Vừa thoái vốn chưa lâu, Yeah1 đã 'rục rịch' mua lại Y1D và Netlink

(Banker.vn) Công ty CP Tập đoàn Yeah1 (HOSE: YEG) vừa thông qua Nghị quyết HĐQT về việc nhận chuyển nhượng cổ phần tại Công ty CP Yeah1 Edigital (Y1D) và Công ty CP Truyền thông công nghệ Netlink Việt Nam (Netlink).

Hoàn nhập dự phòng 50 tỷ đồng, VNE 'thoát lỗ' ngoạn mục trong quý IV

'Mua đi bán lại'

Cụ thể, Yeah1 dự tính chi ra 128,7 tỷ đồng để nhận chuyển nhượng hơn 3,93 triệu cổ phần, tương đương 35% vốn điều lệ tại Y1D.

Đồng thời, Yeah1 cũng sẽ mua lại 63.000 cổ phần, tương đương 35% vốn điều lệ tại Netlink với giá 103 tỷ đồng.

Thời điểm tiến hành việc chuyển nhượng diễn ra từ ngày 8/2/2023 đến ngày 30/6/2023. Sau khi hoàn tất, Y1D và Netlink sẽ trở thành công ty liên kết của Yeah1. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022, Yeah1 đang sở hữu 19 công ty con trực tiếp và gián tiếp cùng 7 công ty liên kết.

Kế hoạch mua lại một phần Y1D và Netlink đã được Yeah1 dự tính vào cuối năm 2022. Khi ấy, Yeah1 tính toán phát hành 78,6 triệu cổ phiếu với mức giá 10.000/cổ phiếu, thu về 786,4 tỷ đồng. Công ty sẽ sử dụng 469 tỷ đồng mua cổ phần Y1D, Netlink cùng một loạt công ty khác, cũng như góp vốn vào một số đơn vị. Tuy nhiên, kế hoạch huy động vốn này lại không triển khai được.

Dù vậy, lãnh đạo Yeah1 vẫn quyết tâm dồn tiền mua lại một phần Y1D và Netlink. Lý do Yeah1 đưa ra là công ty buộc phải hoàn thiện hệ sinh thái, bao gồm việc đàm phán mua cổ phần/phần vốn góp của các công ty góp phần hoàn thiện hệ sinh thái, mua lại các mảng kinh doanh cốt lõi đã thoái vốn trong giai đoạn vừa qua (năm 2021).

Thực chất, Y1D và Netlink là hai đơn vị từng thuộc Yeah1 nhưng đã thoái toàn bộ vào cuối năm 2021. Nguyên nhân chủ yếu do Yeah1 cần giảm áp lực tài chính, bổ sung nguồn vốn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh do hậu quả của đại dịch Covid-19.

Được biết, Y1D có vốn điều lệ 112,5 tỷ đồng, địa chỉ tại tầng 8, tòa nhà Galleria, 258 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Võ Thị Sáu, Quận 3. Công ty được thành lập năm 2012 và hoạt động chính là xử lý dữ liệu, cho thuê và các hoạt động liên quan.

Theo định giá Công ty TNHH Định giá SSB Việt Nam, giá trị sở hữu 100% Y1D đang là 382,98 tỷ đồng. Trong khi đó, giá trị vốn chủ sở hữu tới 30/6/2022 là 175,5 tỷ đồng. Như vậy, giá trị định giá đang cao hơn giá trị sổ sách 207,48 tỷ đồng và bằng 2,18 lần giá trị sổ sách.

Yeah1
Yeah1 dự tính chi khoảng 231,7 tỷ đồng mua cổ phần của Y1D và Netlink. Ảnh minh hoạ

Còn Netlink được thành lập năm 2020, địa chỉ tại tầng 4, tòa nhà Star Tower, lô D32 Khu đô thị mới Cầu Giấy, phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội và hoạt động chính là bán lẻ các loại hàng hóa bằng phương thức khác chưa kể ở trên như bán trực tiếp hoặc chuyển phát theo địa chỉ, bán thông qua máy bán hàng tự động.

Netlink Việt Nam đang có vốn điều lệ 1,8 tỷ đồng và giá trị vốn chủ sở hữu là 5,33 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo định giá của Công ty TNHH Định giá SSB Việt Nam, giá trị sở hữu 100% vốn tại Netlink Việt Nam lên tới 344,94 tỷ đồng, bằng 64,72 lần giá trị sổ sách.

Kinh doanh 'lao dốc', thị giá trượt dài

Yeah1 từng là hiện tượng trên sàn chứng khoán khi đưa mã cổ phiếu YEG chào sàn HOSE vào tháng 6/2018 với mức giá lên tới 300.000 đồng/cổ phiếu, thuộc nhóm cổ phiếu đắt đỏ nhất trên thị trường chứng khoán. Đây cũng là công ty đầu tiên trong ngành truyền thông niêm yết trên sàn thời điểm đó với tham vọng đạt giá trị vốn hóa tỷ USD.

Tuy nhiên, "niềm vui ngắn chẳng tày gang", giá trị vốn hóa của Yeah1 lao dốc không phanh từ năm 2019 khi bị YouTube chấm dứt hợp tác mạng đa kênh vì những vi phạm trong quản lý nội dung. Sau “sự cố Youtube”, cổ phiếu YEG chứng kiến chuỗi lao dốc mạnh. Thị giá YEG hiện đã xuống dưới mệnh giá với 9.000 đồng/cổ phiếu, “bốc hơi” 97% so với đỉnh.

Không chỉ cổ phiếu lao dốc mà tình hình kinh doanh của Yeah1 cũng trượt dài. Năm 2019, doanh thu của Yeah1 đạt 1.457 tỷ đồng, chỉ bằng 73% kế hoạch đề ra và ghi nhận khoản lỗ 385 tỷ đồng.

Sang năm 2020, dù hoạt động kinh doanh được vực dậy đôi chút, song công ty tiếp tục lỗ ròng gần 182 tỷ đồng. Tháng 4/2020, cổ phiếu của Yeah1 bị đưa vào diện cảnh báo vì kinh doanh thua lỗ. Đến năm 2021, HOSE tiếp tục chuyển cổ phiếu YEG từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát do lỗ ròng hai năm liên tiếp.

Tháng 4/2022, cổ phiếu YEG thoát diện chứng khoán bị kiểm soát sau khi công ty này công bố báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2021 cho thấy, lợi nhuận sau thuế (LNST) công ty mẹ Yeah1 năm 2021 là 19,79 tỷ đồng và LNST chưa phân phối tại ngày 31/12/2021 là 20,54 tỷ đồng.

Trong năm 2021, YEG ghi nhận doanh thu giảm 7,7% so với cùng kỳ, đạt 1.125 tỷ đồng. Dù có 3 quý thua lỗ, nhưng quý IV/2021 nhờ doanh thu tài chính tăng đột biến khi thoái vốn công ty con, Yeah1 ghi nhận khoản lãi 276 tỷ đồng, chấm dứt chuỗi 4 quý thua lỗ liên tiếp và đưa LNST cả năm đạt hơn 20 tỷ đồng.

Việc có lãi trong năm 2021 cũng đã giúp Yeah1 không bị rơi vào tình trạng thua lỗ 3 năm liên tiếp và thoát được án hủy niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán.

Sang năm 2022, tình hình kinh doanh cực kỳ tồi tệ khi doanh thu sụt giảm 70% so với năm trước, còn 318,6 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế giảm 61%, còn 38 tỷ đồng.

Nguyễn Lê

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán