VNBA và IFC bàn hợp tác triển khai và thúc đẩy tín dụng cho công trình xanh tại Việt Nam

(Banker.vn) Ngày 12/8, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) Nguyễn Quốc Hùng đã có buổi làm việc với Đoàn công tác của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) do bà Corinne Figueredo, Giám đốc Chương trình Chuyển đổi Thị trường Công trình Xanh Toàn cầu dẫn đầu.

Quang cảnh buổi làm việc

Thay mặt VNBA, Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng vui mừng chào đón Đoàn công tác IFC đã đến thăm và làm việc về chương trình công trình xanh, tín dụng xanh tại Việt Nam. Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng đánh giá cao sự hợp tác chặt chẽ của IFC với Ngân hàng Nhà nước, với các bộ, ngành cũng như đối với VNBA trong nhiều hoạt động, đặc biệt là chương trình phát triển bền vững chống biến đổi khí hậu.

Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng phát biểu

 

Thay mặt Đoàn công tác của IFC, bà Corinne Figueredo bày tỏ vui mừng được đến thăm và làm việc với VNBA – tổ chức đại diện cho các định chế tài chính, ngân hàng Việt Nam. 

Bà cho biết, IFC đã thảo luận, đóng góp ý kiến rất nhiều về chiến lược phát triển Xanh của Việt Nam, đồng thời làm việc với Bộ Xây dựng để phối hợp xây dựng những quy tắc tiêu chuẩn cho Công trình Xanh. Theo đó, trong chiến lược tại Việt Nam, IFC sẽ phối hợp xây dựng tiêu chuẩn xanh đối với các công trình nhà ở xã hội, nhà ở phù hợp với người thu nhập thấp theo hướng áp dụng tiêu chuẩn môi trường xã hội quản trị (ESG), tiêu chuẩn Công trình xanh của IFC (tiêu chuẩn H).

"Chúng tôi nhận thấy đã có những tiến triển mạnh mẽ tại một số khu vực thị trường khác trên thế giới, trong cả khu vực công và khu vực tư. Chẳng hạn, Columbia – một quốc gia Nam Mỹ, chỉ trong vòng 4 năm (từ 2017 – 2021), số lượng chứng chỉ Công trình Xanh đã tăng từ 0% lên đến 20%. Chúng tôi hy vọng quá trình chuyển đổi như vậy sẽ sớm diễn ra tại Việt Nam bởi Chính phủ Việt Nam đã có những cam kết và biện pháp thực thi hết sức mạnh mẽ trong vấn đề giảm phát thành ròng bằng 0 đến năm 2050 theo cam kết Paris."

Bà Corinne Figueredo, Giám đốc Chương trình Chuyển đổi Thị trường Công trình Xanh Toàn cầu, IFC - trưởng đoàn công tác (thứ hai, từ trái sang) tại buổi làm việc với VNBA

Chia sẻ về chính sách phát triển công trình xanh, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, Việt Nam hiện đã xây dựng hệ thống chính sách tương đối đầy đủ và toàn diện về phát triển công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng, bao gồm: Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010 và các văn bản hướng dẫn; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh năm 2014; Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) năm 2020; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về “Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Nghị quyết số 140/NQ-CP ngày 2/10/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về “Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Chiến lược quốc gia ngành Năng lượng Xanh giai đoạn từ năm 2011-2020 đến năm 2030…

Liên quan đến các chính sách về tăng trưởng xanh, Chính phủ cũng đã ban hành hàng loạt văn bản như: Quyết định 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011- 2020 và tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 20/3/2014 phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 – 2020; Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; Quyết định 1658/QĐ-TTg ngày 1/10/2021 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Bên cạnh đó, Luật Bảo vệ môi trường được Quốc hội thông qua ngày 17/11/2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động bảo vệ môi trường; xác định rõ quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân trong hoạt động bảo vệ môi trường. Gần đây nhất, ngày 22/7/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 882/QĐ-TTg về việc phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030.

"Như vậy có thể thấy, ngay từ năm 2012 đến nay, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách về tăng trưởng xanh nhằm bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu, đồng thời chỉ đạo các bộ ngành địa phương nói chung và ngành ngân hàng nói riêng xây dựng kế hoạch triển khai đồng bộ và đề ra nhiều nhiều giải pháp quan trọng." Tổng Thư ký cho biết.  

Cũng tại buổi làm việc, Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng chia sẻ các số liệu về kết quả tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực xanh ở Việt Nam thời gian qua.  Theo đó, đến ngày 31/3/2022, dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh đạt 451.548,82  tỷ đồng (chiếm 4,19% tổng dư nợ toàn nền kinh tế), tăng 1,53% so với năm 2021, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp xanh (chiếm hơn 32% tổng dư nợ tín dụng xanh), năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (47%). Dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường xã hội đạt hơn 2.196 nghìn tỷ đồng, chiếm 20,45% dư nợ cho vay của nền kinh tế, với hơn 1,1 triệu món vay. Riêng về dư nợ công trình xanh, tính đến cuối năm 2021 đạt 1.027,13 tỷ đồng, giảm chút ít so với thời điểm cuối năm 2020 (1.047,82 tỷ đồng).

Cũng theo ông Nguyễn Quốc Hùng, ngày càng nhiều TCTD quan tâm đầu tư cho các dự án công trình xanh, một số TCTD đã xây dựng và ban hành khung tiêu chí cho vay công trình xanh của riêng mình như: Nam A Bank, OCB, VPBank… Đặc biệt, VPBank đã xây dựng khung chính sách tín dụng xanh áp dụng đối với Tòa nhà xanh, cụ thể VPBank cấp vốn cho xây dựng và các khoản vay thế chấp hoặc tái cấp vốn cho các tòa nhà đáp ứng các tiêu chuẩn chứng nhận Công trình Xanh: EDGE, LEED (hạng Gold trở lên), BREEAM (hạng Excellent), DGNB (hạng Gold trở lên), GREEN STAR (từ hạng 5 trở lên), hoặc hệ thống chứng nhận công trình xanh nổi tiếng quốc tế tương đương do Bên cho vay Khoản vay xanh (hay còn gọi là “Đối tác tài trợ xanh”) phê duyệt hoặc có chứng từ chứng minh tiết kiệm được 20% lượng năng lượng tiêu thụ so với mức cơ sở của các tòa nhà không được thiết kế theo phương án hiệu quả năng lượng.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, tín dụng xanh nói chung và tín dụng công trình xanh nói riêng hiện còn gặp nhiều khó khăn, thách thức như: Các quy định, định nghĩa cụ thể về các danh mục, ngành lĩnh vực xanh vẫn chưa được thống nhất để có thể áp dụng chung trên cả nước; Thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, rủi ro thị trường; Nguồn vốn huy động của các TCTD chủ yếu là ngắn hạn theo chi phí vốn thương mại trên thị trường; Số dự án, phương án đầu tư và các lĩnh vực xanh chưa nhiều, đặc biệt là số dự án được cấp chứng nhận Công trình xanh còn khá khiêm tốn (đến tháng 6/2022, cả nước mới có khoảng 233 công trình đạt chứng nhận công trình xanh); Các tiêu chí cụ thể để phân loại ngành/lĩnh vực xanh chưa cụ thể; Chưa có quy định cụ thể về Công trình xanh; Bộ tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành về công trình sử dụng năng lượng hiệu quả còn phức tạp. Bên cạnh đó, nhận thức và năng lực của các TCTD trong phát triển các sản phẩm tín dụng xanh mới ở bước đầu và còn hạn chế.

Thông qua quá trình trao đổi và làm việc về chương trình công trình xanh, tín dụng xanh, Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng đã nêu một số khuyến nghị nhằm phát triển, thúc đẩy các chương trình này trong thời gian tới. Chẳng hạn, Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu xây dựng và hoàn thiên hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật, trong đó có tiêu chuẩn về phát triển xanh; Bộ Xây dựng sớm xây dựng quy chuẩn về công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả dễ sử dụng cho nhà đầu tư, TCTD; NHNN sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý hướng dẫn thực hiện tín dụng xanh cho các TCTD; Tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện Sổ tay hướng dẫn đánh giá rủi ro môi trường xã hội cho những ngành kinh tế chưa có hướng dẫn; Xây dựng các giải pháp tập trung nguồn lực để cấp tín dụng cho các dự án, phương án sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực xanh…

Kết thúc buổi làm việc, VNBA và IFC thống nhất tiếp tục phối hợp chặt chẽ nhằm trao đổi và đưa ra các hoạt động thiết thực hữu ích, hỗ trợ cho lĩnh vực công trình xanh, tín dụng xanh tại Việt Nam. Trước mắt, VNBA và IFC Việt Nam sẽ có những buổi tập huấn/hội thảo giới thiệu nhằm nâng cao hiểu biết về công trình xanh. Đây sẽ là cơ sở để triển khai cho những hoạt động hợp tác rộng hơn, chuyên sâu hơn nhằm giúp các định chế tài chính Việt Nam triển khai mạnh mẽ, có hiệu quả hoạt động tín dụng xanh, góp phần quan trọng hiện thực hóa các mục tiêu, chiến lược của đất nước trong vấn đề chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.

Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cùng đại diện lãnh đạo các Ban, đơn vị CQTT VNBA chụp ảnh lưu niệm với đoàn công tác của IFC

 

Minh Ngọc

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
    Bài cùng chuyên mục