VN-Index chứng kiến sự hồi phục hình chữ V trong tháng 3. Chỉ số VN-Index giảm xuống mức thấp nhất 1.446,3 điểm (giảm 2,9% so với đầu tháng) vào ngày 14/3 do lo ngại các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, chỉ số VN-Index đã tăng trở lại trong nửa cuối tháng, theo sau sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường chứng khoán toàn cầu. Giá trị giao dịch bình quân trên 3 sàn chính tăng 14,5% so với tháng trước và tăng 61,2% so với cùng kỳ, lên 31.530 tỷ đồng/phiên.
Theo VNDIRECT, Nền tảng vĩ mô vững chắc là nền tảng cho sự phát triển của thị trường. GDP quý I ghi nhận tăng trưởng 5,03%, cao hơn mức 4,7% trong quý I/2021 và 3,7% trong quý I/2020. Thêm vào đó, trong quý vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 1,9% so với cùng kỳ trong khi FDI giải ngân đạt mức cao nhất trong 5 năm qua lên 4,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ và giá trị kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 88,58 tỷ USD, tăng 12,9%.
Về bối cảnh quốc tế, việc FED chính thức nâng lãi suất điều hành có thể giúp giảm bớt lo ngại của thị trường về tình trạng lạm phát cao hiện nay. Việc tăng nhẹ lãi suất chính sách cũng cho thấy FED sẵn sàng thắt chặt chính sách tiền tệ một cách thận trọng để tránh tác động tiêu cực đến nền kinh tế và thị trường tài chính toàn cầu. Nhìn lại quá khứ, thị trường chứng khoán vẫn tích cực trong suốt hầu hết các chu kỳ tăng lãi suất trước đây của Fed.
“Mối quan tâm của các nhà đầu tư sẽ dần chuyển từ xung đột Nga - Ukraine sang mùa báo cáo tài chính quý I/2022. Nhìn chung, chúng tôi kỳ vọng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trong quý vừa rồi sẽ khả quan, hưởng lợi từ việc nối lại hầu hết các hoạt động kinh tế cũng như Chính phủ triển khai gói kích thích kinh tế mới”, nhóm chuyên gia VNDIRECT đánh giá và lưu ý, các ngành chứng khoán, hóa chất, phân bón, thủy sản và bán lẻ sẽ ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất trong kỳ.
Mặt khác, tại ngày 23/3/2022, theo dữ liệu của Bloomberg, VN-Index đang giao dịch ở mức P/E 12 tháng là 17,1 lần, tương đương với P/E trung bình một năm là 17,2 lần. Dự báo tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trên HOSE trong năm 2022 – 2023 lần lượt ở mức 23% và 19% so với cùng kỳ nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của các ngành xuất khẩu, dầu khí và bất động sản. VNDIRECT cho rằng định giá thị trường vẫn đang ở mức hấp dẫn với P/E dự phóng 2022 và 2023 lần lượt ở mức là 13,9 lần và 11,8 lần, thấp hơn mức P/E trung bình trong lịch sử 3 năm là 16,2 lần. Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng tương đối rẻ khi so sánh với các thị trường trong khu vực nhờ triển vọng tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ trong năm tài chính 2022 - 2023.
Dưới góc nhìn kỹ thuật, VN-Index được kỳ vọng có thể duy trì đà phục hồi và kiểm tra lại mức đỉnh lịch sử 1.538 điểm vào tháng 4 do thị trường chứng khoán sẽ được hỗ trợ bởi kết quả kinh doanh quý I/2022. Nếu vượt đỉnh lịch sử, VN-INDEX có thể hướng tới vùng 1.560- 1.570 điểm trong nửa cuối tháng 4.
“Vùng 1.480 - 1.500 điểm sẽ là vùng hỗ trợ mạnh của VN-Index. Nhà đầu tư có thể gia tăng tỷ trọng cổ phiếu nếu chỉ số giảm về vùng hỗ trợ. Chúng tôi ưa thích các cổ phiếu thuộc ngành bán lẻ, dệt may, xây dựng, vật liệu xây dựng, khu công nghiệp và ngân hàng do định giá hợp lý và triển vọng kinh doanh khả quan trong năm 2022”, chuyên gia của VNDIRECT cho biết.
Tuy nhiên, thị trường vẫn tiềm ẩn các rủi ro như phương Tây công bố các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Nga và giá hàng hóa tăng cao đẩy lạm phát lên trên mức dự báo.
Với quan điểm đầu VNDIRECT đưa ra ý tưởng đầu tư cho tháng 4 gồm 4 mã ACV (Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam), MBB (Ngân hàng TMCP Quân Đội), PNJ (CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận), STK (CTCP Sợi Thế Kỷ).
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|