VN-Index giảm về mốc 1.270 điểm, QCG bị bán tháo

(Banker.vn) Áp lực bán vẫn thường trực,VN-Index phiên sáng 19/7 điều chỉnh vào phút cuối về mốc 1.270 điểm. Nhóm cổ phiếu bán lẻ tỏa sáng với nhiều mã xanh giúp thị trường tránh phiên rơi điểm mạnh. Trong khi đó, cổ phiếu QCG giảm sàn sau diễn biến tại Quận 3,...

Tạm kết phiên sáng 19/7, chỉ số VN-Index giảm 4 điểm, tương ứng 0,32% về 1.270,37 điểm, thanh khoản đạt 339 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch đạt 8.156 tỷ đồng. Độ rộng thị trường nghiêng về số mã giảm với tỷ lệ mã tăng/giảm giá là 119/282.

Về mức độ ảnh hưởng, cổ phiếu VCB, MBB, SAB là 3 mã cổ phiếu đóng góp tích cực vào chỉ số chung với 0,41 điểm, 0,39 điểm và 0,28 điểm. Ngược lại, GVR, TCB, FPT là những mã có tác động tiêu cực vào chỉ số chung khi lấy đi tổng cộng 1,76 điểm.

VN-Index giảm về mốc 1.270 điểm, QCG bị bán tháo

Trong phiên sáng nay, cổ phiếu QCG của Quốc Cường Gia Lai giảm kịch sàn xuống còn 9.070 đồng/cp, thanh khoản đạt hơn 1,5 triệu đơn vị, và trong tình trạng trắng bên mua với dư bán hơn 2,7 triệu đơn vị. Hoạt động bán tháo cổ phiếu QCG diễn ra trong bối cảnh báo chí đưa tin trong sáng nay 19/7, nhiều xe cùng lực lượng thuộc Bộ Công an có mặt tại một tòa nhà ở số 26 Trần Quốc Thảo, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP.HCM. Địa chỉ này được đăng ký là nhà riêng của bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc Công ty CP Quốc Cường Gia Lai.

Quay lại với diễn biến thị trường, tính đến 11h, nhóm cổ phiếu bán lẻ đang dẫn đầu đà tăng với nhiều mã ghi nhận sắc xanh. Trong đó, cổ phiếu MWG tăng 0,9% lên 65.600 đồng/cp với thanh khoản sôi động đạt 5,2 triệu đơn vị. Nhìn rộng ra, cổ phiếu MWG đã tăng hơn 37% từ vùng giá 48.000 đồng phiên 22/4.

Về Thế Giới Di Động, tới đây, HP Việt Nam và Công ty CP Thế Giới Di Động vừa chính thức ký biên bản thỏa thuận (MOA) để thiết lập mối quan hệ hợp tác chiến lược. Hợp tác thể hiện tầm nhìn chung của hai bên trong việc phát triển doanh nghiệp, đồng thời đánh dấu cột mốc quan trọng trong hành trình thúc đẩy các tiến bộ công nghệ, nhằm nâng cao trải nghiệm người dùng và sự phát triển của ngành bán lẻ tại Việt Nam. Hợp tác chiến lược giữa HP và Thế Giới Di Động thể hiện tầm nhìn thống nhất trong phát triển kinh doanh và cung cấp cho người Việt các sản phẩm công nghệ tiên tiến với mức giá cạnh tranh trong giai đoạn từ 2025-2027 tại chuỗi cửa hàng Thế Giới Di Động.

Quay lại với diễn biến cổ phiếu bán lẻ phiên sáng 19/7, DGW đang thể hiện trạng thái tích cực với mức tăng 2,1% lên mức 66.900 đồng/cp, với thanh khoản đạt hơn 3 triệu đơn vị. Đà tăng còn có FRT (0,1%), PET (+0,7%), TTH (+2,4%), SAS (+2,8%),…

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng phân hóa rõ rệt. Tại chiều tăng, TPB ghi điểm với mức tăng 1,7% lên mức 18.300 đồng/cp, thanh khoản đứng đầu thị trường với 33 triệu cổ phiếu sang tay. OCB (+1,4%), NVB (+1%), MSB (+0,7%),… Ngược lại, HDB, ABB, TCB,VAB là các mã giảm điểm với mức giảm trên 1%.

Tại nhóm chứng khoán, sắc đỏ bao trùm với hầu hết các mã giảm. Trong đó, VIX giảm mạnh 5,6% về mức 16.000 đồng/cp, thanh khoản đạt hơn 5 triệu đơn vị. Cổ phiếu VIX giảm trong bối cảnh Chứng khoán VIX vừa báo lãi sau thuế quý 2/2024 đạt 124 tỷ đồng, giảm 78% so với cùng kỳ năm trước. Báo cáo tài chính VIX cho thấy, doanh thu hoạt động quý 2 gần 379 tỷ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng, doanh thu hoạt động và lãi sau thuế giảm lần lượt 23% và 50% so với cùng kỳ năm trước.

Tại nhóm chứng khoán, chiều giảm còn có SHS (-0,6%), VCI (-0,5%), ORS (-1,2%), CTS (-2,3%),… Ngược lại, ông lớn VND tăng tích cực 2,6% lên mức 15.900 đồng/cp, SSI ghi nhận mức tăng 1,3%, MBS cũng đang tăng 1,1%.

Nhóm cổ phiếu nhựa – hóa chất là nhân tố lấy đi nhiều điểm vào chỉ số chung với nhiều mã giảm mạnh. Trong đó, QBS giảm sàn về mức 900 đồng với thanh khoản đạt 1,6 triệu cổ phiếu. BVR giảm 3% về 35.000 đồng/cp, AAA (-1,7%), DCM (-1,6%), DPM (-1,1%), DGC (-1%), LAS (-3%),…

Chỉ số HNX-Index kết phiên sáng giảm 1,58 điểm về 240,91 điểm. Thanh khoản sàn HNX đạt 27,7 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch đạt 535,6 tỷ đồng. Độ rộng thị trường sàn HNX nghiêng về số cổ phiếu giảm giá với tỷ lệ mã tăng giá/mã giảm giá là 41/95.

Nhóm cổ phiếu họ Apec đồng loạt giảm với IDJ giảm 3% về 6.400 đồng/cp, APS giảm 2,6% về 7.500 đồng/cp, API giảm 1,3% về 7.600 đồng/cp. Ngoài nhóm Apec, CEO cũng đang đỏ với mức giảm 1,2%, TNG (-0,4%), HUT (-1,8%), PVC (-1,4%).

Cổ phiếu SHS đẫn đầu thanh khoản với 5,1 triệu đơn vị, thị giá mã này đứng tham chiếu ở mức 17.200 đồng/cp.

Tại thị trường UPCoM, chỉ số UPCoM-Index giảm 1,5 điểm về 96,87 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 25,8 triệu đơn vị, giá trị 323 tỷ đồng. Độ rộng thị trường nghiêng về số mã tăng với tỷ lệ mã tăng/mã giảm giá là 130/126.

Nổi bật tại UPCoM có cổ phiếu TNS khi mã này tăng trần lên 5.500 đồng/cp, tương ứng mức tăng 14,6%. Cổ phiếu BSR tăng 0,9% lên 23.000 đồng/cp với thanh khoản 3,1 triệu đơn vị.

Hậu biến cố thao túng cổ phiếu, Chứng khoán APEC mạnh tay thay máu danh mục tự doanh

Công ty CP Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương (Chứng khoán APEC, HNX: APS) vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2024 với ...

Vận đen bám đuổi với Xây dựng Điện Việt Nam (VNECO)

Ngày 16/7/2024, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành Quyết định số 751/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh ...

Xe Bộ Công an xuất hiện trước nhà bà Nguyễn Thị Như Loan - CEO Quốc Cường Gia Lai

Sáng ngày 19/7, xe biển xanh cùng lực lượng cảnh sát cơ động có mặt tại tòa nhà của bà Nguyễn Thị Như Loan, CEO ...

Đức Anh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục