Vừa ''lọt lòng'' 2 tháng, doanh nghiệp trẻ ''đặt chỗ'' dự án 3.400 tỷ đồng ở Đồng Tháp

(Banker.vn) Không ngần ngại trước những tiêu chí khắt khe của chính quyền Đồng Tháp, thực chất, đằng sau Công ty TNHH Phát triển bất động sản Đồng Tháp là một thế lực lớn.
Đồng Tháp: Tiêu hủy lô vàng trang sức vi phạm ở TP. Sa Đéc Đồng Tháp: Lần thứ 16 lọt top địa phương có chất lượng điều hành tốt nhất Ngân hàng Nhật Bản tìm hiểu đầu tư tại Đồng Tháp

"Đặt chỗ" dự án 3.400 tỷ đồng

Mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp đã công bố kết quả mở hồ sơ đăng ký thực hiện dự án Khu dân cư Hòa Thành, huyện Lai Vung, ghi nhận một nhà đầu tư duy nhất quan tâm, nộp hồ sơ là Công ty TNHH Phát triển bất động sản Đồng Tháp (viết tắt là Công ty BĐS Đồng Tháp).

Thông tin về Khu dân cư Hòa Thành, huyện Lai Vung, đây là dự án có diện tích khoảng 58,71 ha với tổng mức đầu tư gần 3.407 tỷ đồng, trong đó sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án gần 3.112 tỷ đồng và chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư hơn 296 tỷ đồng.

Vừa ''lọt lòng'' 2 tháng, doanh nghiệp trẻ ''đặt chỗ'' dự án 3.400 tỷ đồng ở Đồng Tháp
Do giao thông phát triển chưa đồng bộ nên thị trường bất động sản Đồng Tháp chưa thu hút được dự án đầu tư lớn. (Ảnh minh họa)

Khu dân cư Hòa Thành, huyện Lai Vung có thời gian hoạt động là 50 năm và tiến độ thực hiện dự án tối đa là 60 tháng kể từ ngày lựa chọn được chủ đầu tư thực hiện dự án. Trong tương lai, dự án sẽ hình thành 1.210 lô đất ở liên kế, 246 lô đất ở biệt thự, khu thương mại dịch vụ và xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật... đáp ứng quy mô dân số khoảng 5.908 người.

Chính quyền tỉnh Đồng Tháp yêu cầu, nhà đầu tư phải là doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu tối thiểu hơn 511 tỷ đồng và có kinh nghiệm tham gia làm một dự án trong lĩnh vực khu đô thị, nhà ở thương mại, trụ sở, văn phòng làm việc, công trình thương mại, dịch vụ, công trình dân dụng có một hoặc nhiều công năng, dưới vai trò là bên góp vốn hoặc nhà thầu chính.

Trong trường hợp tham gia góp vốn chủ sở hữu, nhà chức trách Đồng Tháp quy định dự án đã làm trước đó phải được hoàn thành hoặc hoàn thành phần lớn trong vòng 7 năm trở lại và có tổng mức đầu tư tối thiểu gần 1.704 tỷ đồng, trong đó nhà đầu tư đã góp ít nhất gần 256 tỷ đồng. Còn nếu tham gia với vai trò nhà thầu chính xây lắp thì chỉ cần dự án đó được hoàn thành hoặc hoàn thành phần lớn trong vòng 5 năm trở lại và có giá trị tối thiểu hơn 933 tỷ đồng.

Đây vốn là những tiêu chí khắt khe, là thử thách rất khó đối với doanh nghiệp trẻ vừa thành lập như Công ty BĐS Đồng Tháp. Tuy nhiên, thực chất đằng sau pháp nhân mới mẻ này là một thương hiệu địa ốc lâu năm, giàu kinh nghiệm lẫn tiềm lực.

