"Vững ghế" Chủ tịch Bamboo Airways, ông Lê Thái Sâm nộp đơn từ nhiệm HĐQT FLC

(Banker.vn) Ngày 11/8, Công ty CP Tập đoàn FLC (UPCoM) đã công bố thông tin về việc ông Lê Thái Sâm – Thành viên HĐQT xin từ nhiệm. Được biết, ông Sâm đang là Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways.
Doanh nhân Lê Thái Sâm rời HĐQT FLC để dồn toàn tâm toàn sức cho Bamboo Airways?

Theo báo cáo mà FLC gửi tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), vào ngày 10/8, HĐQT Tập đoàn này đã nhận được đơn xin từ nhiệm Thành viên HĐQT của ông Lê Thái Sâm. Ngay sau đó, ngày 11/8, HĐQT FLC đã họp và thống nhất trình ĐHĐCĐ thông qua việc miễn nhiệm chức vụ Thành viên HĐQT đối với ông Sâm tại cuộc họp gần nhất.

Như Kinhtechungkhoan.vn thông tin trước đó, doanh nhân Lê Thái Sâm đã “hiện diện” tại FLC theo cách vô cùng “chấn động”. Cách đây hơn một năm, sau một thời gian vắng bóng trên thương trường, cái tên Lê Thái Sâm bất ngờ trở lại khi xuất hiện trong báo cáo tài chính quý II/2022 của Tập đoàn FLC với vai trò là “chủ nợ” của doanh nghiệp này. Theo đó, vị này đã cho FLC vay 621 tỷ đồng.

Không lâu sau, tháng 7/2022, ông Lê Thái Sâm chính thức được bầu vào HĐQT của FLC, cùng với ông Doãn Hữu Đoàn và ông Lê Bá Nguyên - anh vợ cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết. Đáng chú ý, ông Sâm là người nhận được nhiều phiếu bầu nhất trong 3 ứng viên, với 265,9 triệu cổ phần, tương đương 100,26% số cổ phần tham dự đại hội (bầu dồn phiếu).

Ông Lê Thái Sâm (ngoài cùng bên trái) tại ĐHĐCĐ bất thường năm 2022 của FLC

Tháng 8/2022, chỉ một tháng sau khi gia nhập HĐQT của FLC, ông Lê Thái Sâm được bầu làm Thành viên HĐQT của Bamboo Airways. Sau một thời gian âm thầm đầu tư vào Bamboo Airways, khi hãng bay này đối mặt với các kho khăn về tài chính, ông Sâm đã cho hãng bay này vay tiền mặt (không lãi suất, lãi thấp và không tài sản đảm bảo). Tính đến hết ngày 10/4/2023, tổng số tiền này lên tới 7.727 tỷ đồng.

Đáng chú ý, tại ĐHĐCĐ bất thường của Bamboo Airways diễn ra vào ngày 9/5/2023, hãng bay này đã thông qua phương án tăng vốn thêm 11.500 tỷ đồng. Trong đó, Bamboo Airways đã phát hành cho ông Lê Thái Sâm là 772 triệu cổ phiếu, tương ứng 7.720 tỷ đồng, để hoán đổi nợ vay. Cộng thêm 400 triệu cổ phần BAV được FLC chuyển nhượng để thanh toán nợ, vị đại gia này sở hữu hơn 1,4 tỷ cổ phiếu BAV, tương đương tỷ lệ sở hữu 53,6%.

Hơn hai tháng sau khi trở thành người nắm giữ nhiều cổ phần nhất tại Bamboo Airways, ông Lê Thái Sâm được “giao phó” một trọng trách mới: tiếp quản vị trí Chủ tịch HĐQT từ người tiền nhiệm Oshima Hideki.

Như Kinhtechungkhoan.vn đã từng phân tích, ngồi vào “ghế nóng”, Chủ tịch Lê Thái Sâm không chỉ nhận về áp lực nặng nề là đưa Bamboo Airways này thoát lỗ, mà còn phải đối mặt với rất nhiều thách thức khi lĩnh vực hàng không vốn mang tính chất đặc thù và thị trường đầy rẫy khó khăn.

Hiện vẫn chưa rõ lý do ông Lê Thái Sâm xin từ nhiệm tại FLC. Tuy nhiên, việc động thái này diễn ra trong bối cảnh Chủ tịch của Bamboo Airways đang cần tập trung để “vực dậy” hãng hàng không cho thấy đây rất có thể là một phần nguyên nhân dẫn tới quyết định rời HĐQT FLC của vị doanh nhân này. Mặt khác, cũng có những ý kiến cho rằng, sau khi "thâu tóm" thành công Bamboo Airways, việc ông Sâm rời đi cũng chỉ là chuyện "một sớm một chiều".

FLC đang hoạt động ra sao?

Về tình hình của FLC, ngày 13/7, cổ phiếu FLC đã bị HNX đưa vào diện cảnh báo, do Tập đoàn này chưa họp ĐHĐCĐ thường niên 2023 trong thời hạn tối đa kể từ thời điểm kết thúc năm tài chính theo quy định. Trước đó, mã này cũng đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch ngày 22/5 do chậm nộp báo cáo tài chính 2022 đã được kiểm toán quá 45 ngày.

Ngoài ra, FLC vẫn đang nằm trong diện đình chỉ giao dịch kể từ ngày 24/2 do vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin.

Mới đây, ngày 19/7, Tập đoàn này đã có văn bản giải trình nguyên nhân chưa tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 và đưa ra phương án khắc phục.

FLC cho biết, báo cáo tài chính hàng năm là một trong những nội dung thảo luận và thuộc thẩm quyền phê duyệt của ĐHĐCĐ thường niên theo quy định tại Khoản 3 Điều 139 Luật doanh nghiệp năm 2020.

Tuy nhiên, hiện các báo cáo tài chính của FLC chưa được phát hành do Tập đoàn này và Công ty TNHH Kiểm toán và tư vấn UHY chưa đạt được sự đồng thuận về ý kiến kiểm toán báo cáo tài chính riêng và hợp nhất cho năm 2021 và cũng chưa có cơ sở để thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính năm 2022.

Do chưa chuẩn bị được đầy đủ tài liệu tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2022, FLC chưa thể tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023.

Doanh nghiệp này khẳng định đang nỗ lực phối hợp cùng UHY thực hiện các thủ tục bổ sung làm cơ sở đưa ra ý kiến kiểm toán phù hợp trên báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 để làm cơ sở triệu tập ĐHĐCĐ thường niên 2022.

Sau khi tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên 2022, FLC sẽ tiến hành các công việc tiếp theo theo quy định của pháp luật để triệu tập cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2023 trong thời gian sớm nhất.

Tính đến thời điểm hiện tại, FLC chưa công bố báo cáo tài chính soát xét năm 2021, bán niên 2022, cả năm 2022 và các báo cáo quý IV/2022, quý I/2023.

Phó chủ tịch Tập đoàn FLC Doãn Hữu Đoàn xin từ nhiệm sau 10 tháng nhậm chức

Ông Doãn Hữu Đoàn, Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC nêu lý do từ nhiệm là vì công việc cá nhân. Được biết, hiện ...

Những lần xuất hiện “dậy sóng” của đại gia Lê Thái Sâm, tân Chủ tịch Bamboo Airways

Mặc dù được biết đến là một người kín tiếng nhưng mỗi lần doanh nhân Lê Thái Sâm có động thái mới trên thương trường ...

Thách thức của tân Chủ tịch Bamboo Airways, “người được chọn” “vén mây để thấy mặt trời”

Tiếp quản “ghế nóng” tại Bamboo Airways, Chủ tịch Lê Thái Sâm không chỉ nhận về áp lực nặng nề là đưa hãng bay này ...

Thái Hà

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán