CII mới đây cho biết UBND tỉnh Tiền Giang đã chấp thuận thay đổi nhà tài trợ tín dụng cho dự án BOT Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận |
Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (HOSE: CII) vừa cho biết UBND tỉnh Tiền Giang đã chấp thuận thay đổi nhà tài trợ tín dụng cho dự án BOT Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Qua đó, Ngân hàng Vietcombank sẽ tài trợ số tiền 6.942 tỷ đồng cho dự án nói trên. Các thành viên của CII sẽ tiếp tục thực hiện các thủ tục để ngân hàng giải ngân toàn bộ hạn mức.
Dự án BOT Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận do Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận làm chủ đầu tư, được khởi công từ năm 2009. Dự án được thực hiện theo hợp đồng BOT với mức đầu tư khoảng 12.668 tỷ, cao nhất trong danh mục hiện hữu của CII.
Trước đó, cuối năm 2019, BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã ký kết hợp đồng tín dụng trị giá 6.686 tỷ đồng với các ngân hàng, trong đó VietinBank là 3.300 tỷ đồng, BIDV là 1.500 tỷ, Agribank là 1.000 tỷ đồng và VPBank là 886 tỷ. Tuy nhiên liên danh 4 ngân hàng này đã đồng ý rút lui khỏi dự án và được thay thế bằng Ngân hàng Vietcombank.
Theo tìm hiểu, cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận có chiều dài toàn tuyến là 51,5km, nằm toàn bộ trên địa bàn tỉnh Tiền Giang với điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (tiếp nối cao tốc TP. Hồ Chí Minh -Trung Lương), điểm cuối tại nút giao An Thái Trung. Đây là dự án có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược kết nối TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Cụ thể, cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận khi kết hợp với cao tốc TPHCM – Trung Lương, cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2, tạo thành một tuyến cao tốc hoàn chỉnh từ TP. Hồ Chí Minh đến khu vực đồng bằng sông Cửu Long, giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ 7 tiếng xuống còn khoảng 3,5 tiếng.
Ở một diến khác, cấch đây không lâu, Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh đã thông tin về việc nâng tỷ lệ sở hữu tại cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Theo đó, công ty con do doanh nghiệp này nắm giữ 54,78% vốn điều lệ là Công ty CP Đầu tư Cầu đường CII (CII B&R) đã được cơ quan Nhà nước chấp thuận cho nắm giữ 89% cổ phần tại Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận.
Theo tìm hiểu, tại thời điểm 30/6/2023, CII B&R nắm giữ 50% vốn của BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, còn CII có khoản giá trị gốc đầu tư tại công ty BOT này là 831 tỷ đồng.
Về BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, doanh nghiệp này được thành lập ngày 21/4/2015 với số vốn điều lệ gần 1.543 tỷ đồng, là đơn vị thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1 theo hình thức hợp đồng BOT.
Được biết, dự án đã đi vào vận hành khai thác từ quý III/2022 với doanh thu bình quân khoảng 2,5 tỷ đồng/ngày đêm, tương đương trên 910 tỷ đồng/năm. Với mức tăng trưởng lưu lượng hằng năm ước tính 6,3% và lộ trình giá vé như quy định trong hợp đồng BOT, tổng doanh thu tính đến cuối dự án khoảng 32.000 tỷ đồng.
Việc CII tiến hành nâng tỷ lệ sở hữu tại BOT Trung Lương - Mỹ Thuận là một phần trong kế hoạch đầu tư của doanh nghiệp này. Cụ thể, tại ĐHĐCĐ bất thường tổ chức ngày 19/10 vừa qua, ban lãnh đạo CII cho biết, định hướng đầu tư giai đoạn 2024 – 2030 của doanh nghiệp này vẫn là ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông.
Theo đó, định hướng này được CII đưa ra dựa trên hai cơ sở. Thứ nhất, đó là việc Chính phủ hiện đang ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống đường bộ cao tốc giai đoạn 2023 - 2025. Doanh nghiệp này đánh giá, đây là động lực lớn thúc đẩy các dự án hạ tầng giao thông đầu tư theo hình thức PPP.
Thứ hai là Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh đã mở ra cơ hội lớn về đầu tư hạ tầng. Trước đây, Thành phố chỉ được áp dụng đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT đối với các tuyến đường mới. Do vậy, việc triển khai đầu tư theo hình thức BOT gặp nhiều khó khăn do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; đánh giá khả năng hoàn vốn và huy động vốn cho dự án. Tuy nhiên, Nghị quyết 98 đã cho phép TP Hồ Chí Minh đầu tư theo hình thức PPP (BOT hoặc BT) trên tuyến đường hiện hữu, từ đó phần nào giải quyết được các khó khăn kể trên.
Trên những cơ sở đó, ĐHĐCĐ CII đã thông qua kế hoạch đầu tư 6 dự án hạ tầng giao thông trong giai đoạn 2024 - 2030 với tổng mức đầu tư lên tới gần 75.000 tỷ đồng. Trong đó, dự án cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 2 là dự án có mức đầu tư lớn nhất với 22.000 tỷ đồng.
Tổng Giám đốc CII nhầm lẫn trong việc đăng ký bán cổ phiếu? Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM (HoSE: CII) thực hiện đính chính giao dịch của ông Lê Quốc Bình - ... |
Vợ Tổng giám đốc CII đăng ký mua thêm quyền mua trái phiếu chuyển đổi Bà Phạm Thị Thuý Hằng, vợ ông Lê Quốc Bình - Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM ... |
CII muốn bán lượng lớn cổ phiếu SII, dự thu gần 170 tỷ đồng Công ty CP Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE: CII) vừa đăng ký bán gần 8 triệu cổ phiếu ... |
Tiểu Vy
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|