Vĩnh Phúc: Tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm

(Banker.vn) Bảo hiểm xã hội Vĩnh Phúc đã phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách pháp luật liên quan lĩnh vực bảo hiểm.
Tăng cường giám sát thực hiện chính sách pháp luật bảo hiểm y tế Truyền thông chính sách, pháp luật bảo hiểm y tế

Theo số liệu của Bảo hiểm Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc, trên địa bàn tỉnh hiện có gần 1.123.000 người tham gia bảo hiểm y tế, chiếm 93,9% dân số và hơn 246.800 người tham gia bảo hiểm xã hội, chiếm 40,5% lực lượng lao động.

Thực hiện chức năng được giao trong công tác thanh tra, kiểm tra về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc đã phối hợp chặt chẽ với các ngành, đơn vị liên quan để kịp thời đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động, nhân dân trên địa bàn.

Bảo hiểm xã hội tỉnh đã ký quy chế phối hợp giữa 3 bên, gồm Bảo hiểm xã hội, Công an và Liên đoàn Lao động tỉnh Vĩnh Phúc; đồng thời, tiếp tục triển khai hiệu quả quy chế phối hợp do Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và Bộ Công an ký kết “Về thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp”.

Thông qua quy chế phối hợp đã tạo cơ chế, hành lang quan trọng để Bảo hiểm Xã hội Vĩnh Phúc và các ngành phối hợp toàn diện, có chiều sâu; thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin, số liệu, tình hình nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, nhất là các đơn vị có số nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp lớn và kéo dài, các thông tin về các vụ việc, hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Qua đó, tạo sự chủ động trong phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; đảm bảo quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được sử dụng hiệu quả, đúng mục đích và đúng quy định của pháp luật.

Với việc triển khai hiệu quả công tác thanh, kiểm tra, từ đầu năm đến hết tháng 9/2022, Bảo hiểm xã hội tỉnh Vĩnh Phúc đã thu hồi nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được 18,9 tỷ đồng, đạt 83% số tiền nợ đọng tại các đơn vị đã thanh tra, kiểm tra; góp phần đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Vĩnh Phúc: Tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm
Vĩnh Phúc: Tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm

Bảo hiểm xã hội tỉnh còn phối hợp với ngành y tế tăng cường kiểm tra, giám sát công tác khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, việc sử dụng thẻ bảo hiểm y tế, chỉ định chẩn đoán và điều trị trên bệnh án tại các cơ sở khám, chữa bệnh… nhằm phát hiện và xử lý, ngăn chặn kịp thời các hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế.

Tuy kết quả đạt được khả quan, tuy nhiên trong thời điểm dịch Covid-19 kéo dài đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Vĩnh Phúc, làm gia tăng tình trạng nợ đọng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và phát sinh nhiều vướng mắc trong việc giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Bên cạnh đó, ý thức tôn trọng pháp luật của một bộ phận chủ sử dụng lao động chưa cao, mặc dù hiểu rõ quy định nhưng cố tình không tham gia hoặc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp không đầy đủ cho người lao động.

Hơn hết, nhận thức của người lao động về chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp còn hạn chế nên chưa biết quyền lợi chính đáng của bản thân; chế tài xử phạt đối với các đơn vị trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội còn thấp, chưa đủ sức răn đe.

Thời gian tới, cùng với tăng cường phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan, Bảo hiểm Xã hội Vĩnh Phúc tiếp tục tranh thủ sự quan tâm, chỉ đạo của tỉnh ủy, ủy ban nhân dân tỉnh đối với các hoạt động thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xác định các hành vi vi phạm pháp luật về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và nâng cao hiệu quả của hoạt động thanh tra, kiểm tra, tiết kiệm thời gian làm việc trực tiếp tại các đơn vị sử dụng lao động.

Tăng cường thanh tra chuyên ngành đối với doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động từ 3 tháng trở lên, kiên quyết xử phạt vi phạm những hành vi vi phạm. Đối với đơn vị đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng chưa thực hiện hoặc cố tình chây ì không thực hiện, Bảo hiểm xã hội tỉnh sẽ ban hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền.

Đặc biệt, phối hợp với cơ quan công an để thu thập hồ sơ, tài liệu chứng minh yếu tố gian dối, gian lận trong chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp để hoàn thiện hồ sơ chuyển cơ quan điều tra xử lý đối với doanh nghiệp cố tình trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định của pháp luật. Công khai rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng các doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp số tiền lớn, thời gian chậm đóng kéo dài.

Đồng thời, phối hợp với các cấp, ngành tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động và chủ sử dụng lao động. Hơn hết, hướng dẫn người lao động ủy quyền cho tổ chức Công đoàn trong việc đại diện cho người lao động khởi kiện ra tòa án đối với người sử dụng lao động, đơn vị sử dụng lao động có hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Lê Na

Theo: Báo Công Thương