Vùng Đồng bằng sông Hồng: Liên kết tạo sức bật cho du lịch phát triển

(Banker.vn) Đồng bằng sông Hồng là một trong những vùng kinh tế - xã hội trọng điểm của cả nước, đồng thời là khu vực tập trung nhiều tài nguyên du lịch nổi trội.
Phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng: Định hướng và giải pháp trọng tâm Đưa vùng Đồng bằng sông Hồng đi đầu trong phát triển khoa học và công nghệ

Cái nôi kho tàng lịch sử, văn hóa của đồng bằng Bắc bộ

Tài nguyên du lịch vùng Đồng bằng sông Hồng hiện phân bố rộng khắp 11 tỉnh, thành phố trong vùng. Ngoài giá trị nổi bật về di sản, danh lam thắng cảnh, ở đây có hơn 23 nghìn di tích lịch sử, văn hóa cùng hàng trăm lễ hội truyền thống.

Đến đây, du khách sẽ được đến Vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình), Ba Vì (Hà Nội), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Cát Bà (Hải Phòng), Bái Tử Long (Quảng Ninh) với hệ sinh thái đa dạng. Những suối khoáng nóng có tác dụng chữa bệnh như: Kênh Gà (Ninh Bình), Quang Hanh (Quảng Ninh)…; những hang động kỳ thú như: Hương Sơn (Hà Nội), Tam Cốc - Bích Động (Ninh Bình), Thiên Cung (Quảng Ninh)… hay các bãi biển nổi tiếng như: Ti Tốp, Trà Cổ (Quảng Ninh), Cát Bà, Đồ Sơn (Hải Phòng), Hải Thịnh (Nam Định)...

Vùng Đồng bằng sông Hồng: Liên kết tạo sức bật cho du lịch phát triển
Đồng bằng sông Hồng hội tụ nhiều tài nguyên văn hoá, thiên nhiên để phát triển du lịch

Bên cạnh đó, hệ thống di tích lịch sử, văn hóa với hàng ngàn đình, đền, chùa, miếu mạo cùng kho tàng kiến trúc, mỹ thuật độc đáo như chùa Hương, chùa Một Cột, chùa Tây Phương (Hà Nội), chùa Bút Tháp, đền Đô (Bắc Ninh), chùa Keo (Thái Bình), chùa Cổ Lễ (Nam Định), chùa Bái Đính, cố đô Hoa Lư (Ninh Bình)… cũng khiến bao du khách phải trầm trồ. Đây cũng là quê hương của nhiều lễ hội truyền thống điển hình như lễ hội đền Trần, hội Gióng, hội Lim, lễ hội chùa Hương... cùng nhiều loại hình nghệ thuật đặc sắc như chèo, quan họ, hát văn, tuồng, múa rối nước...

Đồng bằng sông Hồng còn có rất nhiều di sản thế giới đã được UNESCO công nhận như: vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, bia đá các khoa thi tiến sĩ triều Lê và Mạc, hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc (Hà Nội), ca trù và quan họ Bắc Ninh. Đặc biệt, về hạ tầng, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh có cảng hàng không quốc tế. Cùng với đó, hệ thống giao thông trong vùng đồng bộ, kết nối rất thuận tiện giữa thị trường khách, điểm trung chuyển và điểm đến du lịch.

Được đánh giá là có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, nhất là du lịch văn hóa, tâm linh, sinh thái, nông nghiệp, cộng đồng… tuy nhiên, du lịch của vùng Đồng bằng sông Hồng vẫn chỉ chiếm một vị trí khiêm tốn trên bản đồ du lịch Việt Nam và chưa đủ hấp dẫn để du khách ở lại lâu, chi tiền nhiều.

Nguyên nhân được chỉ ra là do là sản phẩm du lịch còn trùng lặp, thiếu sản phẩm du lịch đặc thù. Hệ thống sản phẩm, dịch vụ du lịch chất lượng chưa cao. Sản phẩm vui chơi, giải trí nghèo nàn. Thiếu nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao… Ngoài việc thiếu một quy hoạch tầm vĩ mô, thiếu sự liên kết nội vùng, Đồng bằng sông Hồng còn thiếu những doanh nghiệp mạnh, kết nối “cuộc chơi” ở mỗi tỉnh. Bên cạnh đó, có những tỉnh lãnh đạo ngành cũng không quan tâm nhiều đến phát triển du lịch.

Vùng Đồng bằng sông Hồng: Liên kết tạo sức bật cho du lịch phát triển
Chùa Keo - Thái Bình

Trao đổi với Báo Công Thương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch - ông Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh, Đồng bằng sông Hồng là một trong 6 vùng du lịch của cả nước, là vùng có tiềm năng du lịch văn hoá, thiên nhiên đa dạng, nếu khai thác, phát huy tốt chắc chắn du lịch sẽ trở thành mũi nhọn cho cả vùng chứ không chỉ riêng của một địa phương nào.

“Nhắc đến vùng Đồng bằng sông Hồng là nói đến độ đậm đặc các giá trị văn hoá; là “thủ đô” của làng nghề, chùa chiền, lễ hội, các di tích lịch sử văn hoá hội tụ, cùng các giá trị cảnh quan, các di sản thiên nhiên thế giới được ghi danh… Song hiện tại khai thác tài nguyên văn hoá, cảnh quan để phát triển du lịch này chỉ mới có một số địa phương dù đây là thế mạnh nổi trội của vùng”- ông Tuấn cho hay.

Đánh giá về thực trạng phát triển du lịch của Đồng bằng sông Hồng, chuyên gia kinh tế, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh - ông Võ Trí Thành cũng cho rằng, trong giai đoạn phát triển nhất định, nhất là giai đoạn đầu của phát triển các nhà đầu tư thường lựa chọn những điểm đến có nguồn lực tài nguyên như di sản, thiên nhiên, hạ tầng phát triển để khai thác, hoạt động. Nên nhiều địa phương, trọng điểm du lịch đã có sự phát triển nổi trội hơn so với các địa phương của Đồng bằng sông Hồng là do các thuận lợi trong thu hút đầu tư.

Vùng Đồng bằng sông Hồng: Liên kết tạo sức bật cho du lịch phát triển
Cần tạo được thương hiệu, gia tăng liên kết đề du lịch Đồng bằng sông Hồng phát triển bứt phá

Tăng sức hút các nhà đầu tư vào du lịch

Trong Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định rõ: Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, bền vững, hội nhập quốc tế và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của vùng.

Với định hướng này, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch - ông Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh, các tỉnh trong vùng cần gắn kết, liên kết chặt chẽ hơn để bổ trợ nhau cùng phát triển du lịch. “Địa hình của vùng đã rất thuận lợi cho liên kết, nhất là mạng lưới giao thông đường bộ đã có bước phát triển mạnh mẽ… Hạ tầng đi trước một bước chính là cơ hội cho du lịch phát triển”- ông Tuấn đánh giá.

Trên cơ sở thuận lợi đó, theo ông Nguyễn Anh Tuấn, vùng Đồng bằng sông Hồng cần có quy hoạch tốt, thu hút đầu tư tốt… để phát huy các tiềm năng lợi thế của vùng. Đặc biệt, thúc đẩy liên kết quảng bá, xúc tiến sản phẩm, đào tạo nhân lực, nhất là liên kết chuỗi các nhà cung cấp dịch vụ du lịch với nhau tốt thì sẽ tạo ra gói sản phẩm dịch vụ hấp dẫn, cạnh tranh với khu vực quốc tế… “Ngoài ra, cần lưu ý coi trọng yếu tố chất lượng, uy tín… từ đó sẽ đưa du lịch của vùng phát triển nhanh, bền vững và có thể dẫn dắt cho các vùng khác phát triển”- ông Tuấn khuyến nghị thêm.

Từ thực trạnh phát triển du lịch của vùng, ông Võ Trí Thành cũng nêu rõ, không chỉ cả khu vực Đồng bằng sông Hồng, mà các tỉnh như Thái Bình, Nam Định, Hà Nam… và những tỉnh đi sau, du lịch phát triển còn nhạt trước hết phải lưu ý và tận dụng độ bão hoà của vùng đã khai thác du lịch; thứ hai phải tạo thương hiệu, vị thế thông qua thu hút được các nhà đầu tư lớn cũng như có quy hoạch tổng thể về phát triển du lịch của vùng.

Cùng với đó, theo ông Võ Trí Thành, du lịch muốn tạo dấu ấn ngoài lợi thế về di sản, lịch sử, văn hoá, thiên nhiên cũng rất cần có những công trình mới, có các sản phẩm chất lượng, dịch vụ tốt… “Tuy nhiên, quá trình tạo ra cái mới dễ mâu thuẫn và phá vỡ những cái cũ, do đó, các địa phương cần cái nhìn đa chiều, bắt nhịp với xu thế phát triển, hưởng thụ, trải nghiệm của cộng đồng, du khách để khai thác một cách hài hoà. Mặt khác quá trình thúc đẩy du lịch phát triển địa phương không nên quá vội vàng vì dễ bị xé lẻ, mau chóng suy giảm, thậm chí thui chột tài nguyên, lợi thế và dẫn tới khó tạo ra sức bật mạnh mẽ cho du lịch”- ông Thành nhấn mạnh.

Bảo Thoa

Theo: Báo Công Thương