Vượt mốc 100 tỷ USD, xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa cùng tăng mạnh

(Banker.vn) Hết tháng 4, cả xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa cả nước đều chính thức vượt mốc 100 tỷ USD. Tính chung 4 tháng đầu năm, cả nước vẫn đạt thặng dư 1,63 tỷ USD.

Thông tin Tổng cục Hải quan vừa công bố cho thấy, trong tháng 4, xuất khẩu và nhập khẩu có chiều hướng giảm so với tháng 3/2021 trước đó, nhưng vẫn ở mức cao.

Xuất khẩu đạt 26,55 tỷ USD giảm 10,5% so với tháng trước. Điều này xuất phát từ sự sụt giảm của hàng loạt nhóm hàng chủ lực, đặc biệt từ 5 nhóm “tỷ USD” gồm: điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; dệt may; đồ gỗ.

Ở chiều ngược lại, tháng 4, kim ngạch nhập khẩu 27,77 tỷ USD giảm 2,4% so với tháng trước.

Tương tự xuất khẩu, nhập khẩu cũng có 6 nhóm hàng đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên trong tháng 4, tuy nhiên, số lượng nhóm hàng có kim ngạch sụt giảm chỉ là 3 và 3 nhóm hàng còn lại tăng trưởng dương.

Nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất trong tháng 4 là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 5,68 tỷ USD giảm 4,7% so với tháng trước; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt hơn 3,92 tỷ USD giảm 2,3%; chất dẻo nguyên liệu đạt hơn 1 tỷ USD giảm 17,4%.

Tính chung trong 4 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 104,94 tỷ USD tăng 29,6% so với cùng kỳ 2020, trong khi nhập khẩu đạt 103,31 tỷ USD tăng 31,8%.

Như vậy, dù tháng 4 nước ta nhập siêu 1,22 tỷ USD, nhưng tính chung 4 tháng đầu năm vẫn đạt thặng dư 1,63 tỷ USD.

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, có nguy cơ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu, mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã chủ động gửi công thư tới Bộ trưởng Bộ Công Thương Lào, Bộ trưởng Bộ Thương mại Campuchia, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc - đề nghị phối hợp chặt chẽ thực hiện mô hình thông quan tại các cửa khẩu biên giới đường bộ theo hướng vừa phòng dịch, nhưng vẫn tạo điều kiện cho lưu chuyển hàng hóa thông suốt.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ đối tác, các địa phương biên giới theo dõi sát tình hình phòng chống dịch, tình hình thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới đường bộ với Lào, Campuchia, Trung Quốc để kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc và xử lý, vì an toàn của người dân, vì lợi ích của người nông dân, người tiêu dùng và doanh nghiệp xuất khẩu.

Trước đó, Bộ Công Thương đã liên tục làm việc với các địa phương vùng biên giới, cũng như tổ chức các Hội nghị hướng dẫn thông tin quy định của thị trường và giới thiệu cẩm nang hướng dẫn xuất khẩu nông sản vào thị trường Trung Quốc - một trong những thị trường xuất khẩu chủ lực của hàng hóa nước ta tại nhiều địa phương. Trong đó, cung cấp tiềm năng thị trường, những thay đổi gần đây về chính sách quản lý hoạt động xuất nhập khẩu, những vấn đề đặt ra đối với việc thúc đẩy xuất khẩu nông thủy sản sang thị trường Trung Quốc đồng thời đưa ra những khuyến nghị cụ thể cho doanh nghiệp và cơ quan hữu quan trên địa bàn các địa phương trong việc khai thác dư địa thị trường đối với các sản phẩm thế mạnh của địa phương. Bộ Công Thương cũng đặc biệt lưu ý doanh nghiệp cần chủ động thay đổi để thích ứng với đòi hỏi ngày càng cao về chính sách, nhu cầu và thị hiếu của thị trường Trung Quốc đối với chất lượng hàng hóa nhập khẩu.

Bảo Ngọc

Theo Báo Công thương

Theo: Báo Công Thương