Vụ 5 lô hàng nông sản nghi bị lừa đảo tại Dubai - UAE: Cần thận trọng trong giao thương quốc tế

(Banker.vn) Vụ 5 lô hàng nông sản nghi bị lừa đảo tại Dubai - UAE một lần nữa cho thấy doanh nghiệp phải thực sự cẩn trọng trong giao thương quốc tế.
Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam thông tin về 5 lô hàng nông sản bị nghi lừa đảo tại Dubai – UAE Bộ Công Thương vào cuộc vụ nghi bị lừa đảo trong xuất khẩu điều nhân tại UAE

Chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương - Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại - Bộ Công Thương chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.

Vụ 5 lô hàng nông sản nghi bị lừa đảo tại Dubai - UAE: Cần thận trọng trong giao thương quốc tế
Chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương - Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại - Bộ Công Thương

Thưa ông, theo phản ánh của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, vừa qua đã có 5 lô hàng nông sản và gia vị xuất khẩu sang thị trường Dubai – UAE nghi bị lừa đảo. Đây không phải là lần đầu tiên doanh nghiệp Việt Nam gặp phải tình trạng này. Vậy ông chia sẻ gì về những rủi ro của doanh nghiệp Việt trong giao thương quốc tế hiện nay?

Phải khẳng định rằng thương mại quốc tế càng phát triển thì các rủi ro liên quan đến thương mại càng nhiều, như rủi ro bị lừa đảo, rủi ro trong thanh toán… Thực tế, trong những năm gần đây, những vụ lừa đảo quốc tế không hiếm và đã lan rộng ra khắp khắp nơi. Nếu như trước đây, các vụ lừa đảo chỉ diễn ra nhiều ở khu vực châu Phi, Trung Đông thì nay đã lan ra cả các thị trường lớn và truyền thống như EU. Trong đó câu chuyện 100 container điều bị lừa ở thị trường Italia năm ngoái là minh chứng.

Các vụ lừa đảo hầu như đều xuất phát từ việc doanh nghiệp chưa tìm hiểu kỹ hoặc quá tin tưởng vào đối tác. Trong khi đó, nhiều đối tượng nước ngoài có sự lừa đảo khá tinh vi, khiến doanh nghiệp dễ dàng tin tưởng, nhất là trong bối cảnh xuất khẩu gặp khó khăn, ít đơn hàng như hiện nay.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp chưa có được mối quan hệ mật thiết với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để nhờ họ cung cấp thông tin về các đối tác. Do đó rủi ro là rất lớn.

Vụ 5 lô hàng nông sản nghi bị lừa đảo tại Dubai - UAE: Cần thận trọng trong giao thương quốc tế
5 lô hàng nông sản và gia vị xuất khẩu sang thị trường Dubai – UAE nghi bị lừa đảo

Các doanh nghiệp luôn được khuyến cáo là chú trọng khâu thanh toán quốc tế, nên bảo lãnh qua ngân hàng. Nhưng vụ việc 5 lô hàng nông sản và gia vị xuất khẩu sang thị trường Dubai – UAE nghi bị lừa đảo vừa qua cho thấy dù doanh nghiệp đã chọn một phương thức thanh toán qua ngân hàng là Nhờ thu hộ D/P (tức là bộ chứng từ xuất khẩu sẽ được ngân hàng người bán giao tới ngân hàng người mua, sau đó người mua tới ngân hàng người mua thanh toán tiền), song vẫn gặp rủi ro. Vậy ông có lời khuyên gì với doanh nghiệp trong trường hợp này?

Vẫn phải nói rằng việc lừa đảo trong giao thương hiện nay ngày càng tinh vi. Trong bối cảnh công nghệ đang phát triển như vũ bão, trí tuệ nhân tạo ngày càng có bước phát triển mới, doanh nghiệp lại càng dễ vướng phải rủi ro, không chỉ ngoài nước mà cả trong nước, không chỉ giao thương mà cả trong cả cuộc sống hàng ngày.

Trong bối cảnh này, để đảm bảo loại trừ 100% rủi ro là không thể. Do đó, doanh nghiệp chỉ có thể giảm thiểu rủi ro bằng cách nâng cao cảnh giác, tự bảo vệ chính mình.

Bên cạnh đó, tạo mối quan hệ mật thiết với các cơ quan đại diện thương mại Việt Nam ở nước ngoài để có được thông tin về các bạn hàng đáng tin cậy, đặc biệt là ở các thị trường quá xa mà doanh nghiệp ít tiếp xúc. Khi xuất khẩu hàng hóa đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay lại càng cần thận trọng khi có các đơn hàng mới.

Ngoài ra, lựa chọn các phương thức thanh toán thông qua các ngân hàng vì tạm thời, đây vẫn là phương án ít rủi ro nhất.

Ông có chia sẻ gì về vai trò của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong việc hỗ trợ doanh nghiệp phòng chống tối đa các rủi ro trong giao thương hiện nay?

Từ vụ việc 100 container điều bị lừa đảo ở Italia năm ngoái, có thể thấy vai trò của các cơ quan đại diện thương mại Việt Nam ở nước ngoài là vô cùng quan trọng. Khi có vụ việc xảy ra, các đại diện thương mại đã đến tận nơi, hỗ trợ điều tra và giúp các doanh nghiệp lấy lại các container hàng bị mất.

Hiện nay, Việt Nam đã có đại diện thương mại ở rất nhiều thị trường, là kênh thông tin hữu ích cho doanh nghiệp. Tuy nhiên hiện nay, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài còn nhiều khó khăn như nhân sự thiếu, kinh phí hạn chế… Trong khi lượng công việc rất nhiều, từ cung cấp thông tin đến xúc tiến thương mại, rồi hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp…

Do đó, một mặt, tôi cho rằng các Hiệp hội, doanh nghiệp cần tích cực tạo lập mối quan hệ chặt chẽ với các cơ quan đại diện thương mại Việt Nam ở nước ngoài để có được thông tin về các bạn hàng ở nước ngoài. Mặt khác, nhà nước cũng cần có thêm cơ chế hỗ trợ cho các cơ quan đại diện thương mại Việt Nam tại nước ngoài để nâng cao năng lực hơn nữa, hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, hiện nay Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia nằm trong Top đầu về thương mại quốc tế. Do đó, rủi ro trong giao thương quốc tế cũng rất nhiều. Nếu như xảy ra các vụ việc lừa đảo thương mại quốc tế thì sẽ không chỉ cần vai trò của các cơ quan đại diện thương mại hay Bộ Công Thương trợ giúp mà cần tổng hòa sự vào cuộc của các Bộ ngành khác như Bộ Công an, Bộ Ngoại giao để chung tay hỗ trợ cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Xin cảm ơn ông!

Mới đây, Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) và Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (PVA) có thông báo gửi các doanh nghiệp thông tin về vụ việc nghi bị lừa đảo trong xuất khẩu điều nhâ, hồ tiêu sang Dubai thuộc các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).

Ngay sau khi nhận được thông tin về vụ việc và báo cáo của Thương vụ Việt Nam tại UAE, Bộ Công Thương đã có Công hàm số 1465/AP-TACP ngày 21/7/2023 gửi Đại sứ quán UAE tại Hà Nội đề nghị Đại sứ quán thông báo với các cơ quan có thẩm quyền liên quan xem xét và xử lý vụ việc.

Thương vụ Việt Nam tại UAE cho biết, đã nhận được công văn trình báo của một số doanh nghiệp Việt Nam với cùng nội dung, cùng tố cáo một đơn vị nhập khẩu tại UAE và cùng ngân hàng nhờ thu tại Dubai lừa ký hợp đồng mua quế, tiêu và điều.

Ngay sau khi nhận được công văn trình báo của các doanh nghiệp, Thương vụ đã có Công hàm gửi Bộ Ngoại giao UAE, Cảnh sát Dubai, Ngân hàng Trung ương UAE và một số ngân hàng cũng như hãng tàu có liên quan.

Thương vụ cũng tiến hành làm việc với một số đơn vị như chi nhánh ngân hàng có liên quan tại Dubai; cảnh sát Dubai và nộp hồ sơ trình báo về vụ việc; hãng tàu và cơ quan chức năng của cảng Jebel Ali.

Phương Lan thực hiện

Theo: Báo Công Thương