VietinBank dự chi hơn 3.844 tỷ đồng chia cổ tức năm 2020 bằng tiền mặt tỷ lệ 8%.

(Banker.vn) Mới đây, Hội đồng Quản trị Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank - Mã: CTG) đã thông qua phương án trích quỹ và chia cổ tức bằng tiền mặt năm 2020.

Cụ thể, ngân hàng dự kiến chi hơn 3.844 tỷ đồng để chia cổ tức năm 2020 bằng tiền mặt theo tỷ lệ 8% (mỗi cổ phiếu sở hữu nhận 800 đồng). Ngày đăng ký cuối cùng là ngày 15/12/2021 và dự kiến được thực hiện vào ngày 17/1 năm sau.

Như vậy, tỷ lệ chia cổ tức đã được tăng thêm 3 điểm % so với dự tính ban đầu. Theo kế hoạch được thông qua tại đại hội cổ đông thường niên, VietinBank định chia cổ tức tỷ lệ 5% bằng tiền.

Hiện tại, 64,46% vốn cổ phần của VietinBank được sở hữu bởi Ngân hàng Nhà nước (NHNN); 19,73% bởi cổ đông ngoại MUFG Bank (Nhật Bản); còn lại là các cổ đông khác. Theo đó, NHNN dự kiến thu về gần 2.478 tỷ đồng cổ tức từ Vietinbank và ngân hàng Nhật Bản thu về hơn 758 tỷ đồng.

Trong các năm trước đó, VietinBank vẫn thường xuyên thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt. Gần nhất, vào năm 2019, ngân hàng đã chia cổ tức theo tỷ lệ 5%; từ 2012 - 2016, tỷ lệ chi trả cổ tức dao động từ 7 - 16%.

Mặt khác, sau gần một thập kỷ, phải đến tháng 6 năm nay, VietinBank mới thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 29,07%. Qua đó, vốn điều lệ của ngân hàng được bổ sung lên mức 48.057 tỷ đồng, trở thành nhà băng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống.

Trên thị trường chứng khoán, mở cửa phiên giao dịch ngày 2/12, cổ phiếu CTG của VietinBank tăng 2,1% lên 34.700đ/cp. Khối lượng giao dịch trung binh phiên đạt gần 16 triệu đơn vị.

Diễn biến giá cổ phiếu CTG thời gian gần đây (Nguồn: TradingView)

Trong báo cáo cập nhật mới nhất về VietinBank, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng sẽ đạt 1,4% vào cuối năm nay, đạt kế hoạch năm (dưới 1,5%).

Theo đó, ngân hàng sẽ tích cực xử lý rủi ro nợ xấu trong quý cuối cùng, tương tự như trong giai đoạn trước. Tỷ lệ hình thành nợ xấu ròng 1,4% của quý IV/2021 sẽ được hỗ trợ bởi sự phục hồi trong giai đoạn tái mở cửa của một số khách hàng lớn bị phân loại thành nợ xấu trong quý III.

Tăng trưởng tín dụng 2021 của VietinBank dự kiến ở mức 9,4%, đạt mức trần tăng trưởng tín dụng hiện tại (9,5%) mặc dù gần đây ngân hàng đã nộp đơn xin NHNN hạn mức tăng trưởng tín dụng trên 12%. Tỷ lệ chi phí tín dụng giai đoạn 2021 - 2022 dự báo lần lượt là 1,6% và 1,4%.

Trong quý III, nhóm phân tích cho biết chất lượng tài sản của VietinBank chịu tác động mạnh. Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu tăng lên 1,7% từ 1,3% của quý II/2021. Tỷ lệ nợ nhóm 2 cũng tăng lên 0,5%.

Theo VDSC, lợi nhuận trước thuế của VietinBank giai đoạn năm 2021 và năm 2022 dự báo lần lượt ở mức 20.500 tỷ đồng và 23.800 tỷ đồng, tương đương tăng 20% và 16% so với cùng kỳ.

"Điều này đồng nghĩa tăng trưởng lợi nhuận gần như đi ngang trong quý IV/2021. Chúng tôi nhận thấy nhiều bất ngờ có thể xảy ra đến từ việc ghi nhận khoản phí trả trước và hoàn nhập dự phòng," báo cáo viết.

VDSC kỳ vọng lợi nhuận mảng bảo lãnh và thanh toán sẽ phục hồi trong quý cuối cùng khi hoạt động thương mại và tiêu dùng phục hồi trở lại.

Lưu Lâm

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán