VN-Index bất ngờ tăng mạnh phiên đầu tuần, đà hưng phấn liệu có được giữ vững?

(Banker.vn) Tiếp đà tăng mạnh cuối tuần trước, thị trường chứng khoán diễn biến tích cực trong phiên giao dịch đầu tuần này với việc chỉ số chính VN-Index bất ngờ tăng tới gần 11 điểm, thanh khoản cũng áp sát mốc 20.000 tỷ...

Nhà đầu tư cá nhân đang "dẫn sóng"

Ngay từ đầu phiên, sắc xanh đã lan tỏa trên toàn bảng điện với một gap (khoảng trống giá) tăng khoảng hơn 4 điểm. Sau đó sự tích cực tiếp tục được duy trì và gia tăng cho đến cuối phiên. Mặc dù có xuất hiện một vài áp lực bán nhất định nhưng điều đó là không đủ để ngăn cản đà tăng điểm của thị trường.

VN-Index bất ngờ tăng mạnh phiên đầu tuần, đà hưng phấn liệu có được giữ vững?
Thị trường chứng khoán phiên đầu tuần tiếp tục diễn biến tích cực khi VN-Index có thêm gần 11 điểm

Kết phiên, VN-Index tăng lên mốc 1.149,02 điểm, tăng mạnh 10,95 điểm (+0,96%). Thanh khoản cũng có sự cải thiện đáng kể trong phiên hôm nay khi có hơn 870 triệu cổ phiếu được giao dịch, tổng khối lượng khớp lệnh trên toàn sàn đạt mức hơn 18 nghìn tỷ đồng. Sắc xanh tiếp tục chiếm ưu thế vượt trội trong ngày với 327 mã tăng điểm, trong khi đó số mã giảm điểm chỉ là 97, còn lại là 55 mã đóng cửa ở mốc tham chiếu.

VN30 thậm chí còn có phần nhỉnh hơn so với thị trường chung khi có mức tăng 13,73 điểm (+1,22%). Toàn nhóm có đến 23/30 mã tăng điểm. Nổi bật hơn cả trong số đó là PDR (+6,94%) khi cổ phiếu này đạt được mức tăng trần.

Nhóm cổ phiếu có mức tăng nổi bật nhất trong ngày hôm nay chính là chứng khoán. Ngoài SSI (+3,97%) ở trong rổ VN30 thì hàng loạt cổ phiếu khác cũng có được mức tăng mạnh mẽ. Điển hình có thể kể đến như SHS (+4,38%), MBS (+4,04%) hay FTS (+3,13%).

Bình luận về diễn biến thị trường trên phương diện kỹ thuật, ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chứng khoán DSC Chi nhánh TP HCM đánh giá rằng đây tiếp tục là một phiên giao dịch tích cực của VN-Index trong xu hướng tăng ngắn hạn. Thanh khoản cũng ở mức khá và các trụ diễn biến tốt giúp chỉ số tăng mạnh.

Bàn về nguyên nhân của đợt tăng này, vị chuyên gia cho rằng phần lớn đến từ tâm lý lạc quan của nhà đầu tư cá nhân khi thị trường sôi động trở lại. Đồng thời, những đợt giảm lãi suất liên tiếp giúp tạo ra nhiều kỳ vọng vào việc tiền chảy từ tiết kiệm sang chứng khoán cũng như nền kinh tế sớm phục hồi. Minh chứng là việc số lượng tài khoản mở mới đã tăng trưởng mạnh trong tháng 6 vừa qua.

Tuy nhiên, ông Huy cũng lưu ý rằng: "Một khi dòng tiền FOMO nhập cuộc, rất khó đoán được mức độ biến động, điển hình như năm 2020-2022. Rõ ràng, chưa thể kết luận nhịp tăng đã kết thúc hay chỉ mới bắt đầu khi bối cảnh hiện tại, nhà đầu tư cá nhân đang dẫn sóng."

Đà tăng của thị trường liệu có bền?

Khi tham gia thị trường, mỗi người kỳ vọng vào câu chuyện đầu tư riêng và hiện tại nhà đầu tư cá nhân đang tỏ ra khá lạc quan. Tuy nhiên, thị trường luôn khó đoán, nhất là khi nhà đầu tư đang có lợi nhuận và chìm đắm trong chiến thắng.

Theo quan sát của chuyên gia DSC, nền kinh tế phục hồi sẽ là nền tảng duy trì đà tăng bền vững của thị trường. Chứng khoán là câu chuyện của dòng tiền, song nếu dựa trên một nền kinh tế yếu, khi gặp đà bán, mức độ suy giảm trở lại rất khó lường.

Hiện tại, định giá thị trường đã không còn rẻ, do đó, việc nhà đầu tư lựa chọn tham gia hoặc không tham gia dựa trên quan điểm "đặt cược" vào nền kinh tế có phục hồi sớm hay không.

Ông Huy nhận định, nhà đầu tư vẫn đang đặt cược hơi nhiều và sớm cho triển vọng hồi phục của nền kinh tế. Với việc đầu tư, chuyên gia DSC cho rằng chúng ta nên để số liệu "lên tiếng" cũng như lắng nghe dữ liệu để xác nhận lại kỳ vọng của mình.

Tại báo cáo chiến lược tháng 7 công bố mới đây, Chứng khoán DSC đánh giá thị trường đã ở một mức định giá cao hơn, trong khi triển vọng nền kinh tế chưa chắc chắn. Cần nhìn vào thực tế rằng các số liệu kinh tế vừa công bố về tăng trưởng GDP quý 2, hay báo cáo PMI theo tháng đều cho thấy sự phục hồi kinh tế còn rất chậm và chính sách gần như chưa có tác động nhiều. Do vậy, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều ẩn số, đà phục hồi của nền kinh tế cần được theo sõi sát sao để xác định lại kỳ vọng.

Trong trường hợp nền kinh tế xấu hơn kỳ vọng, các cổ phiếu chu kỳ (đã tăng mạnh thời gian qua) có thể xuất hiện rủi ro. "DSC kỳ vọng vào các cổ phiếu có chất lượng tốt, mô hình kinh doanh ổn định và có bảng cân đối kế toán lành mạnh, không có khoản mục trọng yếu nào ảnh hưởng đến thanh khoản và hoạt động của doanh nghiệp", nhóm phân tích cho hay.

Về chiến lược đầu tư trong tháng 7, công ty chứng khoán này khuyến nghị nhà đầu tư tìm điểm chốt lời, kiên nhẫn chờ đợi cơ hội khi điều chỉnh cũng như tránh tâm lý hưng phấn (FOMO) và giữ tỷ trọng ở mức an toàn.

Còn theo ABS Research, nhà đầu tư nên tập trung vào các nhóm ngành có triển vọng lợi nhuận kỳ vọng cải thiện nhờ đầu tư công, chính sách năng lượng, gia tăng xuất khẩu, hưởng lợi từ diễn biến tỷ giá USD/VND và xu hướng giá hàng hóa thế giới hỗ trợ tích cực bao gồm ngành năng lượng (dầu khí - điện); nhóm đầu tư công (xây dựng cơ sở hạ tầng, xi măng, nhựa đường, đá xây dựng...); cảng biển; thủy sản; dệt may; phân bón; hóa chất và các ngành lương thực, thực phẩm...

Phiên giao dịch ngày 11/7/2023: Những cổ phiếu cần lưu ý

Các công ty chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích đối với một số cổ phiếu cần lưu ý cho phiên giao ...

Nhận định chứng khoán ngày 11/7: Thị trường tiếp diễn đà tăng

Sắc xanh lan tỏa trên toàn thị trường dưới sự dẫn dắt của các cổ phiếu vốn hóa lớn đã giúp VN-Index tăng điểm lên ...

Nhận định chứng khoán ngày 11/7/2023: Xu hướng thị trường phái sinh

Các chuyên gia phân tích và công ty chứng khoán đưa ra nhận định về thị trường phái sinh cho ngày giao dịch 11/7/2023. Tạp ...

Nguyên Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán