Vốn tín dụng góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn tại Quảng Ngãi

(Banker.vn) Ngày 16/12/2021, ông Đào Minh Tú - Thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có buổi làm việc trực tuyến với Tỉnh ủy Quảng Ngãi tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Tham dự buổi làm việc, tại điểm cầu NHNN có đại diện: Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam; lãnh đạo một số Vụ, Cục, đơn vị thuộc NHNN, Lãnh đạo 4 NHTM Nhà nước; tại điểm cầu Tỉnh ủy Quảng Ngãi có đồng chí Đặng Ngọc Huy – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi cùng đại diện: Lãnh đạo UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên quan; lãnh đạo tổ chức chính trị - xã hội; lãnh đạo NHNN Chi nhánh tỉnh, một số chi nhánh ngân hàng trên địa bàn; lãnh đạo UBND huyện/xã…

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh, nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn có vị trí chiến lược và là lĩnh vực trọng tâm trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta. Do đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đến nay, sau 13 năm triển khai thực hiện, với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và sự chung sức, đồng lòng của người dân, doanh nghiệp, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, nông nghiệp đã trở thành trụ đỡ của nền kinh tế, nông thôn mới trở thành phong trào phát triển trên cả nước, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao.

Tại Hội nghị, đại diện Tỉnh ủy Quảng Ngãi cho biết, sau 13 năm triển khai Nghị quyết 26-NQ/TW theo Đề cương và yêu cầu của Ban Chỉ đạo tại Kế hoạch số 08-KH/BCĐ, tỉnh Quảng Ngãi đã đạt được một số kết quả, tập trung ở các khía cạnh sau: Tốc độ tăng trưởng kinh tế khu vực nông, lâm, thủy sản năm sau tăng cao hơn năm trước, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2008-2020 là 5,58% (cao hơn mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết 26 của Trung ương là 3,5%-4%/năm và tốc độ tăng trưởng bình quân ngành này toàn quốc – 2,94%). Cơ cấu kinh tế nội ngành nông nghiệp chuyển dịch theo hướng nông nghiệp giảm, lâm nghiệp và thủy sản tăng, phát huy lợi thế so sánh và thị trường tiêu thụ của địa phương.

Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh đã có 89/148 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 60% (cao hơn mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết 26 của Trung ương là 50%, tiệm cận tỷ lệ này của toàn quốc là 62,4%). Tỷ lệ hộ nghèo chung của tỉnh năm 2020 là 6,41% (cao hơn mức 2,75% của cả nước và mức 3,95% của khu vực Duyên hải miền Trung) nhưng ghi nhận nỗ lực giảm nghèo mang tính bền vững, hạn chế tối đa tái nghèo của tỉnh, giảm 14,59% từ mức 21% của năm 2008. Bình quân giai đoạn 2011-2015, mỗi năm giảm 2,94%, giai đoạn 2016-2020 mỗi năm giảm 1,76%, đều đạt các mục tiêu đề ra.

Thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn cuối năm 2020 đạt mức 65,4 triệu đồng (thấp hơn mức bình quân của cả nước 80,4 triệu đồng), tăng gấp 72,6 lần so với năm 2008 (cao hơn nhiều mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết 26 của Trung ương là gấp 2,5 lần). Chênh lệch thu nhập giữa nông thôn và thành thị được thu hẹp dần, cuối năm 2020 là 1,7 lần. Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 80%. Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 210 hợp tác xã, 18 tổ hợp tác nông nghiệp với doanh thu trung bình của mỗi HTX là 1,5 tỷ đồng/năm, lợi nhuận trước thuế trung bình là 75 triệu đồng/năm…

Toàn cảnh buổi làm việc

Chia sẻ kết quả thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh tại Hội nghị, đại diện NHNN Chi nhánh Quảng Ngãi cho biết, trong 13 năm qua, nguồn vốn huy động đã tăng hơn 11 lần, tín dụng tăng gần 7 lần, đã cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu vốn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Trong đó, dư nợ tín dụng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn có tốc độ tăng trưởng tốt qua các năm với mức tăng bình quân chung đạt 22,4% (cao hơn tăng trưởng tín dụng bình quân lĩnh vực này của cả nước là 18,59%), những năm gần đây luôn chiếm tỷ trọng lớn (năm 2020 gần 43%) trong tổng tín dụng chung của tỉnh, dư nợ trung, dài hạn luôn chiếm trên 50%. Đặc biệt, vốn tín dụng cũng góp phần hỗ trợ phát triển một số mặt hàng nông sản thế mạnh của tỉnh, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ nông nghiệp, nông thôn như thủy sản (đạt 2.746 tỷ đồng, chiếm 12%), chăn nuôi (đạt 3.755 tỷ đồng, chiếm 16%) và một số mặt hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao như lúa gạo (tăng trưởng 2020 so với năm 2019 là 42%), rau quả (tăng 38%), mía (tăng 69%)... Vốn tín dụng cũng đã góp phần quan trọng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh, với tổng dư nợ cho vay xây dựng nông thôn mới trên địa bàn đến nay đạt 4.703 tỷ đồng.

Bên cạnh hoạt động tín dụng thương mại, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng tích cực cho vay ưu đãi phục vụ phát triển sản xuất, tạo việc làm và đáp ứng nhu cầu đời sống thiết yếu của hộ nghèo và các đối tượng chính sách, góp phần giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội của địa phương.

Kết luận Hội nghị, thay mặt Ban Chỉ đạo Trung ương, Phó Thống đốc Đào Minh Tú ghi nhận sự chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ngãi để đảm bảo tiến độ tổng kết Nghị quyết theo Kế hoạch và yêu cầu của Ban Chỉ đạo.

Theo Phó Thống đốc, tỉnh Quảng Ngãi vẫn còn những khó khăn, tồn tại sau quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW. Để định hướng và đưa ra những giải pháp phù hợp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn mới, Phó Thống đốc đề nghị Tỉnh uỷ tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục bám sát định hướng tại các văn kiện Đại hội XIII của Đảng, với mục tiêu xây dựng “nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh” để đề xuất quan điểm, chủ trương, thể chế thực hiện cho giai đoạn mới...

Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định: “Nông nghiệp, nông thôn và nông dân vẫn luôn là lĩnh vực được NHNN và ngành Ngân hàng quan tâm, chú trọng đầu tư vốn tín dụng. Tín dụng và dịch vụ ngân hàng sẽ tiếp tục là giải pháp và là nguồn lực quan trọng trong thực hiện các chủ trương, chính sách, mục tiêu của Đảng, Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Bên cạnh đó, phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân còn là đối tượng, là mục tiêu của Chiến lược tài chính toàn diện Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nhằm hướng tới một nền kinh tế bao trùm, bền vững”.

Tại buổi làm việc, Phó Thống đốc yêu cầu NHNN chi nhánh tỉnh Quảng Ngãi cần nắm bắt kịp thời các chương trình phát triển kinh tế tại địa phương để kịp thời chỉ đạo các TCTD cho vay, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Thực hiện tốt chương trình kết nối ngân hàng- doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt khó khăn của người dân và có giải pháp hỗ trợ phù hợp, tạo điều kiện tăng khả năng tiếp cận vốn.

Bên cạnh đó, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng mong muốn và đề nghị Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục chỉ đạo các Sở, Ban ngành phối hợp chặt chẽ với ngành Ngân hàng trên địa bàn thực hiện tốt các chủ trương, định hướng, triển khai đồng bộ các chính sách phát triển nhanh, bền vững kinh tế xã hội của địa phương nói chung, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn nói riêng để tạo hiệu ứng lan tỏa.

TH

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
    Bài cùng chuyên mục