Vốn điều lệ VPBank sắp 'vượt mặt' các ông lớn ngân hàng nhà nước

(Banker.vn) Hiện VPBank mới chỉ đứng thứ 8 trong bảng xếp hạng vốn điều lệ ngân hàng. Nếu phương án tăng vốn được thông qua và VPBank thực hiện trong năm nay, vốn điều lệ của ngân hàng này nhiều khả năng sẽ vượt một loạt các ngân hàng lớn khác.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank – Mã: VPB) mới đây đã thông báo về việc xin ý kiến cổ đông liên quan đến phương án chia cổ tức cho cổ đông hiệu hữu bằng cổ phiếu với tỷ lệ khoảng 80%, qua đó tăng vốn điều lệ từ mức 25,3 nghìn tỷ đồng lên hơn 45 nghìn tỷ đồng. Thời điểm thực hiện dự kiến trong quý 3 - quý 4/2021.

Hiện VPBank mới chỉ đứng thứ 8 trong bảng xếp hạng vốn điều lệ ngân hàng. Nếu phương án được thông qua và VPBank thực hiện trong năm nay, vốn điều lệ của ngân hàng này nhiều khả năng sẽ vượt loạt ngân hàng lớn như ACB (hơn 27.000 tỷ), MB (hơn 38.000 tỷ), Agribank (34.000 tỷ), Techcombank (hơn 35.000 tỷ), Vietcombank (hơn 37.000 tỷ), BIDV (hơn 40.200 tỷ) để trở thành ngân hàng có vốn điều lệ cao thứ 2 hệ thống.

Hiện quán quân vốn điều lệ ngân hàng là VietinBank. Nhà băng này hôm 8/7 đã trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 29%, qua đó tăng vốn điều lệ lên hơn 48.000 tỷ đồng.

Dù vậy, bảng xếp hạng hiện nay sẽ sớm có những xáo trộn mạnh tiếp theo khi các ngân hàng như Vietcombank, BIDV, VietinBank vẫn đang có kế hoạch tăng vốn.

Tại ĐHĐCĐ thường niên, Vietcombank đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên trên 50.000 tỷ đồng. Trong đó, ngân hàng sẽ tăng thêm 10.000 tỷ từ nguồn lợi nhuận để lại của năm 2019 để chia cổ tức tỷ lệ 8%, nâng tổng vốn điều lệ lên hơn 47.325 tỷ đồng. Sau đó, Vietcombank sẽ phát hành riêng lẻ quy mô 6,5% vốn điều lệ để tăng vốn lên hơn 50.400 tỷ.

Còn tại BIDV, theo kế hoạch được ĐHĐCĐ thường niên hồi tháng 4 thông qua, ngân hàng muốn tăng vốn điều lệ thêm 8.304 tỷ đồng lên 48.524 tỷ (tức tăng 20,6%). Phương án tăng vốn gồm phát hành 207,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019 (tỷ lệ 5,2%), phát hành 281,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020 (tỷ lệ 7%). Ngoài ra, BIDV dự kiến phát hành thêm 341,5 triệu cổ phần mới bằng hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ.

Tuy nhiên đến hiện tại, HĐQT Vietcombank và BIDV chưa có thông báo mới về việc triển khai các phương án trên.

Bản thân VietinBank cũng mới chỉ đang tiến hành đợt tăng vốn thứ nhất. ĐHĐCĐ thường niên của VietinBank cách đây 2 tháng đã thông qua kế hoạch tăng vốn lên hơn 54.000 tỷ. Sau khi chia cổ tức năm 2017-2019 bằng cổ phiếu tỷ lệ 29%, VietinBank dự kiến tiếp tục chia cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu tỷ lệ 12,6%.

Ngay cả VPBank có thể cũng chưa dừng lại ở kế hoạch tăng vốn lên 45.000 tỷ đồng. Ông Ngô Chí Dũng – Chủ tịch HĐQT VPBank tại ĐHĐCĐ thường niên có chia sẻ đang lên kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho cổ đông chiến lược nước ngoài. Hồi trung tuần tháng 5, VPBank cũng đã khóa room ngoại ở mức 15%, được cho là động thái dọn đường đón đối tác chiến lược.

VPBank dự kiến sẽ có vốn chủ sở hữu đạt hơn 90.000 tỷ vào cuối năm 2021, theo chia sẻ của ông Ngô Chí Dũng. Nguồn vốn tăng mạnh nhờ bán 50% vốn tại FE Credit, lợi nhuận năm 2021 và cơ hội gia tăng lợi nhuận từ thỏa thuận phân phối bảo hiểm. Với lượng vốn khủng như vậy, ngân hàng hoàn toàn có thể tăng vốn điều lệ lên cao hơn 45.000 tỷ đồng – nếu họ muốn.

Linh Đan

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục