VietinBank hoàn tất tăng vốn điều lệ lên 53.700 tỷ đồng

(Banker.vn) Ngày 13/12, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank, HOSE: CTG) vừa công bố thay đổi số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết từ 4,8 tỷ cổ phiếu lên 5,37 tỷ cổ phiếu.

Theo đó, vốn điều lệ của ngân hàng này sẽ tăng lên 53.700 tỷ đồng, đứng vị trí thứ ba trong nhóm Big4, cao hơn Agribank và thấp hơn Vietcombank và BIDV.

VietinBank hoàn tất tăng vốn điều lệ lên 53.700 tỷ đồng
Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank, HOSE: CTG)

Trước đó, ngân hàng này đã hoàn thành việc phát hành thêm hơn 564 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 11,74% từ nguồn lợi nhuận còn lại của năm 2020.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, VietinBank đã thông qua hai phương án tăng vốn điều lệ, lên mức 60.387 tỷ đồng hoặc 66.030 tỷ đồng, tùy thuộc vào việc có hoàn thành tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận còn lại của năm 2020 hay không.

Ngoài 564,3 triệu cổ phiếu đã đến tay nhà đầu tư, VietinBank còn có kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại từ năm 2021 và lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2016. VietinBank sẽ nâng vốn điều lệ thêm 12.330 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức.

Tuy nhiên, ngay cả khi hoàn thành kế hoạch được Đại hội đồng cổ đông phê duyệt, vốn điều lệ của VietinBank vẫn sẽ thấp hơn VPBank và Vietcombank (theo kế hoạch). Vừa qua, VPBank đã nâng vốn điều lệ lên hơn 79.000 tỷ đồng. Trong khi đó, Vietcombank dự kiến sẽ nâng vốn điều lệ lên 75.000 tỷ đồng.

Về tình hình kinh doanh, theo dữ liệu tài chính quý 3/2023, ngân hàng này ghi nhận doanh thu thuần đạt 13.087 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước.

Trong kỳ, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ ghi nhận đạt 1.815 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ; lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối ghi nhận đạt 1.135 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh và mua bán chứng khoán đầu tư ghi nhận khoản lỗ lần lượt là 20 tỷ đồng và 13 tỷ đồng. Tuy vậy, khoản lỗ này đã giảm so với cùng kỳ (cùng kỳ ghi nhận lỗ đến 136 tỷ đồng và 105 tỷ đồng).

Trong quý 3/2023, ViettinBank ghi nhận tổng chi phí hoạt động tăng gần 5% so với cùng kỳ, lên mức gần 5.082 tỷ đồng. Theo đó, do chi phí tăng nhanh hơn tổng thu nhập, lợi nhuận thuần hoạt động kinh doanh của VietinBank giảm nhẹ, xuống còn 12.331 tỷ đồng.

Đáng chú ý, VietinBank cắt giảm gần 1.000 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong quý 3 này, xuống còn 7.440 tỷ đồng.

Kết quả, VietinBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 4.871 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 3.895 tỷ đồng, tương ứng tăng 17,2% so với cùng kỳ.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần của VietinBank tăng 9,8% so với cùng kỳ, mang về hơn 38.500 tỷ đồng, lãi thuần từ dịch vụ và kinh doanh ngoại hối tăng lần lượt 30% và 43%.

Cùng với đó, hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh lãi hơn 200 tỷ trong khi cùng kỳ năm trước lỗ gần 80 tỷ đồng.

Tính chung 9 tháng, VietinBank dành 20.642 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 11% so với cùng kỳ. Theo đó, Vietinbank ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất 9 tháng đạt hơn 17.400 tỷ đồng, tăng gần 9% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2023, Hội đồng quản trị VietinBank đã thông qua kế hoạch kinh doanh với mục tiêu lợi nhuận trước thuế riêng lẻ năm 2023 đạt 22.500 tỷ đồng.

Như vậy, sau 9 tháng đầu năm 2023, ngân hàng này đã hoàn thành được hơn 77% kế hoạch lợi nhuận cho cả năm. Mức lợi nhuận trên cũng giúp VietinBank giữ vững vị trí Top 4 lợi nhuận ngành ngân hàng sau 9 tháng.

Tại ngày 30/9/2023, tổng tài sản của VietinBank mở rộng 4,4% so với thời điểm hồi đầu năm, ghi nhận ở mức hơn 1,88 triệu tỷ đồng, trong đó cho vay khách hàng tăng 8,7%, đạt hơn 1,38 triệu tỷ đồng. Số dư tiền gửi của ngân hàng tăng 4,9% với 1,31 triệu tỷ đồng. Tiền gửi của các tổ chức tín dụng khác tăng 76% với 247.168 tỷ đồng. Tiền gửi và vay Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước giảm 80%, còn 21.577 tỷ đồng.

Về chất lượng tài sản, tại thời điểm cuối quý 3, tổng nợ xấu của VietinBank ghi nhận ở mức 18.941 tỷ đồng, tăng gần 20% so với thời điểm hồi đầu năm. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu của nhà băng này cũng tăng tương ứng từ 1,24% lên 1,37%, vẫn ở mức thấp so với mặt bằng chung các ngân hàng hiện nay.

Đáng chú ý, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) của ngân hàng này tăng tới 13%, lên 7.063 tỷ đồng. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm nhẹ từ 188% về 172%.

Vietinbank đại hạ giá khoản nợ gần 1.500 tỷ đồng của Công ty Võ Thị Thu Hà

Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank, HOSE: CTG) – Chi nhánh 7 TP. Hồ chí Minh đang phối hợp với tổ chức đấu ...

Các “ông lớn” ngân hàng nhóm Big4 huy động thành công lượng lớn trái phiếu dịp cuối năm

Ngoại trừ Vietcombank, 3 “ông lớn” còn lại trong nhóm Big4 là VietinBank, BIDV và Agribank đang tích cực gia tăng phát hành trái phiếu ...

Thùy Chi (T/H)

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán