Vinaconex (VCG): Quý IV giảm cả doanh thu lẫn lợi nhuận, tiền trong két 'hụt' hơn 3.500 tỷ đồng

(Banker.vn) Năm 2022, hoạt động kinh doanh không tạo ra dòng tiền, đồng thời tích cực giảm vay, Vinaconex buộc phải bán bớt các khoản đầu tư, thoái vốn tại các công ty thành viên để cân đối dòng tiền. Tuy nhiên, nỗ lực đó là chưa đủ, dòng tiền thuần vẫn âm 1.060 tỷ đồng, ảnh hưởng đến trữ lượng tiền cuối năm.
Vinaconex (VCG): Quý IV giảm cả doanh thu lẫn lợi nhuận, tiền trong két 'hụt' hơn 3.500 tỷ đồng

Lợi nhuận quý IV giảm một nửa

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022, Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, HOSE: VCG) ghi nhận doanh thu đạt 1.929 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Điểm sáng là lợi nhuận gộp trong kỳ đạt 375 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi cùng kỳ; tương ứng biên lợi nhuận gộp cải thiện từ mức 11,3% lên 19,5%.

Tuy nhiên, doanh thu tài chính của Vinaconex cũng giảm đáng kể trong quý này, chỉ đạt 78 tỷ đồng, bằng 35% giá trị của quý IV/2021. Ngược lại, chi phí tài chính tăng nhẹ, chạm mốc 200 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí lãi vay.

Bên cạnh các chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cùng tăng, tình trạng các công ty liên doanh, liên kết làm ăn sa sút còn khiến Vinaconex lỗ thêm 9,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái có lãi hơn 21 tỷ đồng.

Kết quả, dù khoản lợi nhuận khác (đến từ hoạt động bất thường như chuyển nhượng bán, thanh lý tài sản cố định, các khoản tiền phạt, bồi thường được hưởng...) tăng mạnh 57% so với cùng kỳ, nhưng vẫn không đủ bù đắp doanh thu thiếu hụt trong hoạt động cốt lõi và hoạt động tài chính, nên Vinaconex chỉ có thể báo lãi sau thuế 80 tỷ đồng, giảm 54% so với quý IV/2021.

Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) trong quý IV/2022 theo đó giảm còn 91 đồng, trong khi đó, cùng kỳ chỉ tiêu này đạt 303 đồng.

Song, với kết quả khả quan trong 9 tháng đầu năm, bức tranh kinh doanh năm 2022 của Vinaconex vẫn khá sáng. Trong đó, doanh thu tăng 50% so với năm trước, đạt 8.630 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tăng gấp đôi, vượt mốc 1.050 tỷ đồng.

Nhưng trước kỳ vọng ĐHCĐ đặt ra, Vinaconex chỉ mới hoàn thành 63% kế hoạch doanh thu và 75% kế hoạch lợi nhuận năm 2022.

Dòng tiền âm nặng

Trong năm, dòng tiền thuần kinh doanh của Vinaconex âm nặng 1.636 tỷ đồng, nguyên nhân do hàng tồn kho và tiền lãi vay đã trả tăng mạnh. So với năm 2021, dù lợi nhuận khi đó thấp hơn một nửa, nhưng dòng tiền kinh doanh vẫn dương 394 tỷ đồng.

Vinaconex năm vừa qua chủ động giảm tải vay nợ, chênh lệch giữa tiền vay/trả nợ gốc vay lên tới 780 tỷ đồng; doanh nghiệp cũng giảm tiền chi cổ tức cho cổ đông xuống một nửa so với năm trước. Vì vậy, dòng tiền thuần tài chính trong kỳ âm 1.365 tỷ đồng, trái ngược hoàn toàn mức 6.493 tỷ đồng của năm trước (do Vinaconex gia tăng đòn bẩy tài chính lên mức cao).

Hoạt động kinh doanh không tạo ra dòng tiền, đồng thời tích cực giảm vay, Vinaconex buộc phải bán bớt các khoản đầu tư, thoái vốn tại các công ty thành viên để cân đối dòng tiền. Tuy nhiên, nỗ lực đó là chưa đủ, dòng tiền thuần vẫn âm 1.060 tỷ đồng, ảnh hưởng đến trữ lượng tiền cuối năm.

Thực tế, ngày 31/12/2022, khoản tiền và tương đương tiền của Vinaconex đã giảm xuống 1.749 tỷ đồng, thấp hơn 1.000 tỷ đồng so với đầu năm; tương tự, khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (tiền gửi ngân hàng) cũng mất 2.440 tỷ đồng, còn 1.426 tỷ đồng. Cộng chung, lượng tiền các loại đã "bốc hơi" trên 3.500 tỷ đồng trong năm.

Như đã đề cập, khoản đầu tư tài chính dài hạn (đầu tư vào công ty thành viên, đối tác) của Vinaconex cũng giảm 23% xuống 1.122 tỷ đồng sau 1 năm. Tuy nhiên, doanh nghiệp tăng mạnh giá trị hàng tồn kho lên gấp đôi, đạt 6.767 tỷ đồng; chi phí xây dựng cơ bản dở dang tăng gấp 4, lên 7.800 tỷ đồng, tập trung ở dự án khu du lịch Cái Giá - Cát Bà (Cát Bà Amatina) ở TP. Hải Phòng. Đây cũng là dự án trọng điểm của Vinaconex trong chiến lược phát triển dài hạn.

Thời điểm cuối 2022, nợ phải trả của Vinaconex đạt 22.259 tỷ đồng, xấp xỉ 1 tỷ USD. Trong đó, tổng nợ vay chiếm 13.222 tỷ đồng, gấp 1,3 lần vốn chủ sở hữu (10.026 tỷ đồng). Món nợ "chồng chất" là hệ quả sau khi Vinaconex đẩy mạnh vay mượn trong năm 2021, tạo áp lực trả lãi không nhỏ đối với doanh nghiệp trong môi trường lãi vay tăng cao như hiện nay.

Thanh Phong

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục