Đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu lao động
Trong 5 năm qua, bình quân mỗi năm tỉnh Vĩnh Long có từ 500 - 2000 lao động tham gia xuất khẩu lao động (XKLĐ). Qua đó góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định, giảm nghèo cho nhiều gia đình, nâng cao tay nghề và tác phong công nghiệp cho người lao động.
Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Vĩnh Long, tổng số lao động đi XKLĐ từ năm 2016 - 2021 là 6.372 người. Đến nay, tỉnh có 47 doanh nghiệp đăng ký hoạt động thông tin tuyên truyền, tư vấn tuyển dụng người lao động tham gia XKLĐ.
Hiện nhu cầu tham gia XKLĐ của người lao động vẫn cao, tuy nhiên, do tác động của dịch COVID-19 trong 2 năm qua khiến công tác này gặp khó. Nếu như năm 2019, tỉnh có 1.715 người đi XKLĐ, thì năm 2020 chỉ có 815 người, năm 2021 là 546 người. Kế hoạch năm 2022, chỉ tiêu XKLĐ của tỉnh là 1.700 người.
Đáng chú ý, chính sách cho vay vốn hỗ trợ người lao động đi XKLĐ được tỉnh rất quan tâm. Từ năm 2017 đến nay, kinh phí địa phương được cấp ủy thác cho NHCSXH tỉnh Vĩnh Long cho vay vốn XKLĐ hơn 73 tỉ đồng. Đến tháng 2/2022, người lao động đang vay (dư nợ) là 43 tỉ đồng. Dịch bệnh COVID-19, XKLĐ gặp khó khăn nhưng năm 2020, đơn vị đã giải ngân 20 tỉ đồng hỗ trợ người lao động vay vốn XKLĐ.
Hiện cơ chế chính sách vay vốn hỗ trợ XKLĐ phù hợp với nguyện vọng của người lao động và xem đây là cú hích tác động trực tiếp tới người lao động để giải quyết vấn đề lao động, việc làm.
Hàng ngàn hộ thoát nghèo, cận nghèo từ vay vốn tín dụng chính sách
NHCSXH tỉnh Vĩnh Long đang thực hiện 16 chương trình cho vay theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho các đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Đến tháng 2/2022, dư nợ cho vay đạt hơn 2.289 tỉ đồng, tăng 9,81%, với 88.913 hộ vay vốn (tương ứng 107.472 món vay). Tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đã tạo điều kiện cho khoảng 26.500 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn để sản xuất kinh doanh, tăng thêm thu nhập gia đình.
Đáng chú ý tín dụng chính sách xã hội tập trung vào chương trình tín dụng cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, hộ mới thoát nghèo, hộ cận nghèo, hộ nghèo, học sinh sinh viên, hỗ trợ tạo việc làm và duy trì việc làm... Qua đó, đã có hơn 2.000 hộ vay vốn thoát nghèo, thoát cận nghèo, đời sống gia đình nâng lên.
Trong vòng xoáy tác động mạnh của dịch COVID-19, hoạt động vay vốn tín dụng chính sách từ NHCSXH tỉnh Vĩnh Long đã giúp người dân, người lao động tự tạo và giải quyết việc làm, góp phần ổn định sản xuất, đời sống.
Theo tổng hợp của Sở LĐ-TB&XH tỉnh, có gần 20.000 lao động làm việc tại các tỉnh thành, như: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai... trở về Vĩnh Long do ảnh hưởng dịch COVID-19. Hầu hết lao động khi về địa phương không có việc làm, đời sống khó khăn, lại không thuộc diện nhận hỗ trợ theo quy định của Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ.
Tháng 10/2021, UBND tỉnh Vĩnh Long quyết định phê duyệt Đề án cho vay đối với cá nhân, hộ sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Đề án với nguồn vốn cho vay đáp ứng kịp thời nhu cầu chuyển đổi nghề, chuyển đổi việc làm của người lao động trong thời điểm hiện tại; giúp các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 tạo việc làm tại chỗ đồng thời bảo đảm an toàn phòng dịch; góp phần ngăn ngừa, giảm thiểu tối đa thiếu việc làm, lao động thất nghiệp trên địa bàn tỉnh...
Đề án có mục tiêu cụ thể giải quyết việc làm cho trên 2000 lao động bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp bởi dịch COVID-19; góp phần duy trì và giảm tỷ lệ thất nghiệp hằng năm ở mức dưới 3%... Mức vay tối đa không quá 100 triệu đồng/lao động, thời hạn cho vay tối đa 5 năm. Tổng kinh phí thực hiện đề án là 60 tỉ đồng (nguồn vốn trung ương 30 tỉ đồng, nguồn vốn của tỉnh 30 tỉ đồng).
Theo ông Trương Thanh Hà, Giám đốc NHCSXH tỉnh Vĩnh Long, Vĩnh Long là một trong số ít địa phương trên cả nước có đề án hỗ trợ người lao động và được đánh giá rất cao. Đó là sự tiếp sức đúng lúc để lao động tự tạo việc làm, ổn định cuộc sống.
Theo NHCSXH tỉnh Vĩnh Long, nhu cầu vay vốn của người dân là rất lớn. Hiện NHCSXH tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đoàn thể các cấp rà soát, bình xét lập danh sách người lao động có đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn, đặc biệt người lao động là công nhân các tỉnh, thành trở về địa phương để trình UBND cấp huyện phê duyệt và thực hiện giải ngân ngay. Làm sao nhanh nhất có thể để khách hàng có vốn sản xuất kinh doanh, tự tạo việc làm, vượt qua khó khăn.
Về cho vay hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc và phục hồi sản xuất theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg NHCSXH tỉnh đã cho 17 doanh nghiệp, với 7.779 lao động, số tiền giải ngân 26,2 tỉ đồng. Cùng với đó, hưởng ứng lời kêu gọi của chính quyền địa phương, các ngân hàng đã thực hiện tốt đóng góp an sinh xã hội, công tác phòng chống COVID-19, chương trình “sóng và máy tính cho em”... tổng số tiền 40,8 tỉ đồng.
Tín dụng chính sách đã cùng địa phương kịp thời hỗ trợ người lao động sở tại, lao động từ các tỉnh thành trở về khi dịch bệnh phức tạp. Họ được hỗ trợ vay vốn làm ăn, vượt qua khó khăn và về lâu dài tạo điều kiện để ổn định sản xuất và đời sống, đóng góp phát triển kinh tế địa phương.
Các hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại bình thường đang làm tăng nhu cầu vốn tín dụng tạo lập việc làm mới sau một thời gian gián đoạn do giãn cách xã hội. Vì vậy, nhiệm vụ trọng tâm để NHCSXH tỉnh cùng các ngành, đoàn thể triển khai thực hiện năm 2022 là đẩy mạnh cho vay phục hồi sản xuất phát triển kinh tế địa phương.
Theo NHCSXH tỉnh Vĩnh Long qua rà soát nhu cầu vay vốn hỗ trợ lãi suất theo quy định Nghị quyết số 11/2022/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đối với Chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm nhu cầu vốn năm 2022 trên địa bàn tỉnh cần khoảng 289 tỉ đồng và được UBND tỉnh đã phê duyệt để tiếp tục đề nghị NHCSXH Việt Nam hỗ trợ bổ sung thêm nhằm triển khai theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ.
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|