán bổ sung chi phí thuê đất năm 2022 số tiền gần 1,2 tỷ đồng. Sau những thay đổi trên, lãi ròng của Công ty từ 15,6 tỷ đồng trước kiểm toán (tăng 8% so với năm 2022) giảm xuống còn 14,7 tỷ đồng sau kiểm toán, chỉ tăng 2% so với năm 2022.

Xây dựng C47 nói gì khi bị kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ?
Giải trinh của Xây dựng C47 về 2 vấn đề trên

Nhiều gói thầu gối đầu cho năm tới

Ngoài những công trình đang tiếp tục thi công từ các năm trước, thời gian qua, Xây dựng 47 cũng nhận được nhiều gói thầu lớn để làm công việc gối đầu cho các năm tiếp theo.

Cụ thể, cuối tháng 11/2023, Xây dựng 47 trong vai trò đứng đầu liên danh với Công ty CP Tư vấn Xây dựng điện 3 (PECC3) đã ký kết Hợp đồng số NN1/2023/PSG-CC47&PECC3 về việc thiết kế, cung cấp, lắp đặt thiết bị cơ khí thủy công và thi công xây dựng công trình (EPC) Dự án Nhà máy Thủy điện Nam Neun 1, nước CHDCND Lào với đơn vị giao thầu PHONGSUBTHAVY GROUP SOLE CO., LTD. Tổng giá trị hợp đồng gần 185 triệu USD (tương đương 4.523,2 tỷ đồng, theo tỷ giá Vietcombank 1 USD = 24.450 VND ngày 22/12/2023) không bao gồm đường dây từ trạm Nam Neun 1 trở đi và VAT. Thời gian thi công 48 tháng kể từ ngày khởi công Dự án.

Trong lĩnh vực thủy điện, Xây dựng 47 cũng đang tham gia thi công Dự án Thủy điện Nam Phak (tại Lào) với tổng giá trị gần 800 tỷ đồng. Công trình được khởi công từ cuối quý IV/2022.

Vào cuối tháng 9/2023, Liên danh Xây dựng 47 - Công ty CP Đầu tư và Xây dựng thủy lợi Lâm Đồng - Công ty CP Đầu tư và Xây dựng 40 được lựa chọn thực hiện Gói số 12 Thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị cụm công trình đầu mối thuộc Dự án Xây dựng hồ chứa nước Ka Zam, huyện Đơn Dương với giá trúng hơn 198,822 tỷ đồng. Đây là gói thầu lớn nhất của Dự án, có thời gian thi công 820 ngày. Ngày 23/11/2023, Dự án đã được tổ chức lễ khởi công.

Trước đó, tháng 2/2023, Xây dựng 47 cùng các thành viên trong liên danh nhà thầu khởi công Dự án Xây dựng Hồ chứa nước Ta Hoét tại huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Trong đó, liên danh nhà thầu đảm nhận thi công Gói thầu số 10 Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình đầu mối và thu dọn vệ sinh lòng hồ thuộc Hồ chứa nước Ta Hoét, với tổng giá trị hợp đồng 319,416 tỷ đồng.

Ngoài ra, Xây dựng 47 cũng đang đảm nhận xây dựng nhiều công trình lớn khác như: Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 (tỉnh Quảng Ngãi), Dự án Hệ thống thủy lợi Tân An - Đập Đá, Dự án đường ven biển Cát Tiến - Diêm Vân (tỉnh Bình Định)...

Trong định hướng phát triển của mình, Xây dựng 47 cho biết, ngoài các lĩnh vực truyền thống sẽ triển khai mục tiêu mở rộng sản xuất - kinh doanh trong các lĩnh vực như sản xuất vật liệu xây dựng, xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, năng lượng gió, đặc biệt là lĩnh vực xây dựng các dự án bất động sản cho các công ty đa ngành. Dù có mở thêm các hoạt động mới, thì với cổ đông, điều Xây dựng 47 cần đạt được nhất là lợi nhuận tăng trở lại, giá cổ phiếu và cổ tức không suy giảm. Đây là điều Xây dựng 47 cần nỗ lực rất nhiều khi cổ tức năm 2023 dự kiến trả chỉ bằng một nửa năm 2022 và giá cổ phiếu đang rơi sâu dưới mệnh giá.

Xây dựng C47 có Chủ tịch HĐQT mới

Theo đó, ông Phạm Nam Phong, Phó Chủ tịch HĐQT sẽ lên làm Chủ tịch HĐQT CTCP Xây dựng 47 (Mã: C47) nhiệm kỳ 2020 ...

Xây dựng (C47) muốn chào bán lượng lớn cổ phiếu

CTCP Xây dựng C47 (HoSE: C47) sẽ tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên 2022 vào ngày 24/4. Nội dung cuộc họp xoay quanh nhiều vấn ...

Xây dựng 47 (C47): Công ty của Chủ tịch Phạm Nam Phong nâng sở hữu lên hơn 20,5%

Giá cổ phiếu C47 tiếp tục trong chiều hướng giảm sâu từ đầu năm 2022. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 10/01, thị giá cổ ...

Tiểu Vy

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán