Vụ ''cấp lậu'' hơn 56.000 chứng chỉ IELTS: Quyết liệt thanh kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm

(Banker.vn) Từ vụ hơn 56.000 chứng chỉ IELTS do Công ty IDP Việt Nam cấp phép sai quy định, luật sư cho rằng, cần quyết liệt thanh kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm.
Hơn 56.000 chứng chỉ IELTS bị cấp sai quy định: IDP khẳng định vẫn được thế giới công nhận Bộ Giáo dục và Đào tạo nói gì về việc hơn 56.000 chứng chỉ IELTS chưa được cấp phép?

Cần bảo đảm quyền lợi của người được cấp chứng chỉ

Mới đây, thông tin từ Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, hơn 56.000 chứng chỉ IELTS do Công ty TNHH Giáo dục IDP Việt Nam (địa chỉ quận 3, TP.Hồ Chí Minh) tổ chức thi và cấp sai quy định trong năm 2022. Sau khi thông tin được công bố, nhiều phụ huynh, học sinh hoang mang lo lắng về kết quả chứng chỉ từ đơn vị trên.

Ngay sau đó, Công ty IDP đã phát đi thông báo về vấn đề về tính hợp lệ của chứng chỉ IELTS trong năm 2022. Theo đó, IDP khẳng định: “Các chứng chỉ được cấp trong giai đoạn này vẫn được hơn 12.000 tổ chức trên toàn thế giới công nhận. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp làm việc chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo như từ trước đến nay để đảm bảo tuân thủ theo mọi yêu cầu của cơ quan quản lý các cấp sở tại”.

Chiều 9/5, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài do các đơn vị liên kết tổ chức thi cấp, khi đáp ứng các điều kiện bảo đảm chất lượng, sẽ tiếp tục được sử dụng bình thường theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về thi, tuyển sinh và đào tạo, không ảnh hưởng tới quyền lợi của người được cấp chứng chỉ.

Tuy vậy, trước "sự cố" này, nhiều học sinh và sinh viên đã có chứng chỉ do IDP cấp vẫn như "ngồi trên đống lửa" vì đã dùng chứng chỉ này để xét tuyển đại học, nhiều em hiện đang là sinh viên năm nhất hoặc năm hai tại các trường đại học.

Vụ ''cấp lậu'' hơn 56.000 chứng chỉ IELTS: Quyết liệt thanh kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm
IDP khẳng định: “Các chứng chỉ được cấp trong giai đoạn này vẫn được hơn 12.000 tổ chức trên toàn thế giới công nhận".

Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Phạm Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương cho biết, với những thông tin như hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ không đứng ngoài cuộc mà sẽ có hướng dẫn cụ thể sau khi có kết luận.

Do đó, nhà trường sẽ chờ hướng dẫn của bộ để xác định các bước xử lý phù hợp với trường hợp thí sinh đăng ký xét tuyển, hoặc sinh viên đã trúng tuyển có sử dụng chứng chỉ này.

“Các bước xử lý đều sẽ dựa trên nguyên tắc bảo đảm quyền lợi của người học theo quy định. Nhà trường sẽ bảo đảm quyền lợi của người học, nhưng phải có cơ sở, do đó chúng tôi sẽ chờ hướng dẫn cụ thể của bộ” - PGS.TS Phạm Thu Hương nói.

Đồng quan điểm, chuyên gia giáo dục Hoàng Anh Đức cũng cho rằng, vấn đề này chỉ nên nhìn nhận ở góc độ lỗi về quản lý hành chính, thay vì không công nhận kết quả thi IELTS của thí sinh.

Vị chuyên gia cho biết, hiện nay tại Việt Nam, chỉ có hai đơn vị được phép triển khai tổ chức kỳ thi IELTS bao gồm Hội đồng Anh và IDP. Khi tổ chức, các đơn vị phải tuân thủ theo quy định của tổ chức IELTS quốc tế, đảm bảo trong quá trình thi mọi thứ đều được lưu trữ lại, bao gồm băng ghi âm, băng ghi hình thí sinh làm bài thi và trong lúc phỏng vấn. Những tài liệu này sẽ được lưu trữ vài năm.

Theo chuyên gia Hoàng Anh Đức, để đảm bảo được sự công bằng cho tất cả thí sinh, cơ quan quản lý Nhà nước mà ở đây là Bộ Giáo dục và Đào tạo nên xem xét vụ việc ở góc độ "lỗ hổng" về mặt quản lý, còn về mặt chất lượng của các kỳ thi vẫn đảm bảo theo các quy định, theo đó vẫn nên công nhận kết quả cho thí sinh.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm

Ở góc độ pháp lý, trao đổi với Báo Công Thương, luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, việc Công ty TNHH Giáo dục IDP Việt Nam cấp chứng chỉ cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam khi chưa được cấp phép về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài là vi phạm các quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục và đều có mức áp dụng xử lý cụ thể.

Đối với trường hợp những người được cấp chứng chỉ, căn cứ theo Luật Giáo dục 2019 và các văn bản khác có liên quan thì hiện tại pháp luật không có quy định vào về trường hợp và hướng xử lý đối với cá nhân sử dụng văn bằng, chứng chỉ tiếng anh (chứng chỉ IELTS) của nước ngoài được cấp trái phép.

Tuy nhiên, việc hướng dẫn xác minh chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài đã được quy định tại Công văn số 889/QLCL-QLVBCC ngày 09/6/2023.

"Do đó, đối với phương án xử lý trường hợp học sinh, sinh viên sử dụng chứng chỉ IELTS cấp trái phép để xét tuyển đại học thì sẽ tùy vào quyết định cụ thể của từng trường, tuy nhiên cần phải bảo đảm quyền lợi của học sinh, sinh viên và đồng thời phải phù hợp với hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo" - luật sư Trần Xuân Tiền nêu.

Luật sư chỉ ra, nếu sau khi Cục Quản lý chất lượng - Bộ giáo dục và đào tạo kiểm tra chất lượng của các bài thi tại IDP, xét thấy các bài thi này đảm bảo và đáp ứng được các điều kiện về chất lượng thì các thí sinh có thể sử dụng kết quả IELTS theo quy định của pháp luật về thi, tuyển sinh và đào tạo.

Nếu việc cấp các chứng chỉ trên không được đảm bảo về chất lượng theo quy định thì tùy vào tính chất, mức độ và yêu cầu của các cơ sở đào tạo - nơi tiếp nhận các chứng chỉ này sẽ có biện pháp phù hợp về việc không chấp nhận chứng chỉ,.... Đồng thời Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đề ra biện pháp xử lí đối với các chứng chỉ không đảm bảo chất lượng.

Luật sư Tiền cho biết, để hạn chế tình trạng cấp văn bằng, chứng chỉ sai quy định cần phải có sự thanh tra, kiểm tra phối kết hợp giữa cơ quan nhà nước đặc biệt là Bộ Giáo dục và Đào tạo, các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này.

Đồng thời, nâng cao và tăng cường giám sát hoạt động của các đơn vị, tổ chức thực hiện đào tạo, liên kết đào tạo, tổ chức thi và cấp chứng chỉ, văn bằng; có cơ chế kiểm tra chéo, xác định rõ được trách nhiệm và chế tài xử lý nghiêm khi xảy ra sai phạm.

Trường hợp phát hiện sai phạm cần kịp thời xử lý không để kéo dài dẫn đến hết thời hạn xử lý hành chính như trường hợp trên.

"Mặt khác, các cá nhân khi lựa chọn cơ sở học và thi các loại chứng chỉ cần lựa chọn những cơ sở uy tín, kiểm tra, tìm hiểu kỹ về cơ sở đó để tránh trường hợp học thật, mất tiền thật nhưng kết quả không đảm bảo, thậm chí không sử dụng được" - luật sư Tiền khuyến cáo.

Đỗ Nga

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục