Vụ nghi ngộ độc bánh mì ở Đồng Nai: Có bệnh nhi tiên lượng xấu

(Banker.vn) Trong số khoảng 530 ca ngộ độc thực phẩm nghi sau khi ăn tại tiệm bánh mì cô Băng (Đồng Nai) có 5 bệnh nhi bị nặng, trong đó có bệnh nhi tiên lượng không tốt.
Vụ nghi ngộ độc bánh mì ở Đồng Nai: Đã có gần 530 người nhập viện Đồng Nai: Thông tin mới nhất vụ gần 450 người nhập viện nghi ngộ độc bánh mì ở Long Khánh Thủ tướng yêu cầu tập trung cứu chữa các bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm ở Đồng Nai

Ngày 4/5, ông Lê Quang Trung, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai cho biết, liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm sau khi ăn tại tiệm bánh mì cô Băng (số 148/18 đường Trần Quang Diệu, khu phố 2, phường Xuân Bình, TP. Long Khánh), trong 3 bệnh nhi bị bệnh nặng, kết quả xét nghiệm mẫu máu cho thấy các em bị nhiễm trùng E.coli.

Cũng theo ông Lê Quang Trung, dự kiến ngày mai (5/5) sẽ có kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm. Đến ngày 6/5, Sở Y tế Đồng Nai sẽ có báo cáo xem giữa kết quả nhiễm trùng E.coli khi xét nghiệm máu có phù hợp với kết quả xét nghiệm mẫu thức ăn hay không.

Bệnh nhi bị ngộ độc nặng nhất sau khi ăn bánh mì đã được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1 trong ngày 4/5. Ảnh: H.A
Bệnh nhi bị ngộ độc nặng nhất sau khi ăn bánh mì đã được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1 - Ảnh: H.A

Tính đến ngày 4/5, số ca bị ngộ độc sau khi ăn bánh mì tại TP. Long Khánh là khoảng 530 ca. Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đang điều trị 5 ca là các bệnh nhi bị bệnh nặng, trong đó có 3 ca đã tương đối ổn định và tình trạng đang tốt dần lên. Hiện, có 2 ca bệnh nhi vẫn đang phải thở máy, trong đó có 1 ca tiên lượng tốt và 1 ca tiên lượng không tốt, do bệnh nhi đã có giai đoạn bị ngưng tim trong quá trình cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh.

Trước đó, ngày 1/5, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh tiếp nhận một số bệnh nhân nhập viện với những triệu chứng ngộ độc thực phẩm. Các trường hợp nhập viện đều có điểm chung là ăn bánh mì thịt tại cơ sở bánh mì cô Băng trong khoảng thời gian từ 15h đến 19h ngày 30/4.

Trao đổi với cơ quan chức năng, chủ tiệm bánh mì cho biết về quy trình làm một số nguyên liệu và bảo quản nguyên liệu để bán bánh mì như: Thịt, làm pate (tự làm), ngò, dưa leo, đồ chua, nước sốt…

Theo chủ tiệm bánh mì, cơ sở này đã bán gần 20 năm nay và được nhiều người ở TP. Long Khánh biết đến. Nhưng thực phẩm gia đình lấy về để bán bánh mì hay thực phẩm tươi sống để chế biến, tự làm đều lấy từ “mối” quen nhiều năm nay. Trước nay cũng chưa xảy ra điều gì bất thường. Vì thế, sau khi xảy ra sự việc gia đình rất lo lắng.

Hiện cơ quan chức năng và ngành y tế tỉnh Đồng Nai vẫn đang tích cực cứu chữa cho các bệnh nhân và làm rõ sự việc.

Nguyễn Ngọc

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục