Vụ án gỗ trắc ở Quảng Trị: Toà bác đơn kiện Hải quan của doanh nghiệp

(Banker.vn) Trong “vụ án gỗ trắc” tại Quảng Trị, phía Công ty TNHH Ngọc Hưng đã khởi kiện Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan để yêu cầu trả lại 59,6 tỉ đồng trong phiên toà
Bắt lô gỗ trắc trị giá hàng tỷ đồng Viện trưởng Lê Minh Trí: Đây là lần thứ 10, tôi trả lời về vụ án gỗ trắc

Theo đó, chiều 7/9, TAND tỉnh Quảng Trị đã kết thúc phiên tòa hành chính sơ thẩm xét xử vụ Công ty TNHH MTV Ngọc Hưng (thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) kiện Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan liên quan đến "kỳ án" buôn lậu gỗ trắc kéo dài hơn 10 năm qua.

Tại phiên toà, phía Hội đồng xét xử cho rằng Công ty TNHH MTV Ngọc Hưng đã có hành vi mua bán, vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu không có chứng từ hợp pháp trong địa bàn hoạt động của hải quan. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ra quyết định tịch thu hơn 59 tỉ đồng của Công ty TNHH MTV Ngọc Hưng là đúng quy định. Do đó, hội đồng xét xử đã tuyên bác yêu cầu khởi kiện của công ty này.

Đơn của Công ty TNHH MTV Ngọc Hưng có nội dung khởi kiện quyết định của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan tịch thu số tiền hơn 59 tỉ đồng của công ty này vào ngày 5/11/2019. Công ty TNHH MTV Ngọc Hưng đề nghị TAND tỉnh Quảng Trị hủy bỏ quyết định tịch thu tang vật vi phạm hành chính số 3241 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan. Đồng thời yêu cầu Tổng cục Hải quan trả lại cho công ty số tiền này...

Cụ thể vụ việc như sau: Ngày 17/12/2011, Công ty Ngọc Hưng nhập lô gỗ gần 535,8 m³ (gỗ trắc và gỗ giáng hương) từ Lào qua cửa khẩu Lao Bảo được làm thủ tục hải quan ở cảng Cửa Việt để xuất sang Trung Quốc. Lô gỗ này được Hải quan cửa khẩu Lao Bảo kiểm tra, xác nhận thông quan. Sau đó, công ty này tiếp tục mở tờ khai hàng hóa xuất khẩu để xuất số gỗ nói trên từ Việt Nam sang Hong Kong, Trung Quốc. Tờ khai này cũng được hải quan xác nhận thông quan. Số gỗ đã được niêm phong và chuyển đến cảng Tiên Sa (Đà Nẵng).

Vụ án gỗ trắc ở Quảng Trị: Toà bác đơn kiện Hải quan của doanh nghiệp
Trong “vụ án gỗ trắc” tại Quảng Trị, phía Công ty TNHH Ngọc Hưng đã khởi kiện Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan để yêu cầu trả lại 59,6 tỉ đồng trong phiên toà

Tuy nhiên, ngày 30/12/2011, Tổng cục Hải quan có công văn yêu cầu Cục Hải quan TP Đà Nẵng, Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị dừng làm thủ tục thông quan đối với lô hàng. Toàn bộ hồ sơ cùng hàng hóa được giao cho Cục Điều tra chống buôn lậu thuộc Tổng cục Hải quan.

Cụ thể, khi vận chuyển vào cảng Tiên Sa (TP. Đà Nẵng) thì bị Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) phát hiện, khởi tố vụ án. Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra (khi đó là C44) Bộ Công an đã khởi tố các bị can có liên quan. Trong quá trình điều tra vụ án, C44 đã bán đấu giá lô gỗ vật chứng với gần 64 tỷ đồng và đây chính là điểm được coi là mấu chốt của kỳ án này. Sau các phiên xử sơ thẩm bị kháng cáo, TAND cấp cao tại TP Đà Nẵng đã mở phiên xử phúc thẩm. Hội đồng xét xử quyết định khối lượng hàng buôn lậu chỉ là gần 80m3 gỗ trắc và gỗ giáng hương. Số gỗ này có trị giá hơn 4 tỉ đồng (đã bị bán đấu giá) và bị tịch thu nộp ngân sách nhà nước. Số gỗ còn lại trong lô gỗ trị giá hơn 59,6 tỉ đồng.

Tuy nhiên do không có cơ sở để kết luận các bị cáo "buôn lậu" nên hội đồng xét xử phúc thẩm quyết định "chuyển cho Tổng cục Hải quan để xem xét, xử lý về hành vi vi phạm hành chính do Công ty Ngọc Hưng khai sai với thực tế về tên hàng".

Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 26/7/2019, Toà án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đã phạt bị cáo Trương Huy Liệu (cựu Phó Giám đốc Công ty Ngọc Hưng) 7 năm tù và vợ là Trần Thị Dung (cựu Giám đốc Công ty Ngọc Hưng) 3 năm tù cho hưởng án treo, cùng về tội buôn lậu; hai bị cáo là cựu cán bộ hải quan mỗi người chín tháng tù cho hưởng án treo, cùng về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo quan điểm của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, kỳ án “Buôn lậu gỗ trắc” là vụ án “2 trong 1”: Thứ nhất, vụ án buôn lậu, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; vụ này đã xét xử sơ thẩm, phúc thẩm. Thứ hai là vụ án liên quan đến việc xử lý vật chứng trái pháp luật của cơ quan điều tra.

Theo đó, Công ty TNHH Ngọc Hưng cho rằng số tiền 59,6 tỉ đồng này là tài sản hợp pháp của mình. Ngoài ra, đây là số tiền TAND cấp cao tại Đà Nẵng tuyên không có hành vi buôn lậu. Tang vật của vụ án không thuộc loại hàng hóa bị cấm lưu hành nên đã khởi kiện.

Đặc biệt, trong phiên tòa lần này có sự theo dõi trực tiếp của ông Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội - cùng một số đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị. Vụ án này cũng đã làm nóng nghị trường Quốc hội trước đó khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về vụ án “Buôn lậu gỗ trắc" ở Quảng Trị, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết: “Tôi trả lời lần này là lần thứ 10 đây”.

Kiều Anh

Theo: Báo Công Thương