Vietcombank lợi nhuận tăng 70% trong quý 1, vốn điều lệ tăng trên 50.000 tỷ đồng

(Banker.vn) Năm 2021, lợi nhận hợp nhất trước thuế dự kiến tăng 11%, trả cổ tức 8% và tăng vốn điều lệ lên hơn 50 nghìn tỷ đồng…, là những thông tin được công bố tại Đại hội đồng đổ đông của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, mã chứng khoán VCB), diễn ra sáng nay, 23/4.

Báo cáo tại đại hội, ông Nghiêm Xuân Thành, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết, năm 2020 dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế thế giới và trong nước, tuy nhiên với nỗ lực và quyết tâm cao, ngân hàng vẫn thực hiện thành công các mục tiêu phòng chống dịch, chia sẻ khó khăn với khách hàng, phát triển kinh doanh bền vững.

Đến cuối năm 2020, tổng tài sản Vietcombank đạt hơn 1,32 triệu tỷ đồng, tăng 8,5% so với năm 2019; dư nợ tín dụng hơn 845 nghìn tỷ đồng, tăng 14%: huy động vốn đạt hơn 1,05 triệu tỷ đồng, tăng 10,9% so với năm trước. Tỷ lệ nợ xấu chỉ 0,62%, tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu đạt 380% - cao nhất toàn ngành.

Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 23 nghìn tỷ đồng, tương đương năm 2019 và đạt 116,3% kế hoạch cổ đông giao. Quy mô vốn hoá đến cuối năm 2020 đạt 15,7 tỷ USD và đến ngày 22/4 đạt hơn 16,4 tỷ USD - dẫn đầu toàn ngành.

Theo ông Nghiêm Xuân Thành, tầm nhìn đến năm 2025, VCB là ngân hàng số 1 tại Việt Nam, một trong 100 ngân hàng lớn nhất khu vực châu Á, một trong 300 tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất thế giới, một trong 1.000 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất toàn cầu có đóng góp lớn vào sự phát triển của Việt Nam.

Với chiến lược phát triển trên, năm 2021, VCB đề ra kế hoạch kinh doanh với các chỉ tiêu chính như sau: tổng tài sản tăng 5%; dư nợ tín dụng tăng 10,5%; huy động vốn tăng phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng, dự kiến tăng 7%; lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng 11%; lợi nhuận trước thuế riêng lẻ đạt 25.000 tỷ đồng (điều chỉnh theo ý kiến của NHNN sau khi có ý kiến của Bộ Tài chính); tỷ lệ nợ xấu thấp hơn 1%; tỷ lệ chi trả cổ tức 8%; tỷ lệ đảm bảo an toàn hoạt động theo quy định hiện hành của NHNN.

Lý giải việc đặt chỉ tiêu lợi nhuận chỉ tăng 11% trong năm nay, cũng là mức tăng trưởng thấp nhất trong vài năm qua, ông Phạm Quang Dũng, Tổng giám đốc VCB cho biết, đây là một kế hoạch thận trọng, tuy nhiên dư địa để phát triển của ngân hàng là rất lớn, dự kiến năm nay kết quả của ngân hàng đạt được sẽ rất khả quan.

Chia sẻ về kết quả kinh doanh quý I/2021, ông Thành cho biết: “Hết quý I, lợi nhuận của VCB đã tăng 70% so với cùng kỳ, đạt hơn 8.000 tỷ đồng. Với kết quả khả quan như vậy, năm nay, VCB hoàn toàn có thể đạt và vượt 70% chỉ tiêu đề ra. Đồng thời, tăng trưởng tín dụng trong kỳ của VCB đạt 3,7% và vẫn là ngân hàng có quy mô tăng trưởng cao nhất toàn ngành”. Ngoài ra, trong quý I, VCB đã vươn lên thứ 8 thị trường về hoạt động phân phối bảo hiểm với doanh thu ước đạt 390 tỷ đồng. Trong 3 tháng đầu năm, VCB cũng hạch toán 1.700 tỷ đồng phí trả trước từ FWD, 1.100 tỷ đồng phí hoa hồng. Như vậy, tổng thu nhập từ hoạt động phân phối bảo hiểm trong quý I đạt khoảng 2.800 tỷ đồng. Dự kiến đến năm 2025, lợi nhuận của VCB sẽ đạt 2 tỷ USD, gấp đôi con số của năm 2020, trong đó tỷ trọng của bán lẻ chiếm 50%.

Hết quý I, lợi nhuận của VCB đã tăng 70% so với cùng kỳ, đạt hơn 8.000 tỷ đồng

Trả lời câu hỏi của cổ đông về hoạt động bán lẻ và cho vay bất động sản (BĐS), ông Phạm Quang Dũng thông tin: Bán lẻ hiện chiếm 54% tổng dư nợ, tỷ lệ nợ xấu dưới 0,2%, toàn bộ dư nợ đều có tài sản đảm bảo, thậm chí hơn 100%. Thời gian tới sẽ thúc đẩy hơn nữa mảng bán lẻ.

Còn dư nợ cho vay BĐS luôn được ngân hàng kiểm soát chặt chẽ, hàng năm đều có định hướng tín dụng, định kỳ nhiều lần trong 1 năm đều rà soát danh mục dư nợ. Năm 2020 dư nợ cho vay BĐS chỉ 33 nghìn tỷ đồng, nếu tính cả cho vay cá nhân mua nhà để ở là hơn 230 nghìn tỷ đồng.

Đại hội cũng đã thông qua phương án tăng vốn điều lên năm 2021 của VCB. Theo đó, VCB sẽ tăng vốn theo 2 cấu phần. Cấu phần 1, là phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại của năm 2019 sau khi chia cổ tức 8% bằng tiền mặt. Tỷ lệ phát hành là 27,6%, tương đương cổ đông sở hữu 1.000 cổ phần tại thời điểm phát hành sẽ được nhận số cổ phần mới tối đa là 276 cổ phần. Vốn điều lệ dự kiến sau khi phát hành trả cổ tức là hơn 47.325 tỷ đồng.

Cấu phần 2, VCB sẽ phát hành cổ phiếu riêng lẻ với quy mô tương đương 6,5% vốn điều lệ tại thời điểm chào bán. Vốn điều lệ dự kiến sau đợt phát hành là hơn 50.401 tỷ đồng. Thời gian thực hiện chào bán trong năm 2021 và tiếp tục trong năm 2022 nếu chưa hoàn thành.

Cũng tại cuộc họp lần này, VCB đã miễn nhiệm ông Eiji Sasaki, Thành viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc và bầu bổ sung ông Shojiro Mizguchi, Tổng giám đốc Khối kinh doanh Khu vực châu Á của Mizuho Nhật Bản. Công tác tại Mizuho Nhật Bản từ năm 2002, ông cũng đã có thời gian giữ vị trí phó phòng quản lý rủi ro tại Vietcombank trong giai đoạn 2012 - 2014.

Ông Nghiêm Xuân Thành- Chủ tịch HĐQT: Vietcombank có định hướng tăng trưởng tín dụng vào bất động sản khu công nghiệp. Chúng tôi đầu tư ngay từ hạ tầng cho các doanh nghiệp Việt Nam. Chúng tôi phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đại diện từ Nhật Bản, Hàn Quốc… để tìm hiểu tình hình tài chính của các doanh nghiệp, kiểm soát dòng tiền.

Thuỳ Linh

Theo Báo Công thương

Theo: Báo Công Thương