Viettel Construction và lợi thế lớn đến từ Tổng công ty Mạng lưới Viettel

(Banker.vn) Hiện Viettel đang nắm giữ 41.5% cổ phần của Tổng Công ty CP Công trình Viettel (Viettel Construction). Chính vì thế, Viettel Construction có nhiều lợi thế trong hoạt động kinh doanh khi tham gia các dự án do các đơn vị thuộc Tập đoàn này triển khai.

Cổ đông Viettel Construction (CTR) chuẩn bị nhận cổ tức "kép"

Viettel Construction (CTR) báo lãi hơn trăm tỷ trong quý II/2022

Viettel Construction (CTR) báo lãi gần 300 tỷ đồng trong 7 tháng

Nhà thầu lớn, không "quên" gói nhỏ

Tổng Công ty CP Công trình Viettel (Viettel Construction, mã chứng khoán: CTR) được thành lập vào năm 1995, là một thành viên thuộc hệ sinh thái của Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Tập đoàn Viettel). Viettel Construction đặt mục tiêu trở thành nhà đầu tư, vận hành, cung cấp công trình thông minh, hiệu quả thông qua 5 lĩnh vực kinh doanh chính: Đầu tư hạ tầng cho thuê; Xây dựng (bao gồm xây dựng hạ tầng viễn thông, xây dựng dân dụng B2B và B2C); Công nghệ thông tin; Giải pháp tích hợp và Vận hành khai thác.

Theo tìm hiểu, hiện Viettel đang nắm giữ 41.5% cổ phần của Viettel Construction. Chính vì thế, Viettel Construction có nhiều lợi thế trong hoạt động kinh doanh, trong đó có hoạt động đấu thầu nội khối.

Viettel Construction và lợi thế lớn đến từ Tổng công ty Mạng lưới Viettel
Trụ sở Viettel Construction

Khảo sát cho thấy, Viettel Construction đã tham gia 132 gói thầu, trúng 71 gói, trượt 36 gói, trượt 21 gói, huỷ 4 gói. Tổng giá trị gói thầu lên tới gần 1.3 nghìn tỷ đồng. Tỉ lệ giá trúng thầu so với giá dự toán là 96.13%.

Chỉ tính từ đầu năm 2022 cho tới nay, Viettel Construction đã trúng hơn 50 gói thầu (trong tư cách liên danh hoặc độc lập) do Tập đoàn Viettel và các Tổng Công ty làm chủ đầu tư. Trong thời gian từ ngày 17/5 đến ngày 31/5 Viettel Construction, trúng liền 4 gói thầu tổng trị giá 34 tỷ đồng do Tổng Công ty Mạng lưới Viettel (Viettel Networks) là bên mời thầu.

Điều đáng chú ý, mặc dù có quy mô vốn rất lớn, nhà thầu Viettel Construction thường tham gia các gói thầu quy mô từ nhỏ đến lớn (vài trăm triệu đồng trở lên). Những gói thầu này phần lớn có tỉ lệ tiết kiệm rất thấp.

Đơn cử, vào tháng 5/2022, Viettel Construction đã trúng gói thầu Cung cấp dịch vụ lắp đặt thiết bị 4G phục vụ mở rộng vùng phủ giai đoạn 2 khu vực miền Bắc thuộc Dự án đầu tư mở rộng mạng vô tuyến khu vực miền Bắc năm 2021 với giá 15.895.315.295 đồng, giảm 0,5% so với giá gói thầu (15.977.310.531 đồng). Thời hạn thực hiện hợp đồng 300 ngày. Gói thầu được thực hiện theo phương thức một giai đoạn, 2 gói hồ sơ. Hình thức đấu thầu thực hiện qua mạng. Bên mời thầu là Tổng Công ty Mạng lưới Viettel – Chi nhánh Tập đoàn Viettel mời thầu.

Trước đó, Thượng tá Đào Minh Vũ, Tổng GĐ Tổng Công ty Mạng lưới Viettel ký Quyết định số 060519/ QĐ – VTNet về việc phê duyệt nhà thầu đáp ứng yêu thầu kỹ thuật cho gói thầu trên. Duy nhất nhà thầu Viettel Construction đáp ứng được điều kiện bên mời thầu đưa ra.

Ngoài ra, Viettel Construction còn trúng nhiều gói thầu có giá gói thầu lên tới vài chục tỷ đồng nhưng cũng giống như các gói thầu khác, tỉ lệ tiết kiệm khá thấp.

Cụ thể, tại gói thầu Dịch vụ lắp đặt 44 hạng mục thiết bị cho các trạm BTS, trong vai trò liên danh Viettel Construction đã trúng gói thầu trên với giá 47.595.999.539 đồng, giảm 0,01% so với giá gói thầu (47.601.018.355 đồng).

Nhìn lại quá khứ, trong quý II/2020, Viettel Construction được lựa chọn thực hiện Gói thầu Gia cố cột anten quá tải trọng cho các trạm BTS năm 2019 thuộc Dự án Đầu tư mở rộng mạng thông tin di động 2G, 3G khu vực miền Bắc năm 2018 với giá trúng thầu 142,9 tỷ đồng (đạt tỷ lệ tiết kiệm 0,14%); Gói thầu Triển khai xây dựng phòng máy X04, phòng máy X04 vượt lũ, nhà đặt máy phát điện, bệ đặt máy phát điện tại 25 tỉnh thuộc Dự án Kiên cố phòng chống thiên tai Viettel năm 2018 tại 25 tỉnh ven biển, giá trúng thầu là 152,3 tỷ đồng….

“Sức khoẻ” tài chính của Viettel Construction ra sao?

Được biết, nếu như trước đây, doanh thu từ hoạt động xây lắp luôn chiếm tỷ trọng hơn 70% tổng doanh thu của Viettel Construction, thì kể từ năm 2017, đóng góp của mảng này thấp dần và hiện chỉ còn khoảng 22%. Thay vào đó, gần 60% doanh thu của Tổng công ty đến từ cung cấp dịch vụ khai thác, ứng cứu thông tin viễn thông và dịch vụ quản lý, khai thác thuê bao cố định với Mạng lưới Viettel và Tổng công ty Viễn thông Viettel.

Viettel Construction và lợi thế lớn đến từ Tổng công ty Mạng lưới Viettel
Việc trúng các gói thầu xây lắp và cung ứng dịch vụ cho các đơn vị thành viên của Tập đoàn Viettel góp phần giúp kết quả kinh doanh của Viettel Construction liên tục tăng trưởng

Hiện tại Viettel Construction còn chú trọng thị trường dân dụng khi tham gia nhiều dự án thấp tầng như: khu nghỉ dưỡng, biệt thự thấp tầng và nhà ở hộ gia đình riêng lẻ.

Được biết, trong quý II/2022, Viettel Construction doanh thu thuần 2.225 tỷ đồng, tăng 24,2% so với đầu năm. Giá vốn hàng bán tăng 24,1% lên 2.062 tỷ đồng giúp biên lãi gộp vẫn duy trì ở mức 7,3%.

Doanh thu tài chính giảm 47,6% so với cùng kỳ năm trước còn 1,7 tỷ đồng do lãi tiền gửi giảm. Chi phí tài chính giảm 38,1% về 1,3 tỷ đồng trong khi phí quản lý doanh nghiệp tăng 23,8% lên 35,3 tỷ đồng.

Kết quả, Viettel Construction ghi nhận 102,8 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng 25,2%. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ cũng đạt khoảng 102,8 tỷ đồng, tăng 25,2%, EPS cải thiện từ 884 đồng lên 1.072 đồng (sau tăng vốn điều lệ).

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Viettel Construction ghi nhận doanh thu thuần 4.226 tỷ đồng, tăng 19,3% so với nửa đầu năm 2021. Trong đó, doanh thu dịch vụ khai thác và ứng cứu thông tin chiếm tỷ trọng lớn nhất khi đạt 2.352 tỷ đồng, tăng 14,1%; doanh thu xây lắp công trình là 1.044 tỷ đồng tăng 65,8%; ngoài ra đơn vị còn có thêm doanh thu dịch vụ kỹ thuật là 122,2 tỷ đồng. Lợi nhuận ròng công ty đạt 192 tỷ đồng sau 6 tháng, tăng 25%.

Trên thị trường chứng khoán, trong phiên sáng ngày 22/8/2022, giá cổ phiếu CTR đang giao dịch quanh mức 73.900 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh là hơn 300.000 cổ phiếu.

Nguyễn Bắc

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán