Vụ 100 tấn thực phẩm chức năng giả: Bộ Y tế nói gì?

(Banker.vn) Bộ Y tế phối hợp Công an TP. Hà Nội điều tra vụ 100 tấn thực phẩm chức năng giả, khuyến cáo người dân không sử dụng sản phẩm nghi vấn để bảo vệ sức khỏe.
Triệt phá đường dây sản xuất 100 tấn thực phẩm chức năng giả Hà Nội: Phá đường dây sản xuất hơn 100 tấn thuốc, thực phẩm chức năng giả

Ngày 18/5, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, đang phối hợp với Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP. Hà Nội để cung cấp thông tin liên quan đến các sản phẩm công bố là thực phẩm bảo vệ sức khỏe của các công ty có liên quan trong vụ đường dây sản xuất hàng giả vừa bị phát hiện.

Theo Cục An toàn thực phẩm, việc phối hợp nhằm phục vụ công tác điều tra, xác minh và làm rõ các sản phẩm đã bị cơ quan chức năng thu giữ.

Vụ 100 tấn thực phẩm chức năng giả, Hàng loạt các loại thuốc, thực phẩm chức năng năng giả vừa bị Công an thành phố Hà Nội triệt phá. Ảnh: C.A
Hàng loạt các loại thuốc, thực phẩm chức năng giả vừa bị Công an TP. Hà Nội triệt phá. Ảnh: Công an TP. Hà Nôi

Trong thời gian vụ việc đang được xử lý, Cục khuyến cáo người tiêu dùng không mua, không sử dụng các sản phẩm liên quan mà hình ảnh đã được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. Việc này nhằm tránh nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe và thiệt hại về kinh tế.

Cục An toàn thực phẩm cho biết, sau khi có kết luận chính thức từ phía Công an TP. Hà Nội, danh sách các sản phẩm bị xác định là giả sẽ được đăng tải công khai trên website của Cục để người tiêu dùng biết và chủ động phòng tránh.

Trước khi vụ việc bị Công an TP. Hà Nội phát hiện, ngày 5/5, Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 2657/BYT-ATTP gửi các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường quản lý an toàn thực phẩm và ngăn ngừa thực phẩm giả.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 41/CĐ-TTg ngày 17/4/2025 về xử lý tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh và thực phẩm bảo vệ sức khỏe, ngày 18/4, Cục An toàn thực phẩm đã tiếp tục ban hành Công văn số 790/ATTP-SP.

Văn bản này được gửi đến các Sở Y tế, Ban Quản lý An toàn thực phẩm và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tại các địa phương, yêu cầu tăng cường hậu kiểm và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương mở đợt tấn công từ ngày 15/5 đến 15/6 ngăn tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm bản quyền, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với thuốc, mỹ phẩm, thiết bị y tế.

Các nhà khoa học, nhà quản lý ngành y tế được yêu cầu ký cam kết không quảng cáo, giới thiệu thông tin sai lệch, thiếu cơ sở và căn cứ khoa học, phóng đại tính năng, công dụng của sản phẩm khi chưa xác minh kỹ tài liệu pháp lý liên quan. Họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu có hành vi quảng cáo gian dối.

Trước đó, ngày 16/5, Phòng Cảnh sát Kinh tế (PC03), Công an TP. Hà Nội đã triệt phá một đường dây sản xuất và buôn bán hàng giả quy mô lớn, thu giữ khoảng 100 tấn thực phẩm chức năng và thiết bị y tế giả.

Đường dây này do Phạm Ngọc Tiến và vợ là Đoàn Thị Nguyệt (cùng sinh năm 1988, cư trú tại số 1, LK 11, Khu đô thị Xa La, phường Phúc La, quận Hà Đông, Hà Nội) cầm đầu.

Theo đó, các đối tượng khai đã thành lập 17 công ty, trong đó có 6 công ty có chức năng nhập khẩu hàng hóa, 11 công ty có chức năng phân phối hàng hóa trong nước.

Nguyên Thảo

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục