VN-Index lên cao nhất 8 tháng gần đây
Thị trường chứng khoán tuần giao dịch vừa qua tiếp tục ghi nhận sự tích cực. Cụ thể, VN-Index đã chốt tuần (19-23/06/2023) bằng chuỗi 4 phiên tăng liên tiếp, dừng ở mức 1.129,38 điểm - ngưỡng cao nhất trong vòng 8 tháng gần đây, tăng 1,27% so với cuối tuần trước. Tương tự, HNX-Index kết thúc tuần với 231,54 điểm, tăng 1,36%.
Trái ngược với đà tăng điểm, khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HOSE giảm 7,6% so với tuần trước, về còn gần 842 triệu cp/phiên. Tương tự, thanh khoản bình quân trên sàn HNX giảm 8,7%, xuống gần 118 triệu cp/phiên.
Cổ phiếu nâng đỡ VN-Index nhiều nhất trong tuần qua chủ yếu là HPG khi cổ phiếu này tăng điểm 4/5 phiên giao dịch, và kéo tăng chỉ số gần 2,9 điểm.
Cổ phiếu thép HPG là động lực chính nâng đỡ VN-Index tuần vừa qua |
Đóng cửa phiên 23/06, cổ phiếu HPG tăng 2,21% lên 25.400 đồng/cp - mức cao nhất trong hơn 1 năm qua (tính theo giá đóng cửa điều chỉnh) và hơn gấp đôi so với đáy 12.000 đồng/cp hồi tháng 11/2022.
Tính riêng tháng 6/2023, giá cổ phiếu HPG đã tăng tới gần 20%, vốn hóa thị trường theo đó cũng tăng thêm 25.000 tỷ đồng chỉ sau 3 tuần lên xấp xỉ 148.000 tỷ đồng - đứng thứ 7 trên toàn thị trường chứng khoán. Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long cũng vượt qua Chủ tịch Tập đoàn Vingroup để trở thành người giàu nhất sàn chứng khoán với giá trị 38.515 tỷ đồng.
Hiện giá cổ phiếu HPG đã vượt sâu mức dự phóng của một số công ty chứng khoán như HSC, VDS, BSI hay MASC. Chỉ số P/E (ngày) cũng tăng đột biến lên 222.x lần; P/E từ đầu năm ở mức gần 70 lần (đều cao hơn mức trung bình nhóm kim loại công nghiệp).
Diễn biến giá cổ phiếu HPG từ đầu năm 2023 đến nay |
Một số cổ phiếu đầu ngành khác cũng trở thành những "đầu kéo" chính cho VN-Index trong tuần qua. Cụ thể, một số cổ phiếu đầu ngành như VNM của nhóm thực phẩm - đồ uống, GVR của nhóm cao su, HVN của nhóm hàng không, MWG của nhóm bán lẻ… giữ lại lượng lớn điểm số của VN-Index. Trong đó, VNM là cổ phiếu có mức kéo tăng lớn thứ hai với hơn 1,6 điểm, xếp ngay sau GVR với gần 1,3 điểm.
Ngoài các cổ phiếu đầu ngành kể trên, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng góp phần vào đà tăng của chỉ số khi có đến 5 cổ phiếu thuộc nhóm này nằm trong top 10 cổ phiếu ảnh hưởng tích cực nhất, gồm VPB, CTG, BID, STB và MBB. Tính riêng 5 cổ phiếu này đã giúp chỉ số tăng gần 4 điểm.
Một cổ phiếu khác thuộc nhóm ngân hàng lại gây thất vọng nặng nề. Cụ thể, VCB là mã có tác động tiêu cực nhất đến VN-Index trong tuần qua với mức kéo giảm lớn nhất gần 5,9 điểm, gấp 4,2 lần mã xếp sau là VIC với gần 1,4 điểm kéo giảm.
Trước đó, VCB đã có 3 tuần liên tiếp trở thành động lực tăng điểm chính cho VN-Index. Tuy nhiên, trong tuần 19-23/06/2023, cổ phiếu này giảm điểm 3/5 phiên giao dịch. Với mức giảm 3.14% ngay phiên đầu tuần 19/06 cũng chấm dứt chuỗi 7 phiên tăng liên tiếp của cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ở rổ VN30, nhóm kéo tăng áp đảo trong tuần qua khi có đến 24 cổ phiếu tham gia nhóm này, trong khi chỉ có 6 cổ phiếu ở nhóm kéo giảm. Dẫn đầu nhóm kéo tăng là HPG với gần 6,8 điểm, hơn gấp đôi so với VPB xếp ngay sau với hơn 3,3 điểm. Ngược lại, dẫn đầu nhóm kéo giảm là 2 cổ phiếu VCB và VIC với số điểm lần lượt hơn 2,7 điểm và gần 1,5 điểm.
Đối với HNX-Index, nhân tố chính giúp chỉ số bảo toàn được đà tăng trong tuần qua đến từ là HUT khi kéo tăng gần 0,6 điểm, xếp sau là 2 cổ phiếu DNP và IDC kéo tăng lần lượt gần 0,3-0,4 điểm mỗi mã. Chiều ngược lại, cổ phiếu PVS dẫn đầu nhóm kéo giảm với hơn 0,2 điểm.
Xu hướng uptrend đang hình thành?
Các chuyên gia của Chứng khoán VNDirect nhận định, tuần qua, dòng tiền nội tiếp tục có xu hướng đổ vào thị trường, trong bối cảnh một loạt ngân hàng thương mại thông báo hạ lãi suất tiền gửi. Xu hướng hiện tại của thị trường vẫn khá tích cực. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng không nên hưng phấn thái quá, cần tỉnh táo khi thị trường đã có một nhịp tăng mạnh gần 100 điểm trong 2 tháng.
"Nhà đầu tư nên lưu ý rằng, doanh nghiệp và nền kinh tế vẫn chưa vượt qua được giai đoạn khó khăn và thu nhập thị trường vẫn chưa xác lập điểm đảo chiều. Ngay tuần tới, thị trường sẽ đón nhận thông tin vĩ mô quan trọng là số liệu tăng trưởng GDP quý II năm nay của Việt Nam. Nhiều dự báo cho rằng số liệu tăng trưởng GDP quý II vẫn kém khả quan do thiếu đơn hàng xuất khẩu cũng như tình trạng cắt điện luân phiên.
Đồng thời, thị trường cũng chuẩn bị bước vào mùa công bố kết quả kinh doanh quý II với bức tranh chung vẫn nhiều gam màu xám. Lợi nhuận toàn thị trường có thể tiếp tục giảm trong quý II và kéo mặt bằng định giá của thị trường tăng lên. Do đó, chúng tôi cho rằng hành động hợp lý lúc này là hạn chế mua đuổi cổ phiếu tại vùng giá cao, đề phòng những cú đảo chiều đột ngột của thị trường nếu có những thông tin bất lợi xuất hiện. Đối với những nhà đầu tư đang có tỷ lệ đòn bẩy cao, nên hạ bớt margin để kiểm soát rủi ro", chuyên gia từ VNDirect khuyến nghị
Nhóm phân tích của Chứng khoán Sài gòn - Hà Nội (SHS) nhận định, với trạng thái hiện tại VN-Index được dự báo sẽ hướng tới ngưỡng kháng cự mạnh hơn, quanh 1.150 điểm trong thời gian tới. Nếu VN-Index tích lũy đủ và vượt 1.150 đi kèm bối cảnh vĩ mô hỗ trợ tích cực, SHS cho rằng, thị trường có thể hình thành uptrend (xu hướng tăng). Thị trường đang cho thấy tâm lý lạc quan hơn của nhà đầu tư.
VN-Index được dự báo tiến gần hơn tới vùng kháng cự quan trọng 1.150 điểm, SHS khuyến nghị nhà đầu tư ngắn hạn nên duy trì danh mục hiện tại, nếu muốn mua vào chỉ nên thực hiện trong các phiên điều chỉnh của thị trường.
Nhận định chứng khoán ngày 26/6/2023: Xu hướng thị trường phái sinh Các chuyên gia phân tích và công ty chứng khoán đưa ra nhận định về thị trường phái sinh cho ngày giao dịch 26/6/2023. Tạp ... |
Phiên giao dịch ngày 26/6/2023: Những cổ phiếu cần lưu ý Các công ty chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích đối với một số cổ phiếu cần lưu ý cho phiên giao ... |
Nhận định chứng khoán ngày 26/6/2023: Đứng ngoài quan sát Theo công ty chứng khoán CSI, VN-Index đang ở vùng đỉnh của tháng 1/2023, lại là mốc kháng cự của xu hướng hồi phục tính ... |
Nhật Hải
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|