Lộ diện tập đoàn "tay to"

Theo tìm hiểu của Báo Công Thương, Công ty TNHH Phát triển Bất động sản Đồng Tháp được thành lập tháng 4/2024, có trụ sở tại TP. Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Doanh nghiệp có vốn sáng lập 550 tỷ đồng, là công ty con của Công ty TNHH Thái Sơn Long An Miền Nam - bên nắm giữ toàn bộ cổ phần.

Công ty TNHH Thái Sơn Long An Miền Nam được thành lập năm 2023, hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, có trụ sở tại huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Giám đốc kiêm đại diện pháp luật là ông Đỗ Hoàng Việt (SN 1979, ngụ tại Hưng Yên).

Trong khi đó, Giám đốc kiêm đại diện pháp luật của Công ty BĐS Đồng Tháp là bà Hoàng Minh Yến (SN 1979, ở Hà Nội). Cả hai doanh nhân đều được biết tới là nhân sự cốt cán có liên quan đến tập đoàn địa ốc đứng sau Công ty Cổ phần Thái Sơn - Long An.

Công ty Thái Sơn - Long An được thành lập năm 2009, hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng nhà ở, có trụ sở tại huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Theo báo cáo tài chính năm 2023 của Công ty Thái Sơn - Long An, tính đến cuối năm, doanh nghiệp này có vốn chủ sở hữu ở mức 2.923,5 tỷ đồng, tăng 78,4 tỷ đồng (tương đương tăng 2,8%) so với hồi đầu năm.

Cũng trong năm này, Công ty Thái Sơn - Long An ghi nhận mức lãi sau thuế 78,4 tỷ đồng, tăng 36,2% so với năm 2022. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) là 2,68%. Trước đó, trong năm 2022, doanh nghiệp này báo lãi 57,5 tỷ đồng, (ROE là 2,02%).

Hồi tháng 11/2021, Công ty Thái Sơn - Long An gây ấn tượng mạnh khi phát hành cùng lúc 2 lô trái phiếu TSLCH2129001 và TSLCH2129002, có tổng trị giá 8.700 tỷ đồng. Khi đó, thị trường trái phiếu đang bước đến giai đoạn phát triển cực thịnh, tăng trưởng rất nóng trước khi lâm vào trạng thái "đóng băng" sau khi những đại án tại Tập đoàn FLC và Tập đoàn Tân Hoàng Minh nổ ra vào tháng 3 - 4/2022.

Kỳ hạn trái phiếu của Công ty Thái Sơn - Long An là 96 tháng, sẽ đáo hạn vào tháng 11/2029. Số tiền xấp xỉ vạn tỷ đồng được doanh nghiệp sử dụng để đầu tư dự án Khu thương mại, biệt thự và chung cư cao cấp xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An với quy mô 267 ha, hay còn được gọi là dự án T&T City Millenia.

Công ty Thái Sơn - Long An đã sử dụng lô đất 267 ha nói trên để làm tài sản bảo đảm cho trái phiếu. Theo định giá của Công ty TNHH Thẩm định giá và Tư vấn Tài chính Việt Nam, số tài sản hình thành trong tương lai này lên tới 41.133 tỷ đồng. Mặt khác, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) và Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) là các bên tham gia thu xếp cho thương vụ huy động vốn này.

Trong quá trình phát triển dự án, Công ty Thái Sơn - Long An vướng vào một số trục trặc về dòng tiền, cho nên khoản lãi trở thành gánh nặng và có thời điểm vượt quá sức chịu đựng của doanh nghiệp.

Chưa thu xếp kịp thời nguồn vốn buộc doanh nghiệp phải cáo lỗi tới nhà đầu tư, chậm thanh toán lãi trong năm 2023. Tuy nhiên, việc chậm lãi của Công ty Thái Sơn - Long An được giữ kín, không ầm ĩ trên truyền thông, đến từ việc trái chủ chỉ là một tổ chức tín dụng trong nước.

Hoa Đông

Theo: Báo Công Thương