Ngày 16/12, Công ty CP Vĩnh Hoàn (HOSE: VHC) đã công bố báo cáo kết quả kinh doanh tháng 11/2024 với những diễn biến trái chiều. Cụ thể, tổng doanh thu trong tháng đạt 968 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lại giảm tới 20% so với tháng trước. Sự tăng trưởng dài hạn đến từ sự phục hồi của một số sản phẩm chủ lực và thị trường quốc tế quan trọng, tuy nhiên áp lực ngắn hạn khiến doanh thu ghi nhận mức giảm khá sâu so với tháng 10.
Hình minh họa |
Xét theo cơ cấu sản phẩm, các sản phẩm phụ ghi nhận mức tăng trưởng mạnh nhất, tăng 48% so với cùng kỳ, đạt 171 tỷ đồng. Sản phẩm mì và bánh tráng cũng có sự cải thiện với mức tăng 16%, từ 25 tỷ lên 29 tỷ đồng. Đáng chú ý, sản phẩm cá tra tiếp tục đóng vai trò chủ lực trong doanh thu của Vĩnh Hoàn khi tăng trưởng tới 39%, đạt 524 tỷ đồng (chiếm 54% cơ cấu về doanh thu).
Tuy nhiên, một số danh mục khác lại có sự sụt giảm đáng kể. Sản phẩm đa dạng giảm 21%, tôm chiên giảm 12%, sản phẩm giá trị gia tăng giảm tới 24%, và đặc biệt, mảng chăm sóc sức khỏe giảm sâu 52%, từ 83 tỷ đồng xuống chỉ còn 40 tỷ đồng.
Tăng trưởng doanh thu của Vĩnh Hoàn tháng 11/2024 so với cùng kỳ năm trước. Nguồn: VHC. |
Doanh thu theo khu vực cũng cho thấy những dấu hiệu trái ngược. Các thị trường quốc tế lớn như Trung Quốc, Châu Âu và Mỹ ghi nhận mức tăng trưởng tích cực. Cụ thể, doanh thu từ thị trường Trung Quốc tăng 32%, từ 61 tỷ lên 80 tỷ đồng. Thị trường Châu Âu cũng tăng 32%, từ 124 tỷ lên 163 tỷ đồng, trong khi Mỹ ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 40%, đạt 298 tỷ đồng so với 213 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, khu vực khác giảm nhẹ 1%, còn 130 tỷ đồng. Thị trường nội địa Việt Nam lại gặp khó khăn với mức giảm 9%, từ 325 tỷ xuống còn 297 tỷ đồng.
Dù có mức tăng trưởng khả quan so với cùng kỳ năm ngoái, doanh thu tháng 11 của Vĩnh Hoàn lại giảm mạnh tới 20% so với tháng 10/2024. Nguyên nhân chính đến từ sự suy giảm trong các danh mục sản phẩm chủ lực. Doanh thu từ cá tra giảm tới 31%, từ 755 tỷ đồng xuống còn 524 tỷ đồng. Sản phẩm mì và bánh tráng giảm 18%, tôm chiên giảm 4%, sản phẩm giá trị gia tăng giảm mạnh 55%, và mảng chăm sóc sức khỏe cũng giảm 37%.
Về thị trường, doanh thu từ thị trường Trung Quốc giảm tới 45%, từ 144 tỷ xuống còn 80 tỷ đồng. Thị trường Châu Âu cũng ghi nhận mức giảm 10%, từ 182 tỷ xuống 163 tỷ đồng. Doanh thu từ Mỹ giảm mạnh 32%, từ 441 tỷ xuống 298 tỷ đồng. Khu vực khác cũng giảm 18%, từ 159 tỷ xuống còn 130 tỷ đồng.
Điểm sáng duy nhất trong tháng 11 là thị trường nội địa Việt Nam khi ghi nhận mức tăng trưởng 6%, từ 280 tỷ lên 297 tỷ đồng, phần nào bù đắp cho sự sụt giảm từ các thị trường quốc tế.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo biên lợi nhuận gộp của Vĩnh Hoàn trong quý IV/2024 sẽ khó tăng mạnh so với quý trước. Nguyên nhân chính là giá cá tra nguyên liệu đang có xu hướng tăng trở lại, trong khi khả năng thỏa thuận tăng giá bán gặp nhiều thách thức khi nhu cầu trữ hàng cho mùa lễ hội giảm dần.
Theo ghi nhận, giá cá nguyên liệu trong tháng 11 đã tăng lên mức 28.000 đồng/kg, sau khi duy trì trong khoảng 26.000 - 27.000 đồng/kg từ tháng 4/2024. Đáng chú ý, tồn kho cá tra nguyên liệu đã giảm xuống mức thấp kỷ lục 14.000 tấn, tương đương mức giảm 81% so với cùng kỳ năm trước. Vĩnh Hoàn sẽ nỗ lực thỏa thuận để tăng giá bán nhằm duy trì biên lợi nhuận gộp, tuy nhiên, điều này không dễ thực hiện. Nhu cầu tiêu thụ cá tra đang giảm sau mùa lễ hội và mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt từ cá Minh Thái Alaska của Mỹ cũng tạo thêm áp lực.
Về tác động của chính sách thương mại có thể diễn ra trong nhiệm kỳ Trump 2.0, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng các phát ngôn trong giai đoạn tranh cử của ông Trump đã nhấn mạnh kế hoạch áp thuế 10-20% đối với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ và thuế 60% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, cá da trơn, bao gồm cá tra, vốn là loại cá nhập khẩu phổ biến thứ 3 tại Mỹ, sẽ chịu nhiều tác động đáng kể. Việt Nam hiện là đối tác xuất khẩu cá tra lớn nhất của Mỹ, do đó, chính sách thuế mới sẽ có ảnh hưởng đa chiều đến hoạt động xuất khẩu cá tra Việt Nam.
BVSC nhận định kim ngạch nhập khẩu cá tra Việt Nam có thể tăng mạnh trong ngắn hạn do các khách hàng Mỹ đẩy mạnh tích trữ hàng trước lo ngại về thay đổi chính sách thuế quan. Tuy nhiên, tình hình sau đó sẽ biến động phụ thuộc vào mức độ bất lợi của chính sách mới. Ảnh hưởng thực tế đến ngành cá tra sẽ phụ thuộc vào hai yếu tố chính: thứ nhất là các chi tiết cụ thể của chính sách thuế được công bố trong thời gian tới và thứ hai là biến động của nguồn cung từ các quốc gia như Trung Quốc, Nga và nội địa Mỹ.
Ngành nước Bình Dương có thêm động lực tăng trưởng mới, TDM đạt 96% kế hoạch lợi nhuận sau 11 tháng Công ty CP Nước Thủ Dầu Một (TDM Water, HOSE: TDM) vừa công bố kết quả kinh doanh ước tính 11 tháng đầu năm 2024 ... |
Giá cà phê Arabica lập kỷ lục mới: Thị trường trong nước tăng trưởng ấn tượng Giá cà phê Arabica trên sàn New York vừa lập đỉnh lịch sử, chạm mức 334,15 US cent/pound, trong khi giá Robusta duy trì đà ... |
Phạm Hường