VietABank lấy ý kiến cổ đông về việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu nước ngoài

(Banker.vn) Hiện tại, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa của VietABank là 30%, cũng là mức tối đa đối với một tổ chức tín dụng Việt Nam theo luật định.

Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank - Mã: VAB) vừa có quyết định lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để thông qua tỷ lệ sở hữu nước ngoài. Theo đó, ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền biểu quyết là ngày 16/9 tới.

Hiện tại, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa của VietABank là 30%, cũng là mức tối đa đối với một tổ chức tín dụng Việt Nam theo luật định.

Tính đến ngày 25/6/2021, VietABank có 1.913 cổ đông và không có cổ đông nước ngoài. Trong đó, có hai cổ đông nhà nước chiếm 3,74% vốn điều lệ ngân hàng, 32 cổ đông tổ chức (32,16%) và 1.879 cổ đông cá nhân (64,1%).

VietABank hiện chỉ còn một cổ đông lớn là CTCP Tập đoàn đầu tư Việt Phương với tỷ lệ sở hữu là 12,21%. Đây cũng là doanh nghiệp do Chủ tịch VietABank Phương Hữu Việt từng đứng đầu trong giai đoạn 2008 - 2011.

Ngay sau khi lên sàn chứng khoán, CTCP Rạng Đông đã bán ra gần 11 triệu cổ phiếu VAB, giảm số cổ phần sở hữu tại VietABank xuống còn 21,72 triệu cp (4,88%), qua đó không còn là cổ đông lớn của ngân hàng. Kết phiên giao dịch sáng ngày 31/8, giá cổ phiếu VAB đứng ở mức 17.500 đ/cp.

Diễn biến giá cổ phiếu VAB thời gian gần đây (Nguồn: TradingView)

Trước đó, SHB và VPBank có động thái khóa room ngoại và được cho rằng là bước đệm để đón cổ đông chiến lược nước ngoài. Song, đây đều là những ngân hàng có quy mô lớn và được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm.

Trong khi đó vào hồi cuối tháng 5, Ngân hàng Bản Việt, một nhà băng có cùng quy mô với VietABank, lại điều chỉnh room ngoại từ 30% xuống còn 5%.

Theo lãnh đạo ngân hàng Bản Việt, việc duy trì room ngoại ở mức 30% là khá lớn so với quy mô giao dịch, tình hình cơ cấu cổ đông động khi đó và định hướng của ngân hàng trong tương lại.

"Điều này có khả năng làm ảnh hướng rất đáng kể đến biến động giá cổ phiếu trong thời gian tới", HĐQT Bản Việt cho hay.

Do đó, HĐQT Bản Việt cho rằng việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa là hết sức cần thiết để ổn định giá cổ phiếu, bảo đảm quyền lợi của cổ đông trong nước và nâng cao năng lực của ngân hàng.

Anh Khôi

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục