VPBank định ngày chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức tỷ lệ 62,15%

(Banker.vn) Được biết, sau khi tăng vốn, VPBank còn có kế hoạch phát hành riêng lẻ 15% cho cổ đông nước ngoài và nếu kế hoạch này thành công thì VPBank sẽ vươn lên thành ngân hàng có vốn cao nhất hệ thống.

Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vừa có nghị quyết về việc chốt danh sách cổ đông để thực hiện phát hành cổ phiếu chi trả cổ tức và phát hành cổ phiếu tăng vốn bằng nguồn vốn chủ sở hữu.

Theo đó, ngân hàng sẽ phát hành hơn 1,975 tỷ cổ phiếu để tăng vốn, trong đó hơn 1,53 tỷ cổ phiếu để chi trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 62,15% và 440 triệu cổ phiếu phát hành từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ gần 17,5%. Số tiền thu về dự kiến là hơn 19.750 tỷ đồng.

Ngày chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức và tăng vốn bằng phát hành từ vốn chủ sở hữu là ngày 8/10/2021. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 7/10.

Hiện vốn điều lệ của VPBank ở mức 25.300 tỷ đồng, sau khi thực hiện kế hoạch tăng vốn lần này, VPBank sẽ nâng vốn điều lệ lên trên 45.000 tỷ đồng, đứng thứ 2 trong hệ thống chỉ sau Vietinbank, và vượt xa loạt ngân hàng như BIDV, Vietcombank, Techcombank.

Được biết, sau khi tăng vốn, VPBank còn có kế hoạch phát hành riêng lẻ 15% cho cổ đông nước ngoài và nếu kế hoạch này thành công thì VPBank sẽ vươn lên thành ngân hàng có vốn cao nhất hệ thống.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VPB của VPBank từng đạt kỷ lục hơn 74.000 đồng, sau đó sụt giảm về vùng 59.000 - 60.000 đồng/cổ phiếu. Từ khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho tăng vốn, VPB đã bật trở lại và hiện ở mức 67.000 đồng/cổ phiếu.

Diễn biến giá cổ phiếu VPB thời gian gần đây (Nguồn: TradingView)

6 tháng đầu năm 2021, VPBank ghi nhận lợi nhuận hợp nhất trước thuế hơn 9.000 tỷ đồng, tăng 37,2% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó ngân hàng riêng lẻ đóng góp 88% vào lợi nhuận hợp nhất. Với kết quả này, sau nhiều quý liên tục cải thiện, tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) của VPBank lần đầu tiên đạt tới 3,3%, tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 25,7%, là những chỉ số hiệu quả hàng đầu hệ thống các NHTM Việt Nam hiện nay.

Tính đến cuối quý 2/2021, VPBank tiếp tục duy trì tỷ lệ an toàn vốn (CAR) ở mức cao 12,3% theo tiêu chuẩn Basel II. Chi phí dự phòng hợp nhất nửa đầu năm tăng mạnh 35% cùng kỳ năm 2020, nhờ đẩy mạnh xử lý nợ xấu và nâng cao trích lập dự phòng rủi ro.

Tại ngày 30/6/2021, tỷ lệ nợ xấu (NPL) hợp nhất của VPBank được kiểm soát ở 2,94%, tại ngân hàng riêng lẻ ở 1,73%.

Anh Khôi

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán